Người cuối cùng giữa sông Hương?

Bà Điệc và con đò nhỏ chưa một ngày rời nhau
Bà Điệc và con đò nhỏ chưa một ngày rời nhau
TP - Không con cái, không giấy tùy thân, bà lão chỉ mang máng đã phiêu dạt trên sông Hương (Huế) qua gần 80 mùa lũ. Xứ Huế ngày mỗi vắng dần cư dân vạn đò, riêng phận bà vẫn chìm nổi lẻ loi trên sông nước quanh co.
Bà Điệc và con đò nhỏ chưa một ngày rời nhau
Bà Điệc và con đò nhỏ chưa một ngày rời nhau.


Lẻ bóng

Mấy lần có công chuyện tới lui bến thuyền du lịch Thiên Mụ (phường Hương Long, Huế), tôi hóng hớt nghe mấy chị hàng nước ở đây nhắc chuyện về bà. Như bao người ăn xin lầm lũi giữa dòng đời, bà lão không có điểm gì thật sự đặc biệt. Bà sống cùng một chú gà trống nhỏ trên con đò cũng bé xíu, và già nua gần như những tháng năm của bà trên sông nước. Ngày lại ngày, bà ôm gà phấp phỏng ngóng chờ những lòng tốt vãng lai xa lạ trên dòng Hương, dòng sông thơm thơ mộng.

Tôi chỉ tò mò nghe chuyện, nhưng bất chợt lo lo về sự an toàn của một bà lão bé nhỏ, tuổi gần 80, vẫn quanh năm còng lưng tay chèo tay bị vật lộn tìm cái ăn giữa muôn trùng sông nước. Tôi đi tìm bà. Chị hàng nước cạnh chùa Thiên Mụ dõi mắt sang dãy đồi Long Thọ phía xa bên kia sông Hương, bày đường: “Hôm nay trở gió lớn, bà yếu sức không bơi đò qua đây ăn xin, nhà bà bên đó”. Gọi là nhà cho dễ tìm, thực chất, ngoài con đò rách qua gần một đời sông nước, bà lão không có nổi tấc đất cắm dùi.

Chiều xuống. Bên sông, một bà lão nhỏ thó, lưng còng, tóc trắng xóa, mắt lòa, tai lãng, ngồi đìu hiu trên con đò mong manh, mặt ngóng về phía hạ nguồn xa xăm. Có cảm giác, nước sông Hương chậm trôi. Đôi bờ quạnh vắng, sóng vỗ mạn nghe rõ từng tiếng tí tách buồn bã. Không giống những người hành khất tôi từng gặp, thấy bóng khách lạ, bà lão run rẩy thu mình vào bên trong tấm mui đò vá chằm vá đụp.

Không ai rõ, điều gì đã làm bà sợ người lạ đến vậy. Mười, mười lăm rồi hai mươi phút chờ đợi, bà lão vẫn núp biệt trong mui đò. Một hồi, có chị lớn tuổi trên cạn lội xuống sông ra hiệu gì đó, bà lão chịu lên bờ gặp người lạ.

Không nhà, khóm tre gần chùa Thiên Mụ cũng là nơi bà Điệc đến tá túc mỗi ngày
Không nhà, khóm tre gần chùa Thiên Mụ cũng là nơi bà Điệc đến tá túc mỗi ngày.


Một đời sống lậu

Câu chuyện với người nặng tai không ít lần bị đứt quãng. Bà lão hết lắc lại gật. Phải nhờ chị Thu Nguyệt (xóm Đông Phước 2, phường Thủy Biều) làm phiên dịch, tôi có đôi chút thông tin chắp vá về người đàn bà bèo mây phận hẩm này. “Mệ (bà) tên là Lê Thị Điệc. Ờ, mà để mệ thử nhớ lại chút nữa, lâu rồi không nhắc tên nên cũng lúc quên lúc nhớ”, bà lão nghi ngờ về tên mình.

Tôi xin phép được xem những giấy tờ tùy thân để viết cho đúng tên, lại phải hét to lên để bà nghe rõ. “Ờ, à… mệ sống như ri mấy chục năm rồi, có giấy tờ chi mô mà có ai hỏi mệ về điều đó mô cậu?” - bà lão cứ ngơ ngơ ngác ngác. Trên người bà từ lâu không có bất kỳ loại giấy tờ tuỳ thân nào, chị Nguyệt cũng xác nhận.

Chiều xuống. Bên sông, một bà lão nhỏ thó, lưng còng, tóc trắng xoá, ngồi đìu hiu trên con đò mong manh, mặt ngóng về phía hạ nguồn xa xăm. Có cảm giác, nước sông Hương chậm trôi.

Bà Điệc kể về quê quán, câu được câu mất. Lúc thì bà bảo sinh ra ở Bãi Dâu (Huế), một hồi lại nói là Bao Vinh (Hương Trà) tít xa dưới hạ nguồn sông Hương. Hơn nửa đời phiêu dạt ăn xin qua hàng trăm bến cá, bến đò. Quê quán nơi đâu, bà không còn nhớ nổi. Khi cá tôm sông Hương cạn kiệt, vạn đò làm cá không đủ tiền đong gạo, lấy đâu bố thí cho bà. Dân chài phần nhiều chuyển sang nghề cát sạn, bến sông vắng hoe không còn cá để xin. Bà lão cố chèo đò đi xa hơn…

Một ngày giông gió cách đây chừng 7 năm, bên bến sông vùng Đông Phước, Thủy Biều, bỗng xuất hiện một bà lão còm nhom run rẩy trên con đò tơi tả. Một người đàn ông trong xóm nhận ra người quen vội đón lên bờ. Bà chỉ muốn ở dưới nước. Nghề ăn xin của bà Điệc được nâng cấp từ đó. Người quen bày cho bà nơi ăn xin mới, quanh những chiếc thuyền rồng luôn nườm nượp khách tham quan ở bến Thiên Mụ, nằm tít bên kia sông.

Tôi chợt nhớ, chị Quỳnh (bán hàng lưu niệm cạnh chùa Thiên Mụ) từng kể: “Mệ đi xin, nhưng không bao giờ đu bám làm phiền lòng khách như nhiều người khác. Ngồi thu lu trên đò nhỏ, bên chú gà trống, không than vãn chèo kéo, ai cho chi thì mệ nhận nấy”.

Chiếc đò nhỏ giờ là tài sản lớn nhất đối với bà Điệc. Tôi hỏi nguồn gốc con đò, anh Võ Văn Kỳ, xóm Đông Phước 2, cho biết: “Mệ dành dụm tiền bán từng nhúm tép, mớ tôm đi xin mấy chục năm liền mới mua được nó đó. Không chồng con, tứ cố vô thân, con đò từ lâu là vật bất ly thân đối với mệ”.

Hỏi chuyện chồng con, mắt bà Điệc như chao theo sóng nước dòng Hương tím thẫm lại tiếng được tiếng mất. Bà lấy chồng từ năm 17, 18 tuổi. Hơn 10 năm chung sống, không một mụn con, bà tự nguyện rút lui, khuyên chồng đi lấy vợ khác để kiếm người nối dõi tông đường. Bà ra về tay trắng, làm thuê làm mướn cho các chủ đò cá. Bà đi bước nữa, gặp phải người chồng vắn số. Vài năm ở với nhau, không con cái, bị bệnh và bà mãi mất ông. Chiếc đò rách hai người chung sống phải đem bán để lo thuốc thang, ma chay. Bà Điệc lại đơn bóng, tay trắng, lang bạt ăn xin.

Cư dân vạn đò cuối cùng?

Hoàng hôn. Giông gió bỗng chốc nổi lên xé toang mặt nước sông Hương yên tĩnh. “Hôm ni mệ ở nhà, mọi người yên tâm, chứ mọi lần chộ (thấy) trời giông gió dữ dằn như ri, cả xóm lại chộn rộn đi tìm”, vợ anh Kỳ cho biết. “Xóm ni có bác Chắc giỏi bơi thuyền. Cứ mưa to, bác lại liều vượt sông tìm mệ đưa về. Có mấy lần, đò mệ Điệc bị gió lớn đánh giạt về gần đến chân cầu Bạch Hổ, cả xóm lại lo lắng”, anh Kỳ kể.

Tôi tìm bác Chắc hỏi thêm chuyện. Ông lão chèo đò lên rừng đốn củi đã hai hôm chưa về nhà. Hàng xóm kể lại, cám cảnh người già không nơi nương tựa, lại ngủ đò nguy hiểm, bác Chắc tốt bụng luôn dành hẳn cho bà Điệc một chỗ nghỉ đêm an toàn ngay trong nhà mình. Đó chưa phải là nơi nghỉ chân duy nhất của bà Điệc. Xa tít bờ bên kia sông là những ngọn tre già chấp chới trong ánh tịch dương yếu ớt. Những lúc không thể sang bên này, bà chọn lùm bụi rậm rịt ven sông đó làm nơi trú ngụ.

Từ lần gặp bà Điệc, một thời gian sau, tôi tìm về hạ nguồn sông Hương, đến những nơi có thể bà đã từng lớn lên. Xóm vạn đò xô bồ ngày nào giờ không còn. Những bến sông trở nên vắng lặng. Tỉnh và thành phố Huế đang khẩn trương thực hiện cuộc đại di dân vạn đò, đưa hơn 6.000 nhân khẩu lên bờ, dân sông nước ngày càng ít. Sông vắng, tôi chạnh nghĩ về bà Điệc. Phải chăng, đó là cư dân vạn đò cuối cùng đã sót lại vô tình giữa dòng sông Hương vời vợi?

80 tuổi mới làm giấy khai sinh?

Theo những địa danh còn mờ nhạt chập chờn trong tâm thức bà Điệc, phóng viên Tiền Phong lần hồi dò hỏi qua nhiều phường, xã ven sông. Người có trách nhiệm tại các phường Phú Hậu, Phú Bình (Huế), Hương Vinh (Hương Trà) dù rất nhiệt tình kiểm tra, xác minh, điểm mặt từng hộ vạn đò cũ mới trên địa bàn, đối chiếu hình ảnh phóng viên mang theo, nhưng cuối cùng là những cái lắc đầu.

Hỏi nơi bà Điệc đang trú tạm, anh Hoàng Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, xác nhận, bà cụ không có hộ khẩu thường trú hay đăng ký tạm trú. Còn theo ông Hoàng Trọng Lành, Thôn trưởng Đông Phước 2 (Thủy Biều), dù không có hộ khẩu, nhưng mỗi dịp lễ, tết hay sau thiên tai, bà Điệc luôn nhận được hỗ trợ tiền, gạo, quà từ chính quyền, đoàn thể và các nhà hảo tâm. Do tuổi lớn, thôn không đặt nặng vấn đề cư trú của bà Điệc.

Anh Lê Viết Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Bình, thì cho rằng: Dù tuổi gần 80, bà Điệc nên đi làm khai sinh. Đó là cơ sở để địa phương thực hiện các thủ tục hộ tịch, hộ khẩu, giải quyết chế độ chính sách về trợ cấp hằng tháng, di dân, tái định cư vạn đò, xây nhà tình thương... cho bà. 

 
MỚI - NÓNG