>> Viên ngọc bích lớn nhất thế giới về Việt Nam
Chụp ảnh lưu niệm với Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại buổi mở niêm phong viên ngọc bích. Ông Đào Trọng Cường - người đứng ngoài cùng bên phải - Ảnh: Phong Cầm |
Phiên đấu giá ở “vương quốc ngọc bích”
Như Tiền Phong đã đưa tin, vào ngày 18/10, trước sự chứng kiến của hàng trăm người (trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu), nghệ nhân Đào Trọng Cường - Chủ tịch HĐQT Cty đá quý nữ trang Thần Châu Ngọc Việt đã mở niêm phong viên ngọc bích lớn nhất thế giới với trọng lượng 35 tấn, cao 3 m, rộng 2,3m, dày 2,4m xuất xứ Myanmar - quốc gia được mệnh danh “vương quốc ngọc bích”.
Những ngày này, nghệ nhân Đào Trọng Cường rất bận bịu. Dáng người cao dỏng, tóc muối tiêu, tự tin, bản lĩnh, hơi ngông là những gì nhìn thấy được ở vị chủ nhân của viên đá quý. Ông không chỉ được biết đến là người Việt Nam đầu tiên đưa chất liệu đá quý vào hội họa mà còn là người “có số, có má” trong giới đá quý khu vực.
Biết tôi muốn tìm hiểu về viên ngọc bích lớn nhất thế giới, ông dè dặt, cẩn trọng trong từng lời nói. Ông cho biết, theo thông lệ hằng năm, Myanmar thường tổ chức hai cuộc đấu giá ngọc bích.
Những cuộc đấu giá này thu hút hàng ngàn chuyên gia, giới doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực đá quý trên thế giới, vì ngọc bích Myanmar có số lượng nhiều và được nhiều người gọi là tốt nhất thế giới. Từ ngọc bích, các nghệ nhân có thể chế tác thành nhiều vật phẩm có giá trị, phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân, nhất là trang sức cho phái đẹp.
Giữa năm 2006, trong một phiên đấu giá, ông Cường đã tiếp cận được với viên ngọc bích. Trong số 5.000 chuyên gia và doanh nhân tham dự phiên đấu giá, chỉ có hai người Việt Nam, trong đó có ông Cường. Trước lực lượng hùng hậu và áp đảo, viên đá quý đã thuộc về một thương gia Trung Quốc khi ra giá 1.500.000 USD.
Thất bại vì không mua được viên đá quý để về làm tượng như ý định nung nấu bao năm nay, ông Cường đứng tựa lưng vào viên ngọc, người bần thần như vừa mất đi thứ gì đó quý giá. Ông nghĩ, mình sẽ không bao giờ được gặp lại viên Jade đó nữa.
Trở về Việt Nam, ông vẫn tiếc nuối. Cơ hội sở hữu đã thoát khỏi tầm tay?. Ông kiên trì tìm kiếm trên mạng và nhờ bạn bè trong giới đá quý truy lùng tung tích, nhưng thông tin về viên ngọc vẫn mù mịt.
Theo ông, viên Jade này rất quý và đẹp, không có vết nứt nào. Hơn nữa, nó quý vì có độ cứng cao gần gấp đôi đá mabô và rubi. Nếu đá mabô và rubi cứng 3 - 4 độ thì viên ngọc bích có độ cứng 6 - 7 độ.
Bán nhà mua đá quý
“Vậy làm sao ông lại mua được viên ngọc bích?” - Tôi hỏi. Chủ nhân Thần Châu Ngọc Việt cho rằng đó là một điều kỳ diệu và có chút gì đó tâm linh.
Đó là, trong một lần đi mua dụng cụ máy móc đưa về nước phục vụ việc chế tác ngọc bích, ông may mắn gặp một nghệ nhân chuyên làm tượng ở Bình Châu (Trung Quốc). Sau khi hỏi tung tích viên ngọc, nghệ nhân này cho biết bạn ông ta là người đang sở hữu viên Jade quý đó.
Sau khi biết thông tin về viên ngọc, ông Cường như bắt được vàng. Ông càng vui hơn, khi vị nghệ nhân còn tiết lộ rằng bạn ông ta đang muốn bán viên ngọc đó.
Cảm giác về Việt Nam lần này khác với lần trước khi thất bại, vì không mua được viên ngọc ở Myanmar. Ông Cường liền xúc tiến việc “dồn” tiền để mua bằng được viên ngọc đưa về Việt Nam.
Sau khi đặt vấn đề với các ngân hàng, ông còn bán cả ngôi biệt thự tại Hồ Tây để chuyển khoản qua Trung Quốc. Tưởng mọi chuyện đã xong, nhưng đến hạn vẫn chưa có ngân hàng nào cho vay.
Khi ông đang đứng mân mê viên ngọc để tạm biệt lần hai thì đối tác cho biết họ đã nhận được tiền chuyển khoản. Ông mừng quýnh và kể từ đó chính thức trở thành chủ nhân viên ngọc bích lớn nhất thế giới.
Ông Cường cho biết, đã mua viên ngọc với giá 1.450.000 USD. “Vậy ông đã mua rẻ hơn khi viên Jade được mua tại phiên đấu giá ở Myanmar?”. Thấy tôi thắc mắc, ông giải thích: “Đó là rủi ro của người chơi ngọc bích. Có khi mua ngọc về chỉ để ngắm và mất hàng đống tiền vì nó không đạt mục đích ban đầu”.
Ông cho biết thêm, nếu viên ngọc bích này khi bổ ra làm tượng, chỉ cần có một khối xanh thôi thì thiên đường sẽ mở ra với ông.
Tạc bức tượng Phật bằng ngọc bích lớn nhất thế giới
Sau khi mua thành công viên ngọc bích, một khó khăn nữa lại đến. Đó là việc vận chuyển về Việt Nam sao cho an toàn và hoàn tất thủ tục hải quan. Sau khi đóng thuế cho Nhà nước ba tỷ đồng, viên ngọc đã có mặt tại Việt Nam đúng ngày kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 999 năm và kỷ niệm 55 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10). “Đó là định mệnh” - ông Cường nói.
Rồi ông giải thích, trong năm vừa qua, Việt Nam đã nhận được bảy viên xá lỵ Phật ngọc trong tổng số 7.200 viên và được xếp vào danh sách là nước thứ tám có xá lỵ Phật ngọc. Theo ông, ở đâu có xá lỵ Phật ngọc, ở đó khắc có sự hiện thân của Đức Phật và nơi đó mới có thể làm được tượng Phật bằng ngọc bích.
Hơn nữa, cho đến nay, pho tượng Phật ngọc được ghi nhận lớn nhất thế giới và cũng từng được cung thỉnh sang Việt Nam (tháng 3/2009) có trọng lượng 3,9 tấn, cao 2,5m, được chế tác từ khối ngọc bích Nephrite nặng 18 tấn.
“Tôi đang nung nấu sẽ làm bức tượng Phật lớn nhất thế giới từ viên ngọc bích này. Sau khi làm xong, bức tượng sẽ nặng 15 tấn và đó sẽ là bức tượng Phật bằng ngọc bích lớn nhất thế giới” - ông quả quyết.
Chủ nhân viên ngọc cho biết thêm: Cty Thần Châu Ngọc Việt sẽ cử chuyên gia tạc tượng bằng ngọc bích sang đất Phật Ấn Độ và Lumbini (Nepan) để tham khảo các pho tượng Phật - nơi được coi là nguyên mẫu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi đưa ra phương án cuối cùng về hình thái pho tượng Phật sẽ được tạc từ viên ngọc này.
Sau khi có nguyên mẫu, các nghệ nhân tạc tượng hàng đầu thế giới được thuê từ Trung Quốc sẽ làm việc trong 2 - 3 năm. Tổng kinh phí để hoàn thành bức tượng, theo ông Cường là khoảng 800 ngàn USD. Dự kiến, đầu năm 2010, Cty sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc chọn bức ảnh nào để đúc tượng Phật.