Dễ nhiễm khuẩn E.Coli từ thức ăn đường phố

Dễ nhiễm khuẩn E.Coli từ thức ăn đường phố
TP - Bất chấp cảnh báo của ngành y tế rằng nhiều quán ăn, hàng quán rong không đảm bảo vệ sinh thực phẩm do lượng vi sinh vật gây bệnh vượt mức cho phép, những nơi này vẫn tấp nập người ăn.

Cách đơn giản tránh nhiễm khuẩn E.Coli
> Ổ bệnh từ túi xách

Hàng rong bẩn vẫn ăn

Trước cổng trường Đại học KHTN và ĐH Sư phạm TPHCM trên đường Nguyễn Văn Cừ và An Dương Vương, quận 5 TPHCM, hàng chục gánh hàng rong, xe bán bánh ướt, bánh cuốn... phục vụ cho sinh viên tấp nập nhưng không được che đậy, mặc sức ruồi, bụi bám vào.

Khi ghé mua trái cây, bất kể loại gì, người bán sẽ gọt vỏ và nhúng sơ qua chỉ trong một thùng nước rồi xẻ nhỏ cho vào bịch. Gánh bánh trộn, bánh ướt không che chắn để cách mặt đường khoảng 30cm trên tuyến đường xe cộ qua lại tấp nập.

Trước cổng Trường ĐH Sư phạm, một nhóm sinh viên mới vào, cô chủ hàng sữa đậu nành vội vàng gom hết ly dơ lại, nhúng vào một xô nước, rồi tiếp tục đổ sữa vào bán cho khách. Thanh Hằng, sinh viên năm 4 trường ĐH KHXH&NV TPHCM, nói: “Tôi đã ăn lề đường, vỉa hè từ rất lâu, không thấy bị gì nên cũng không lo lắng lắm”.

Trước cổng BV Chợ Rẫy, dù nhiều lần bị ngành chức năng dẹp nhưng hàng rong nơi đây vẫn tấp nập, xô bồ. Các quầy bán đồ ăn rất đơn giản, chỉ cần một bếp lò đặt nồi nước lèo, một cái bàn để các thứ thịt, rau, chén, đũa là đã bán được cho khách.

Vì khách đông, tô chén ăn xong cũng không được thu gom ngay mà để chồng lại, cho vào một góc tường, đũa, muỗng lăn lóc trên nền đất.

Chị Kim Chi, 42 tuổi, công nhân ở Đồng Nai, dắt con khám ở Bệnh viện Mắt TPHCM nói: “Biết là đồ ăn lề đường không sạch sẽ, nhưng mình không có thời gian cũng không có xe đi lại nên ăn đại cho khỏi đói, tranh thủ còn kịp đón xe về nhà”.

Nơi cư ngụ của khuẩn gây bệnh

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, vi khuẩn E.Coli có trong người, động vật, hiện diện hầu hết mọi nơi trong môi trường, đặc biệt trong nguồn nước ô nhiễm phân người, ao hồ, sông suối, nước cạnh nhà vệ sinh, nước cống.

Các loại thực phẩm thịt động vật, rau sống, hải sản đông lạnh để lâu ngày… cũng dễ có loại vi khuẩn này xâm nhập nếu không bảo quản, chế biến tốt. Các món ăn được nấu nướng tại nhà hay ở quán ăn nếu chế biến không hợp vệ sinh hoặc chế biến xong mà bảo quản không đúng cách gặp điều kiện thuận lợi, nhất là mùa nắng nóng sẽ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn.

“Những nơi bán hàng rong lưu động nếu sử dụng nguồn nước chung rửa bát đĩa nhiều lần tiềm ẩn nhiễm khuẩn khá cao”, bác sĩ Siêu cho biết.

Theo TS - BS Hà Vinh, Trưởng khoa Nhiễm B - BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, thức ăn bẩn ngoài vi khuẩn E.Coli dễ xâm nhập còn khá nhiều loại vi sinh vật khác khi nhiễm vào thức ăn tạo ra nhiều loại độc tố gây ngộ độc như: amip, Samonella spp, phẩy khuẩn tả, tụ cầu vàng, vi nấm gây mốc trên ngô, đậu và lạc, sản sinh ra độc tố aflatoxin gây ung thư gan… Tất cả loại vi khuẩn nói trên gây ra bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, suy kiệt dinh dưỡng...

Bác sĩ Vinh cho biết, khuẩn E. Coli xuất hiện trong hệ tiêu hóa của người chỉ vài giờ sau khi sinh. Nó góp phần vào nhiều chức năng quan trọng trong sự sống của con người. Tuy nhiên, một số ít loài E. Coli có thể gây bệnh do chúng đã tiếp nhận các khả năng gây bệnh từ những vi khuẩn khác.

Đó là các E. Coli gây bệnh đường ruột, trong đó nhóm cực kỳ nguy hiểm là nhóm E. Coli gây tiêu chảy ra máu dẫn đến vỡ hồng cầu và suy thận dẫn đến tử vong. Nhiễm khuẩn E.Coli sẽ gây ngộ độc cấp tính, bị tiêu chảy, mất nước, dễ tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Theo bác sĩ Vinh, dựa vào các biểu hiện thông thường thì không thể nhận biết bệnh do khuẩn E. Coli gây ra. Khi bệnh nhân tiêu chảy có máu thì cần đến ngay bệnh viện để có các xét nghiệm kịp thời cũng như được theo dõi điều trị đúng phương pháp. Bệnh có thể gây ra thiếu máu, suy thận, vì vậy tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ có phương tiện lọc máu cho thận và cách ly đúng cách để điều trị kịp thời và không lây lan cho cộng đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.