Phân bón giả, kém chất lượng:

Mỗi năm nông dân bị rút ruột hàng nghìn tỷ đồng

Mỗi năm nông dân bị rút ruột hàng nghìn tỷ đồng
TP - Hôm qua, Hiệp hội phân bón Việt Nam phối hợp Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm Kinh tế (Bộ Công an), các Cục Quản lý Thị trường, Hóa chất (Bộ Công Thương), Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) ký kết văn bản thỏa thuận nhằm đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Tại buổi ký kết, ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, từ năm 2008 đến nay, chúng ta đã phát hiện hàng trăm vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả một cách có hệ thống, có tổ chức.

Điển hình như vụ việc của Cty Tân Trường Sinh (Hải Dương), Cty CP Quốc tế Đông Trung Đa yếu tố, Cty Bắc Bình Vương Phả Lại... Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có vụ việc của Cty CP Quốc tế Đông Trung Đa yếu tố được đưa ra xét xử, hai vụ còn lại vẫn chưa có hồi kết.

Chính vì thế, theo ông Thúy, việc các bên chung tay chống vi phạm trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết, dù rằng hơi muộn. Từ đây, các hiện tượng làm giả, rút bớt chất dinh dưỡng trong phân bón sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Ông Nguyễn Tiến Toát - Phó TGĐ Cty Phân bón Việt - Nhật cho biết, hiện tượng làm phân bón giả đã phát sinh và gây nhiều bức xúc từ giữa 2007 đến nay.

Lợi nhuận từ những gian lận, giả dối trong sản xuất, kinh doanh phân bón có lẽ như buôn bán ma túy, tức là siêu lợi nhuận. Mỗi năm cả nước sử dụng khoảng tám triệu tấn phân bón các loại thì chỉ có hai triệu tấn urê là ít có khả năng làm giả, làm kém chất lượng.

Trong sáu triệu tấn, chỉ cần 10% bị làm giảm chất dinh dưỡng, với giá trung bình 2-10 triệu đồng/tấn thì những kẻ làm giả đã rút ruột nông dân khoảng 2.400 tỷ đồng mỗi năm.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhiều năm nay, hàm lượng Ni tơ tối thiểu trong phân NPK là 18%, trong khi Nhà nước chỉ quy định tối thiểu 5%, đã tạo kẽ hở cho làm phân bón giả.

Các đại biểu đề nghị cần có quy định điều kiện sản xuất kinh doanh phân bón, trị giá trang thiết bị công nghệ (không tính kho tàng, nhà xưởng, đất đai) cần phải có 20 tỷ đồng mới được hoạt động. Các trang thiết bị phân tích cũng phải đảm bảo, chứ không nên cho phép đi thuê như hiện nay…

MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.