> Hà Nội đình chỉ 11 cơ sở nước đóng chai nhiễm khuẩn
> TPHCM: Đình chỉ bảy cơ sở làm nước đóng chai, đóng bình
Cấm, vẫn bán
Cty TNHH thương mại Đạt Nam ở đường số 47, phường Bình Thuận, quận 7 có nhãn hiệu nước uống tinh khiết đóng bình Aquasun bị đình chỉ lưu thông; cơ sở buộc ngưng hoạt động 2 tháng trước. Mới đây, đoàn Thanh tra Sở Y tế TPHCM ngỡ ngàng khi cơ sở vẫn vô tư hoạt động như chưa hề có lệnh đóng cửa.
Trước đó, đầu tháng 5, lực lượng chức năng phát hiện nước tinh khiết đóng chai Aquasun đã nhiễm loại trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginose gây bệnh tiêu chảy và nhiễm trùng hô hấp vượt mức cho phép. Ngay lập tức cơ sở buộc ngưng hoạt động, đồng thời phải thu hồi toàn bộ nước đã bán ra thị trường để tiêu hủy. Tuy nhiên, gần 2 tháng sau, cơ sở này đã phá niêm phong tất cả cầu dao điện, hệ thống lọc… để sản xuất và cung cấp nước cho các cửa hàng, bệnh viện, trường học, cửa hàng tạp hóa. Thậm chí một số công ty lữ hành ở TPHCM còn được Đạt Nam cung cấp nước sau đó đổi lại nhãn để cho hành khách tiêu thụ mà không hề hay biết cơ sở này vi phạm an toàn vệ sinh.
Chủ cơ sở Đạt Nam biện bạch không hề hay biết cơ sở hoạt động trở lại nhưng công nhân của cơ sở cho rằng chính người chủ đã chỉ đạo phá niêm phong và kéo một hệ thống dây điện khác đấu nối vào máy để hoạt động sản xuất nước bẩn.
Trước đó, trong lần tái kiểm tra hoạt động sản xuất nước uống đóng chai của Cty Kê Ba với nhãn hiệu nước E-Ba tại P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phát hiện gần 18.000 lít nước trong tổng số 20.000 lít nước bị niêm phong do nhiễm bẩn đã được đơn vị này đưa ra thị trường tiêu thụ. Không chỉ có Kê Ba, nhiều nhãn hiệu nước đóng chai, đóng bình khác vẫn tìm cách luồn lách đưa nước bẩn ra thị trường bất chấp lệnh cấm. “Có cơ sở khi lấy mẫu xét nghiệm đến khi phát hiện nước bị nhiễm khuẩn, thanh tra đến niêm phong thì cơ sở đóng cửa và âm thầm tẩu tán hết nước ra thị trường” - bác sĩ Phạm Kim Bình - Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết.
Theo Thanh tra Sở Y tế, trong gần 500 cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình được thanh tra có đến hàng chục nhãn hiệu nước uống được cho là tinh khiết nhưng nhiễm vi trùng cực độc mủ xanh. Nhiều phụ huynh ở quận 5 rùng mình khi biết được nước tinh khiết của Cty Suối Việt với nhãn hiệu Suvi có hàm lượng nhiễm vi trùng mủ xanh cao gấp hàng chục lần so với mức cho phép. Đến khi phát hiện, thì học sinh hàng loạt trường tiểu học và mầm non ở quận 5 đã uống loại nước tinh khiết Suvi cả năm qua. Đó là chưa kể với công suất sản xuất hàng nghìn lít nước/ngày, các nhãn hiệu nước nhiễm bẩn có mặt ở hầu khắp ngõ ngách của thành phố. Thậm chí một số loại còn phân phối về các vùng sâu, xa.
Đã bị niêm phong và lệnh ngưng hoạt động, cơ sở nước uống Đạt Nam vẫn cho ra lò nước uống Aquasun nhiễm trùng mủ xanh Ảnh: A.V. |
Uống nước = dính bệnh
Trao đổi với Tiền Phong, Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân - Khoa Y tế cộng đồng - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, với công nghệ sản xuất nước thủ công như hiện nay, nước uống đóng bình, đóng chai không đảm bảo vệ sinh là điều dễ hiểu. “Không ít cơ sở dùng nước giếng bơm tại chỗ, sau đó chỉ lọc qua các cột than cho bay mùi phèn, rồi quét qua tia cực tím để tiệt trùng và đóng bình, dán nhãn nước tinh khiết. Vì vậy, các kim loại nặng, các nguyên tố độc hại như Arsen, lưu huỳnh và vi sinh tồn tại trong nước ngầm không thể xử lý được và về lâu dài gây nguy cơ ung thư hoặc sảy thai cho người uống” - bà Ngân cho biết. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM, trực khuẩn mủ xanh gây các bệnh nhiễm khuẩn ở người như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn cơ hội. Đây là loại trực khuẩn gram âm, sống ở khắp mọi nơi trong môi trường thiên nhiên và thích hợp với các môi trường ấm, ẩm ướt. Vì vậy việc uống nước nhiễm loại trực khuẩn này là rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Huỳnh Mai, trong 130 cơ sở bị đình chỉ hoạt động và hàng trăm cơ sở bị xử phạt, có không ít cơ sở “lờn thuốc” do lực lượng thanh kiểm tra mỏng, trong khi doanh nghiệp sản xuất nước đóng bình, đóng chai đủ kiểu lách luật, làm ăn gian dối. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều lần bị yêu cầu đình chỉ họ vẫn hoạt động, không khắc phục sai phạm. Ngày 27-6, khi kiểm tra phát hiện cơ sở nước đóng chai Aquasun bất chấp lệnh cấm tháo niêm phong sản xuất nước không đảm bảo, Sở Y tế TPHCM kiến nghị UBND phường Bình Thuận và Điện lực quận 7 ngừng cung cấp điện, nước cho cơ sở này. Tuy nhiên kiến nghị là vậy, thực thi lại là chuyện khác.
Một cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, qua khảo sát mới đây với 100 cơ sở nước uống đóng bình thì có đến một nửa quảng cáo sai sự thật về công nghệ làm nước cũng như tiêu chuẩn của loại nước này. Rất khó xử lý sai phạm ấy. Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất thủ công tập trung ở quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn… vẫn tìm đủ cách “phù phép” những nguồn nước nhiễm vi sinh để cho ra nước tinh khiết. Ít ai biết trong 107 mẫu nước lấy từ nguồn nước ngầm của các hộ dân ở các quận huyện này, có 52% mẫu nước bị nhiễm vi sinh nặng.
Tại Đồng Nai, theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh này, sau khi kiểm tra 20 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn cho thấy hơn một nửa cơ sở trong đó vi phạm về sản xuất. Trong đợt thanh kiểm tra từ năm 2010 đến nay, phát hiện 50% cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng chai trong tổng số hơn 100 cơ sở vi phạm các điều kiện về vệ sinh thực phẩm. |