Chống chọi với rét ở bãi giữa sông Hồng

Thuyền bè lụp xụp nhưng nhiều hộ dân vẫn nấu nướng, đốt than khói mù trong nhà Ảnh: Trọng Đảng
Thuyền bè lụp xụp nhưng nhiều hộ dân vẫn nấu nướng, đốt than khói mù trong nhà Ảnh: Trọng Đảng
TP - Không đủ chăn áo chống rét, những ngày qua người dân thuyền chài ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) đã đốt lửa chống rét. Đây là nguyên nhân khiến cả hai bà cháu vô gia cư tử nạn hồi đầu tháng 1.

>> Nhậu khi trời rét dễ tai biến, tử vong

Thuyền bè lụp xụp nhưng nhiều hộ dân vẫn nấu nướng, đốt than khói mù trong nhà Ảnh: Trọng Đảng
Thuyền bè lụp xụp nhưng nhiều hộ dân vẫn nấu nướng, đốt than khói mù trong nhà. Ảnh: Trọng Đảng.

Đã 13 ngày trôi qua, nhưng vụ hai bà cháu tử nạn do đốt lửa sưởi ấm trên thuyền ở gần bãi giữa sông Hồng (Tiền Phong đã phản ánh ngày 13-1) khiến người dân ở đây vẫn chưa thể nguôi ngoai. Vậy nhưng những ngày rét này, lửa vẫn đỏ và khói vẫn mù mịt bao phủ cả khu thuyền chài khu vực bãi giữa sông Hồng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Nhà chị Nguyễn Thị Tươi có 4 người (mẹ già, hai con nhỏ) nhưng cả gia đình chỉ có mỗi tấm chăn bông đã nhàu, để đỡ lạnh những ngày qua, chị Tươi liên tục đốt lửa trong nhà để sưởi ấm. Không những thế, chiếc thuyền (vừa là thuyền vừa là nhà) rộng chỉ 5m2 đang là nơi sinh sống của 4 con người. Do làm tạm bợ (bằng tre nứa, tấm bạt xốp...) nên sau nhiều năm sử dụng chiếc thuyền đã ọp ẹp, các bức vách và mái đã rách nát.

Gần Tết nhưng trong nhà chị Tươi chưa sắm sửa được gì, ngoài cái hòm tôn đựng quần áo, tài sản còn lại chỉ là vài cái xoong nấu ăn, bát đĩa và đồ dùng cá nhân. Hai đứa con chị Tươi (đứa 12 tuổi và đứa 8 tuổi) ngơ ngác trong tấm chăn mỏng, mặt mày bầm tím vì lạnh.

Ngày hôm qua nhiệt độ ngoài trời chỉ 9 - 10 độ C nên chị và cô con gái lớn không lên chợ Long Biên làm thuê, cả gia đình ở nhà đốt lửa sưởi ấm. Nhìn những que củi khô cháy bùng bùng trong chiếc chậu nhôm giữa nhà, chúng tôi liên tưởng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu lửa hoặc than bén vào chăn hoặc các tấm bạt căng xung quanh.

Tương tự, để đối phó với cái lạnh hiện nay, hầu hết các hộ dân sống trên thuyền khu vực bãi giữa sông Hồng đều dự trữ bếp than trong nhà, nhiều gia đình sau khi đun nấu bếp than tổ ong xong còn dùng bếp than này để sưởi ấm.

Lý giải về việc này, anh Tuấn, một người dân ở đây cho rằng: “Than tổ ong chỉ độc hại khi ở trong phòng kín, còn ở sông Hồng mênh mông thế này thì ảnh hưởng làm sao được, hơn nữa chúng tôi chỉ để bếp than ở cửa ra vào chứ không để sâu trong nhà đâu”.

Ông Nguyễn Đình Hưng, tổ trưởng tổ dân phố 22, phường Phúc Xá, cho biết, tình trạng dân thuyền chài đốt lửa sưởi ấm trong những ngày rét là khá phổ biến. “Vụ hai bà cháu tử nạn hôm 11-1 vừa qua cũng xuất phát từ việc đốt lửa sưởi ấm trong nhà rồi ngủ quên”, ông Hưng kể lại.

Theo ông Hưng, hiện sông Hồng đoạn qua bãi giữa (quận Ba Đình) có hàng chục hộ dân vô gia cư sinh sống, đa số họ từ khắp các nơi tụ tập về và thường làm nghề chài lưới hoặc buôn bán, bốc vác thuê ở chợ Long Biên.

“Chính quyền địa phương nhiều lần xuống kiểm tra, thống kê nhân khẩu, nhưng không thể tiếp cận được họ. Cứ thấy cán bộ địa phương xuống là họ chống thuyền đi nơi khác. Gần đây lạnh quá nên họ mới lui vào phía sát bờ, khu vực phường Phúc Xá”, ông Hưng cho hay.

Lý giải về việc các hộ dân thường lánh chính quyền địa phương, anh Nguyễn Đình Luật, sống ở đây cho rằng: “Chúng tôi cũng muốn được giúp đỡ khi gặp khó khăn, giá rét, nhưng sợ sau đó lại bị bắt lên bờ và trả về quê nên bà con không ai muốn”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Công an phường Phúc Xá cho biết, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, việc các hộ dân sống lênh đênh ở gần bãi giữa sông Hồng còn khiến tình hình an ninh trên địa bàn thêm phức tạp, đặc biệt là vào dịp cuối năm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, trước mức độ nguy hiểm của việc đốt than trong nhà đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, quận vừa giao cho phường Phúc Xá rà soát, thống kê đầy đủ các hộ dân vô gia cư trên sông Hồng để có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Theo ông Thông, trước mắt địa phương sẽ hỗ trợ các hộ dân chăn màn, đồ dùng để các hộ dân chống rét và đón Tết. Về sau này, quận sẽ lên phương án bố trí các hộ vào khu vực đất bãi an toàn để có thể sinh sống lâu dài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.