> Bài 1
Chợ Bưng Tróp A ở xã An Hiệp (Châu Thành, Sóc Trăng), hoàn thành năm 2007 với trên 1 tỷ đồng, bỏ hoang đến nay. Ảnh: Xuân Lương. |
Ngược với tập quán
Người dân ở những địa phương có chợ bỏ hoang cho biết, nguyên nhân nhiều chợ bỏ hoang là chọn vị trí xây chợ không phù hợp với tập quán, thói quen buôn bán, sinh hoạt của người dân vùng sông nước. Là chợ vùng sông nước nhưng chợ ở đây thiếu điều kiện trên bến dưới thuyền.
Ở ĐBSCL, nông sản, trái cây, tôm cá chủ yếu được vận chuyển bằng ghe thuyền với số lượng lớn nên chợ phải gần sông và sông càng lớn chợ càng sung túc. Một số người chủ quan tính chuyện đào kênh dẫn vào chợ đều không đáp ứng được nhu cầu buôn bán và phải bỏ hoang, siêu thị trái cây ở Tiền Giang là một điển hình.
Hai ngôi chợ tại Khu Công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau bỏ hoang cũng vì không trên bến dưới thuyền. Trong đó, ngôi chợ ở khu đô thị Khánh An, nằm giữa nhiều công trình hạ tầng, khu đô thị mới rất thuận tiện đường bộ, nhưng vẫn không thu hút được người vào buôn bán. Ông Quách Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Khánh An, nói: “Vị trí xây dựng chợ như thế không thuận cho buôn bán, làm sao người dân vùng sông nước lui đến”.
Còn có lý do khác là ở đô thị, các chợ được xây mới quá gần nhau. Đứng trước chợ Nhâm Lăng ở phường 5 (TP Sóc Trăng) bị bỏ hoang, ông Huỳnh Xuân Bảo có nhà gần chợ nói: “Khi tính xây chợ, chúng tôi đã góp ý rằng, khu vực này cách chợ trung tâm không xa, lâu nay mọi người quen ra đó mua hàng rồi, nên xây chợ mới là chưa cần thiết. Ý kiến của chúng tôi không ai nghe, kết cục chợ xây xong bỏ không”.
Nhiều chợ được xây mới ở nông thôn đón đầu sự phát triển vị trí cách xa khu dân cư, xa đường đi. Chợ xã Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang) hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2000 nhưng đến nay chưa có đường vào. Phòng Công Thương huyện Tri Tôn cho biết, năm nay dự kiến dành 2 tỷ đồng để làm đường vào chợ. Chợ Núi Sập ở thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn, An Giang) xây dựng xong năm 1997 nhưng không tiện đường mà chưa có cả hệ thống cấp nước sạch, thoát nước thải.
Chợ Sung Đinh ở phường 4 (TP Sóc Trăng) là điển hình cho việc xây chợ duy ý chí. Ông Nguyễn Văn Vũ, nhà ở gần chợ cho biết: “Khu vực này đông dân, lại nằm ngay ngã ba sông nên trước năm 2000, chợ nhóm họp đông đúc. Sau đó, chính quyền thu hồi đất của dân, cho xây chợ hoành tráng thì chợ ế ẩm vì chỉ xây nhà lồng và hai dãy ki ốt quá nhỏ, mỗi ki ốt ngang 1,7m, dài 2,8m, không phù hợp với việc buôn bán nông sản nên không ai thuê”.
Ông Phan Thanh Hoàng, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp của Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm: “Chúng tôi đã đề xuất với UBND TP Sóc Trăng cho sửa chữa mở rộng diện tích ki - ốt nhưng chưa thực hiện được”.
Người dân buôn bán ngoài chợ Bưng Tróp A. Ảnh: Xuân Lương. |
Giá, phí cao đuổi người buôn bán
Hầu hết chợ xây mới, khi hoàn thành đã đưa ra giá thuê lô, sạp quá cao, vượt khả năng của tiểu thương ở địa phương nên bà con không vào chợ, mà tự phát tụ họp bên ngoài. Ở nhiều địa phương đang tồn tại nghịch lý, chợ khang trang xây xong bỏ hoang còn bà con mua bán lại ngồi nhếch nhác bên ngoài, ven đường đi, bờ kinh, chân cầu. Đầu tư cho thương mại ở đây đã rất tốn kém mà vẫn chưa đóng góp được gì nhiều cho việc tiêu thụ nông sản, phát triển sản xuất và đời sống.
Xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú, Sóc Trăng) thuộc vùng sâu, trước năm 2000 đi lại còn khó khăn. Năm 1998, xã xây chợ với kinh phí 495 triệu đồng từ nguồn vốn của tổ chức CIDA (Canada). Bà Sơn Thị Mai, người dân ở đây cho biết: “Khi địa phương cho xây dựng chợ, nhiều người buôn bán nhỏ rất mừng, xin đăng ký vào chợ để mua bán được ổn định. Thế nhưng chợ khánh thành thì bỏ hoang đến nay”.
Bà Mai cho biết thêm, chợ xây xong, không ai chịu vào do xã cho thuê mặt bằng với giá quá cao, ngoài ra còn thu nhiều loại phí nữa nên vào đó buôn bán cầm chắc lỗ lã”.
Ở hai ngôi chợ khang trang vừa khánh thành tại TP Bạc Liêu với tổng trị giá đầu tư hơn 50 tỷ đồng, bà con tiểu thương chưa chịu vào cũng vì giá cho thuê đắt đỏ. Chị Phạm Kim Liên, tiểu thương mua bán cua ở khu A chợ Bạc Liêu cho biết, giá thuê do Cty Cổ phần Minh Thắng đưa ra cao gấp 30 lần so với chỗ cũ nên không kham nổi.
Ông Dương Ngọc Lợi, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu nói: “Phần lớn người buôn bán ở chợ có quy mô trung bình và nhỏ. Nếu xây chợ giá quá cao rồi cho thuê giá cao thì bà con không chịu nổi”.
Ông Lê Hồng Phúc, ở khu đô thị Khánh An (U Minh, Cà Mau) cho biết: “Tôi vào khu tái định cư, định canh Khánh An, bán tạp hóa đều thất bại. Chợ vắng người, bà con lại nghèo thì bán cho ai?”. Khi nông dân bị giải tỏa, di dời đến khu tái định cư, tái định canh Khánh An nhưng không chịu ở nên chợ Khánh An đành bỏ hoang cho lau sậy mọc um tùm.
Ông Trần Quốc Việt, GĐ Cty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Khánh An cho biết đang xin chủ trương di dời chợ đến vị trí khác.