Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội:
Tái cơ cấu thế nào?
> Mong Quốc hội tìm giải pháp đẩy lùi lạm phát
Tuy nhiên, tái cơ cấu thế nào, cụ thể ra sao thì báo cáo của Chính phủ lại chưa làm rõ.Cần “tái” thật chứ không chỉ hô hào suông.
Tái cơ cấu chậm
Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, chúng ta duy trì mô hình tăng trưởng theo chiều rộng quá lâu và không ít bất cập. Từ khi đổi mới, chúng ta tận thu tuyệt đối từ khai thác tài nguyên khoáng sản; nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian quá dài; các dự án đầu tư không hiệu quả, cho vay bất động sản tràn lan; nhiều địa phương có tình trạng cát cứ, không có quy hoạch, không quản lý được, gây lãng phí.
Chính phủ đã cố gắng trong thời gian qua, nhưng cả một đất nước, một xã hội thế này thì rất khó. Thủ tướng nêu rất đúng, tất cả dồn nén, giờ mới bung ra! Vì vậy, phải sớm chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu. Phải tái cơ cấu, quy hoạch lại nền kinh tế, không thể để tỉnh nào biết tỉnh đó. “Phải đầu tư theo quy hoạch, cái gì không đúng quy hoạch phải cắt. Phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo cách ngân hàng yếu kém quá có thể cho phá sản, hoặc sáp nhập; tái cơ cấu hệ thống tập đoàn, mà trước tiên khoản đầu tư ngoài ngành chính phải cắt”- Phó Chủ tịch nước nói.
Các ĐB thảo luận tại tổ Ảnh: Hồng Vĩnh. |
ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng, Chính phủ còn lúng túng trong quản lý điều hành, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm. Hệ thống ngân hàng cần phải tái cơ cấu theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhưng khởi động của Chính phủ để chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống ngân hàng quá chậm. Một đất nước quy mô kinh tế nhỏ mà có tới vài chục ngân hàng thương mại là quá nhiều. Nhiều tập đoàn, tổng công ty đang làm ăn kém hiệu quả, ngoài Vinashin, Tập đoàn Điện lực, Tổng Cty Hàng hải…cũng đang thua lỗ. “Đây là một trong những yếu tố khiến lạm phát tăng cao. Và trong tình hình lạm phát tăng cao, Chính phủ loay hoay mãi giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ chứ chưa tính đến những vấn đề về quản trị, chỉ đạo tái cơ cấu…”- Ông Quang nói.
“Nợ xấu thực chất nghiêm trọng hơn nhiều, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tới 30% thì có thể nói là mất thanh khoản. Thị trường chứng khoán, bất động sản ảm đạm không biết đến bao giờ, các nhà đầu tư phải nín thở, nhưng nín thở lâu quá thì tắt thở!” - ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói.
Không hô hào suông
Theo ĐB Trần Du Lịch, vừa qua chúng ta đưa ra chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế rất mạnh mẽ, nhưng đó mới chỉ là đầu bài. Trong khi yêu cầu là phải xác định được tái cơ cấu thế nào. Ông Lịch dẫn chứng, trong cơ cấu ngân sách năm 2012 trình Quốc hội vẫn chưa có gì thay đổi, vậy bao giờ mới tái cơ cấu đầu tư? Đối với thị trường tài chính cũng vậy, nhưng tái cơ cấu ngân hàng không đơn giản bởi hệ thống ngân hàng được nâng niu như pha lê, không coi chừng là vỡ. Chúng ta yêu cầu công khai minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhưng chưa rõ tập đoàn, tổng công ty nào phải công khai hoạt động, bao giờ công khai. Người dân cần thấy rõ ràng chính sách để đi theo, nhưng các chính sách không rõ.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) bày tỏ, cho đến nay Luật Doanh nghiệp chưa có điều nào nói về tập đoàn. Dẫn đến quản lý khó khăn và thất thoát tài sản từ các tập đoàn này không nhỏ. Tính công khai, minh bạch của các tập đoàn cũng không được thực hiện. Ví như cơ cấu hình thành giá xăng, giá điện, tại sao liên tục kêu lỗ, nhưng có thời điểm lại chi cả nghìn tỷ tiền thưởng cho cán bộ trong ngành.
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên- Huế) cho rằng, trong thời gian gần đây chỗ nào cũng nói là “tái cấu trúc nền kinh tế”, không hiểu là “tái” chỗ nào và nội hàm nó ra sao, bởi cách đây 10 năm chúng ta liên tục nói đến “chuyển dịch nền kinh tế”, nhưng sự chuyển dịch chả đáng là bao nhiêu. Lần này phải làm như thế nào để “tái” thật chứ không chỉ là hô hào suông. Đừng để như việc hô hào “công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn” hay như “chuyển dịch nền kinh tế” những năm trước.
“Nhân dân nhìn thấy nhiều công chức có tài sản rất lớn”
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, các Ủy ban của QH cần nâng cao vai trò phản biện đối với báo cáo của Chính phủ, tìm ra giải pháp tốt nhất để điều hành kinh tế vĩ mô. Cần đánh giá đúng hiệu quả điều hành trong 5 năm qua của Chính phủ là gì, có gì yếu, kém và nguyên nhân là gì? Cần xem lại bộ máy từ hoạch định chính sách, điều hành vĩ mô… bất cập ở điểm nào phải khắc phục, phải chữa trị. Nhưng, dường như chúng ta vẫn chậm xử lý tình huống. Ví như nhiệm kỳ QH khóa XII (khi chưa có nhiều vụ vỡ nợ như hiện nay) đã cảnh báo một nền kinh tế đẻ ra quá nhiều tổ chức tín dụng, các ngân hàng “đi đêm”, nhưng Ngân hàng Nhà nước phản ứng rất chậm chạp.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, lãng phí trong đầu tư công còn lớn. Cần có bước đột phá về chống tham nhũng, lãng phí. Nhân dân nhìn thấy nhiều công chức có tài sản rất lớn, họ cho đứng tên vợ, con. Vừa qua chúng ta mới đòi hỏi kê khai, nhưng tốt hơn phải làm rõ tài sản lớn đó ở đâu mà có? Cần sớm ban hành luật đầu tư công, mua sắm công. Phải siết kỷ luật hành chính hơn nữa, tránh tổng kết xong lại vi phạm, làm cho yếu kém kéo dài nhiều năm không được khắc phục.
“Các giải pháp còn nặng về khẩu hiệu, biện pháp như thế nào chưa có. Chống tham nhũng cũng nhiều khẩu hiệu, nhưng hiệu quả lại rất thấp” - ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nhìn nhận.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đồng tình, một số quy định về phòng ngừa chống tham nhũng (PCTN) chưa đạt được hiệu quả, việc thực hiện Luật PCTN chưa tốt. Giám sát vốn và tài sản nhà nước ở một số doanh nghiệp còn buông lỏng, chưa được khắc phục. “Doanh nghiệp nhà nước là quả đấm thép của nền kinh tế nhưng lại đầu tư dàn trải quá nhiều, không hiệu quả. Vậy có còn là các doanh nghiệp chủ đạo nữa không, vấn đề này đề nghị Chính phủ phải báo cáo giải trình đầy đủ”- Bà Nga nói.
Còn độc quyền người dân còn khổ “Trong nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, phải đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong mọi lĩnh vực. Còn độc quyền thì người dân còn khổ. Ví dụ ngành điện, điện bán giá nào dân cũng phải mua do độc quyền. Tại kỳ họp này, tôi sẽ hỏi Bộ trưởng GTVT hiện còn bao nhiêu trẻ em vẫn phải bơi qua sông, bơi qua suối để đến trường, còn bao nhiêu cây cầu chưa kịp xây. Phải chú ý những vấn đề này mới có thể nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân”. |
ĐB Nguyễn Đức Chung (Phó giám đốc CA Hà Nội): Vỡ nợ còn diễn biến xấu “Lưu thông tiền mặt quá lớn, trong khi quản lý lỏng lẻo là nhân tố tạo thị trường tín dụng “đen”. Tín dụng “đen” và các hoạt động thế chấp, cầm đồ thu nhập bất hợp pháp gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Dự báo tình trạng vỡ nợ còn tiếp diễn xấu trong thời gian tới, phải thắt chặt quản lý tiền mặt lưu thông trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; dứt khoát quét tín dụng “đen”, không cho tồn tại…”. |