<FONT face=Tahoma>“Ở đây lương cao hơn…”</FONT>

Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam

Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam
Hàng chục ngàn lao động nước ngoài đang làm việc ở VN nhưng chưa được cấp phép lao động. Phần lớn trong số họ đều là lao động phổ thông, không có tay nghề. Đông nhất trong số họ là đi theo các nhà thầu, phần lớn là nhà thầu Trung Quốc.

Nhiều nơi như ở công trình khai thác bôxit ở Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng), Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Nhà máy nhiệt điện than Hải Phòng, công trình khí - điện - đạm Cà Mau…, số lao động Trung Quốc luôn áp đảo lao động trong nước, với số lượng mỗi nơi từ 700 đến trên 2.000 người/công trình.

Bài 1: Tràn ngập công trường

Chưa ai thống kê được con số chính xác. Nhưng trên thực tế ước lượng số lao động phổ thông nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam có thể vượt qua con số chục ngàn người. Và dòng người lao động đó còn tiếp tục. PV Tuổi Trẻ ở khắp các miền đất nước đã tiếp cận những công trường có lao động mới này.

Hiện ở miền Bắc đang có hai dự án nhà máy nhiệt điện lớn sắp hoàn thành là nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh và Hải Phòng thì ở cả hai nhà máy, mỗi nơi đều có trên 2.000 công nhân “ngoại”, hầu hết là người Trung Quốc (TQ).

Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam ảnh 1
Đường Đông Phương - tên đường do Tập đoàn điện khí Đông Phương (Trung Quốc), đơn vị trúng thầu xây dựng Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, đặt tên. Ở công trình này, tên các con đường nội bộ đều do nhà thầu Trung Quốc đặt - Ảnh: C.V.K.

Ở đây họ đảm nhận các công việc từ quét dọn công trình, đào đất đến lắp tuôcbin khí cho nhà máy điện. Nhà thầu TQ gần như không sử dụng lao động VN mà tự đưa lao động sang, kể cả lao động phổ thông.

Trong khi đó, ở khu vực miền Trung, những lao động TQ đi theo nhà thầu cũng bắt đầu xuất hiện cách đây hai tuần tại Nông Sơn (Quảng Nam).

“Xóm mới” ở công trường phía Bắc

“Ở đây lương cao hơn…”

A Quân - một công nhân 48 tuổi, người huyện Ngọc Lâm, Quảng Tây, đang làm việc tại Nông Sơn (Quảng Nam) - cho biết: “Vừa mới qua đúng hai tuần nên công việc chưa có nhiều”. Khi được hỏi “vì sao không ở quê kiếm việc làm?”, A Quân cười bảo: “Làm ở đây được trả lương cao hơn ở TQ”.

Chúng tôi vào công trường nhà máy nhiệt điện do Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh làm chủ đầu tư, nơi được coi là đại bản doanh của công nhân TQ ở Quảng Ninh. Vừa đi qua chân cầu Bãi Cháy ở TP Hạ Long vài cây số, đã nhìn thấy từng tốp công nhân TQ đi dạo phố. Tốp thì đi bên phải đường, tốp đi bên trái. Có tốp mặc áo rằn ri kiểu lính, tốp mặc áo bảo hộ lao động xanh. Càng vào sát cầu Bang (thuộc phường Hà Khánh, huyện Hoành Bồ, cách trung tâm Hạ Long 8km), công nhân TQ càng dày đặc hơn, có khi họ đi thành từng đoàn, ken đặc một góc phố.

Vượt qua cầu Bang nhìn về phía công trình nhiệt điện Quảng Ninh, ấn tượng nhất không phải là hai cột khói cao ngất của nhà máy sắp hoàn thành, mà là dãy nhà ở của công nhân TQ san sát kéo dài gần 1km ngay sát vệ sông. Nhà cấp 4, lợp tấm tôn xanh. Cứ cách khoảng 3m là một dãy nhà dài 30-40m. Các ngôi nhà ốp chặt toàn bộ công trường Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh.

“Xóm mới” không phải lúc nào cũng sẵn sàng đón khách. Ngay cổng công trường có một nhà bảo vệ luôn có vài người mặc áo rằn ri kiểu lính, bộ đàm lủng lẳng, mắt lạnh lùng canh con đường vào. Hỏi tiếng Việt, họ lắc đầu không hiểu vì… tất cả đều là người TQ.

Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam ảnh 2

Lao động TQ ở công trình Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh - công trình này có khoảng 2.000 công nhân TQ - Ảnh: C.V.K.

Không có giấy phép lao động

Ông Vũ Thanh Hải, đại diện Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, cho biết hầu hết công nhân TQ sang VN lao động đều qua con đường du lịch, không phép. “Đây là vấn đề lớn, chúng tôi phải tham gia giải quyết. Các công nhân TQ hầu hết không có giấy tờ gì, cứ tự sang, tự về” - ông Hải nói.

Ông Vũ Thanh Hải, trưởng phòng kế hoạch vật tư của Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, cho biết dãy nhà trên có thời điểm là chỗ ở cho gần 4.000 công nhân TQ sang thi công. Hiện tại “còn khoảng 2.200 người”, do gần đến giai đoạn hoàn thiện nên số công nhân TQ đã về bớt - ông Hải cho biết.

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên), công nhân TQ có kỹ thuật cao được ở dãy nhà hai tầng. Còn công nhân phổ thông được nhà thầu thuê đất của dân, dựng lán trại, ăn ở tạm bợ giống như tại công trường nhiệt điện Quảng Ninh.

Tại công trường Nhà máy nhiệt điện than Hải Phòng, từ xa ai cũng dễ dàng nhận ra đây là công trình của người Hoa. Tất cả pano, khẩu hiệu trong công trường đều được nhà thầu chính là Tập đoàn điện khí Đông Phương ghi bằng... chữ TQ. Các con đường trong khu vực công trình cũng đều đặt tên TQ. Con lộ to nhất dẫn vào khu lò hơi và tuôcbin được đặt tên là Đông Phương. Mặc dù cán bộ giám sát của chủ đầu tư là người VN tại công trường khá đông, lại bao gồm cả liên danh thầu chính từ Nhật Bản, nhưng trong nhà máy rộng hàng chục hecta này, tất cả tên đường đều do người TQ đặt.

Lao động phổ thông TQ sống trong những dãy nhà kéo dài cả cây số ở công trình nhiệt điện Quảng Ninh, mỗi dãy được chia ra sáu phòng, mỗi phòng rộng chừng 40m2 có đến trên 20 công nhân TQ ở. Giường tầng, màn giăng tứ phía, cả dãy mới có một khu vệ sinh chung tạm bợ. Vào phòng nào chúng tôi cũng bắt gặp các công nhân vừa được thay ca ngồi tụm nhau đánh bài. “Đừng chụp”- những tiếng í ới vang lên nhưng rồi họ vẫn chơi, mặc cho khách vào phòng. Gõ cửa bốn phòng, chúng tôi đều thấy có “hội đan quạt” - cách gọi nhóm cờ bạc của dân công trường.

Công trường mới toanh ở Nông Sơn

Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam ảnh 3

Phần đông công nhân TQ đến với dự án Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam) đều là lao động phổ thông. Trong ảnh: một nhóm công nhân đang uốn những thanh sắt chuẩn bị cho khâu đổ móng (ảnh chụp chiều 15-4) - Ảnh: Đăng Nam

Ngại tiếp xúc

Một nam công nhân TQ còn khá trẻ ở Quảng Ninh cho biết anh là người Giang Tô, làm thợ hàn, sang VN làm việc và nhận được khoản lương khoảng 1.600 tệ/tháng (3 triệu đồng VN). Một người khác, họ Trương, xác nhận công nhân TQ tại đây lương từ 3-6 triệu đồng/tháng. Nói xong, họ lảng đi chỗ khác.

Tại Quảng Nam, gần hai tuần nay lao động TQ cũng xuất hiện nhiều ở huyện Nông Sơn. Họ đến đây để làm dự án nhà máy nhiệt điện ở huyện này.

Đứng từ chân cầu Nông Sơn có thể thấy nhấp nhô nóc những dãy nhà lắp ghép chạy dọc dài, được vây quanh bởi hàng rào tôn sáng loáng. “Đó là khu nhà ở của đơn vị thi công, toàn bộ đều là người Quảng Tây” - ông Triết, trưởng phòng tổ chức của Công ty cổ phần Than điện Nông Sơn, đơn vị chủ đầu tư dự án, cho biết.

Khi đi vào khu vực thi công, chúng tôi được nữ phiên dịch Ngô Trí Tuệ đón tiếp và cho biết toàn bộ nơi đây đều là người TQ, đến từ TP Nam Ninh hay Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây.

Ở khu vực đang thi công, nhìn đâu cũng thấy những bảng hiệu viết toàn chữ Hoa. Một nhóm công nhân TQ đang uốn những thanh sắt cong thành thẳng, chuẩn bị cho việc đúc móng của nhà máy. Cạnh đó, một nhóm công nhân khác đang đánh vật với những chiếc máy khoan đá. Giữa bụi đá mịt mù trong cái nắng gay gắt và tiếng máy khoan đá đinh tai nhức óc, cả nhóm vẫn vừa làm vừa thay phiên nhau rít thuốc từ một ống tre (như hút thuốc lào). Tại các khu vực nước uống của công nhân, những chiếc ca nhôm một thời quen thuộc của người TQ bắt đầu tái xuất hiện…

Cuối ngày, sau giờ nghỉ, những mâm cơm cạnh đó là đĩa rau muống luộc đầy ắp được đầu bếp - cũng là người TQ - dọn ra. Tiếng gọi nhau í ới vang cả một góc núi…

Theo xác nhận của ông Vi Quốc Thắng, một kỹ sư đo vẽ dự án nhiệt điện người TQ: hiện có khoảng 100 công nhân, kỹ sư là người TQ đang có mặt tại công trường. “Nhưng con số này sẽ tăng đến khoảng 500 người vào tháng 6, khi ấy dự án bắt đầu đi vào giai đoạn lắp ráp. Hiện toàn bộ số công nhân này đã hoàn tất thủ tục hộ chiếu chờ ngày nhập cảnh vào VN” - cô Tuệ dịch lời của một kỹ sư TQ. Tuy nhiên xem ra con số này vẫn còn ít so với sức chứa của toàn bộ 60 phòng ký túc xá (mỗi phòng 10 người) được xây dựng sẵn chờ công nhân đến ở trong nay mai.

Theo Cầm Văn Kình - Đăng Nam
Tuổi trẻ

Kỳ sau: Ở công trường bôxit Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng), công trình khí - điện - đạm Cà Mau và cả ở TP.HCM, lao động phổ thông nước ngoài đều có mặt.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG