Tìm thương hiệu cho chè Việt

Tìm thương hiệu cho chè Việt
TP - Sắp tới , Festival trà quốc tế lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Thái Nguyên. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè ở đây đang tìm những sản phẩm chè ngon nhất tham dự. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên đang đứng trước những thách thức.

Thái Nguyên nổi tiếng với những vùng chè như Tân Cương, La Bằng, Tức Tranh, Mặc Điềm... Trong đó, vùng chè Tân Cương được các nhà chuyên môn cũng như người tiêu dùng đánh giá cao. Đây có thể coi là vùng nguyên liệu chè tiêu biểu, nổi tiếng với hương thơm cốm dịu dàng đặc trưng, màu nước xanh trong, sáng và bền, vị chát dịu và ngọt hậu.

Mấy năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động nhằm xúc tiến, quảng bá thương hiệu chè thông qua các lễ hội trà, giao lưu văn hóa trà Thái Nguyên, đã đem lại hiệu quả đáng kể, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Tên tuổi của chè Tân Cương nói riêng và Thái Nguyên nói chung đã được khẳng định; tuy nhiên vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu, hiệu quả mang lại từ cây chè vẫn chưa xứng với tiềm năng vốn có. Một vùng chè nổi tiếng nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào Thái Nguyên trong lĩnh vực chế biến chè còn quá khiêm tốn. Cả tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 29 nhà máy lớn nhỏ sản xuất và kinh doanh chè, số nhà máy sản xuất chè xuất khẩu còn quá ít; trong đó, hầu hết đều sản xuất ở dạng thô, hiệu quả không cao. Đơn vị nhập khẩu các sản phẩm này chỉ cần đóng nhãn mác của họ rồi lại xuất khẩu đã thu về lợi nhuận gấp nhiều lần. Tại Thái Nguyên, hiện có Nhà máy chè xuất khẩu Tân Cương – Thái Nguyên sản xuất nhiều sản phẩm chè cao cấp đóng hộp, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với xuất khẩu chè thô. Một số tỉnh khác như Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng đã thu hút nhiều nhà máy chè xuất khẩu, vậy tại sao một nơi có nguồn nguyên liệu chất lượng cao như Thái Nguyên lại chưa được các nhà đầu tư mặn mà?

Theo một người tâm huyết với chè Tân Cương, hiện nay trên thị trường “chè Tân Cương” xuất hiện khắp nơi, nhưng để kiếm một cân chè Tân Cương thực sự thì quả không dễ. Ở đâu, người ta cũng lấy tên chè Tân Cương, khiến cho người mua không biết thật, giả.

Một khó khăn nữa là vùng chè Thái Nguyên còn hoạt động nhỏ lẻ, tự phát, chưa tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và tiêu thụ, nhiều khi bị tư thương ép giá, người trồng chè gặp khó khăn.

Theo ông Vũ Dương Bình – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình, muốn định vị phát triển thương hiệu một sản phẩm nông sản truyền thống không gì khác là phải kết hợp và khơi dậy được sức mạnh nội tại trên chính vùng đất, nơi ghi dấu và sản sinh ra sản phẩm đó. Các thương hiệu nổi tiếng có nguồn gốc từ nông sản trên thế giới cũng thành công trên phương thức ấy. Sản phẩm truyền thống chỉ nổi tiếng khi kết tinh của những giá trị: hồn đất, hồn nghề, hồn người... vào trong sản phẩm. Muốn xuất khẩu được thì phải làm cho thị trường quốc tế; bị thu phục bởi những giá trị văn hóa của chè Việt và xây dựng thương hiệu bài bản.

Festival Trà quốc tế dự kiến diễn ra từ 11 đến 15-11-2011 với 6 hoạt động chính và 7 hoạt động phụ trợ... Trong đó có Lễ hội văn hóa trà, thi cúp “Bàn tay vàng”, cuộc thi Người đẹp xứ Trà, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam. Việc được đăng cai lễ hội Festival Trà quốc tế là cơ hội tốt để chè Thái Nguyên tiếp tục khẳng định thương hiệu của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG