Đoàn lễ rước Mục đồng qua các cánh đồng làng để cầu mong Thần Nông ban phúc. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Trẻ trâu làm chủ hội
Rước Thần Nông về làng Phong Lệ ta/ (a ơi, a ơi)/ Cầu cho tốt lúa, tốt gieo/ (a ơi, a ơi)/ gió thuận, mưa hòa/ (a ơi, a ơi)/ Hò reo một tiếng/ (a ơi, a ơi)… Trời chưa hửng nắng, tiếng kèn, chiêng trống cùng những trẻ mục đồng (chăn trâu) hát đồng dao đã vang vọng, giục giã dân làng vào hội.
Đoàn lễ rầm rộ, cung nghinh kiệu thờ Thần Nông, theo sau là các nhân vật chính - 60 mục đồng gồm trẻ em với áo vá, roi trâu, cùng các vị trưởng tộc, lão niên, bà con đi dạo quanh các cánh đồng làng dưới sự giám sát của Trùm chỉ, Trùm phụ.
Cờ xí tung bay, tiếng nhạc trầm bổng. Vị Trùm Mục (người cai quản các mục đồng) lễ phục tươm tất, kính cẩn khấn vái, cung kính thỉnh bài vị Thần Nông rồi khởi kiệu. Đến Cồn Thần, kiệu thần hạ xuống. Trùm Mục quỳ trên chiếc chiếu hoa, ngửa mặt lên trời lầm rầm khấn giữa 2 hàng đuốc sáng. Sau hồi lâu khấn vái, Trùm Mục gieo hai đồng tiền vào cái đĩa con trước mặt: một sấp, một ngửa.
"Thần đã giáng!" - Giọng vị Trùm Mục vang vọng giữa ba hồi chiêng trống. Rồi, trống cơm, phường bát âm cùng tấu những âm điệu rộn rã chào mừng. Nhạc vừa dứt, vị chủ tế đồng thanh: "Chúng mục đồng Phong Lệ tạ!". Đoàn mục đồng đồng reo vang trời và cầm cờ nối đuôi theo vị Trùm Mục chạy tới, chạy lui, quanh tảng đá trắng giữa Cồn Thần. Một lúc sau, đám rước rồng rắn quay trở lại đình thần trong tâm niệm tôn kính là trên kiệu đã có vị thần thiêng liêng của mình.
Cờ xí vây xung quanh ruộng, 60 trẻ mục đồng cùng trâu xuống vui đùa, chạy nhảy trên các thửa ruộng đang chuẩn bị bước vào mùa gieo sạ mới. "Mục đồng xuống đâu là mùa màng sẽ tươi tốt đến đó. Mùa tới, chủ mục sẽ thu được nhiều hoa trái, lúa gạo đầy đồng vì có Thần Nông phù giúp", ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng ban Chủ phái tộc làng Phong Lê, trưởng Ban tổ chức Lễ hội Mục đồng, nói.
Trước khi về làm lễ chính thức ở đình làng, mục đồng chọn mảnh đất trống rộng cùng người dân, du khách thỏa thích tham gia các trò chơi dân gian dành cho con trẻ: bịt mắt bắt vịt, đánh nẻ, đánh thẻ, kéo co… Xong, đám rước về đến đình làng đặt bài vị và lễ dâng vật cúng của dân làng.
Trong lễ, mọi người ai ai cũng giữ sự cung kính trước đám mục đồng. Lễ vật xôi gà được bày trên chiếu hoa trải khắp ba gian đình, ai nấy đều hoan hỉ vì tin rằng lòng thành của mình đã được Thần Mục chứng giám; và ngày mai, đồng ruộng sẽ tốt tươi.
Trẻ mục đồng xuống ruộng để cầu mong đồng ruộng tốt tươi. |
Sống lại tích xưa
Lão làng Ông Văn Tứ (88 tuổi), chủ tế Lễ rước Mục đồng, nói: Chẳng đâu như làng Phong Lệ có lễ hội độc nhất vô nhị, tôn vinh trẻ chăn trâu đã có hàng trăm năm nay. Tương truyền, ngày xưa có một cụ già tóc bạc, râu trắng và dài như tiên ông, không biết từ đâu đến làng. Cụ rất gần gũi và yêu mến trẻ em chăn trâu. Sau khi chết, cụ được mai táng tại khu cồn đất gần làng. Một ngày nọ, có người chăn vịt đi ngang qua, đột nhiên, chân vịt như găm chặt vào tảng đá lớn ở cồn, như có bàn tay ai đó níu lại. Cho là có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn.
"Lễ hội rước Mục đồng nằm trong mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa phi vật thể. Trước đây, nó đứng trước nguy cơ mai một do không được tổ chức theo định kỳ. Với việc phục dựng lần này, tạo đà lễ hội được tổ chức thường niên, hoặc 2-3 năm một lần" - Th.S Văn Thu Bích |
Tuy nhiên, một ngày khác, có đàn trâu của nhóm trẻ trong làng chạy lạc đến cồn. Trâu tự do gặm cỏ mà chẳng hề hấn gì, ngay những đứa trẻ cũng không bị hút chặt chân vào tảng đá. Từ đó có tiếng đồn là Cồn Thần chỉ cho trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm Cồn về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của mục đồng trong làng.
Theo lão Tứ, các cụ trong làng vẫn truyền tai nhau về tảng đá duy nhất ở Cồn Thần. Chính tảng đá này đã hút chân vịt, hay dính chặt các con vật, người dân khi đến gần. Duy chỉ có trẻ em chăn trâu và những con trâu, con bò thân thiết của chúng hằng ngày đến đây là vô sự. Câu chuyện lạ lùng ấy, qua nhiều thế hệ được xây dựng thành lễ hội độc đáo, dành riêng cho trẻ chăn trâu, với tên gọi Lễ Mục đồng, hay Lễ rước Mục đồng.
Lão Tứ chẳng nhớ đích xác thời gian bắt nguồn lễ hội độc đáo, chỉ biết từ xưa làng Phong Lệ đã có lễ hội này. Ông Nghĩa cũng cho hay: Chỉ nhớ lần lễ hội được tổ chức quy mô nhất vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Từ đó, Lễ rước Mục đồng ở làng Phong Lệ thường theo thông lệ cứ đến các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, tức 3 năm làng lại tổ chức lễ rước một lần.
Sau đó lại giãn ra 6 năm, thậm chí đến cả 12 năm mới được tổ chức một lần… Lần mới nhất là vào năm 2007. Tuy nhiên, phải đến năm nay, Lễ hội Mục đồng mới được phục dựng quy mô lớn nhất cả về hình thức và nội dung.
Cùng tham gia các trò chơi dân gian . |
Những nét độc đáo
Thạc sĩ Văn Thu Bích - Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH- TT&DL, người dày công nghiên cứu, phục dựng Lễ rước Mục đồng đánh giá: Đây là lễ hội hiếm, riêng biệt trong cả nước. Đồng thời nó là điểm loé sáng của văn hóa dân gian. Nó thể hiện những nét đẹp trong nhận thức của người lao động, người dân đất Việt từ bao đời.
Ông Ngô Văn Nghĩa cũng nhận định: Nét độc đáo của lễ hội không chỉ ở tôn vinh trẻ chăn trâu mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của người lao động, các tầng lớp nhân dân, cùng ước mong mưa thuận gió hòa, đồng ruộng tươi tốt.
"Ngay đến trẻ chăn trâu cũng được tôn vinh thì chắc hẳn ông cha ta ngày xưa đã rất quý trọng những người lao động, các tầng lớp khó khăn khác để cùng phấn đấu làm ăn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó, nhắc nhở chúng ta biết yêu thương, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Không riêng Lễ rước Mục đồng, làng Phong Lệ có nhiều công trình kiến trúc cổ đại như nhà thờ làng, chùa làng, lăng miếu, đình đã được xây dựng từ bao đời. Đặc biệt, đình Thần Nông được xem là ngôi đình thờ Thần Nông duy nhất ở Việt Nam. Ngôi đình được xây dựng trước thời vua Thiệu Trị và được người dân dày công gìn giữ.