Người rừng hát

Dân làng cúng mừng cha con người rừng trở về. Ảnh: Lê Văn Chương
Dân làng cúng mừng cha con người rừng trở về. Ảnh: Lê Văn Chương
TP - Báo chí đã nhiều lần viết câu chuyện kỳ thú về cha con người rừng Hồ Văn Lang ở miền núi huyện Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng có một điều mà đến giờ này vẫn không ai đề cập đến, đó là người rừng hằng ngày ca hát và đệm bằng nhạc cụ kỳ dị trong căn nhà tổ chim trong núi Upon. 

Ánh sáng trên chòi chim

Hành trình vào khám phá nhà người rừng, tôi không nhớ là đã đi băng qua mấy con suối và mình đang ở đâu, chỉ biết trước mặt là dốc núi, suối sâu, rừng le, rừng sộp, cạm bẫy…Tất cả cứ lùi lại sau lưng cho đến khi có tiếng la to “nhà người rừng kia rồi”.

Anh em trong đoàn, người ngồi bệt xuống đất, người đu lên dây rừng chăng ngang như chiếc võng để nghỉ ngơi. Còn tôi, trèo lên nhà của người rừng. Căn nhà tổ chim có chiều ngang khoảng 3 mét, dài khoảng 4 mét. Chui vào nhà, tiếng chim réo rắt trên cây, tiếng ve rừng ong ong chìm hẳn xuống. Ngôi nhà vắng bóng chủ nhân mấy ngày, nhưng vẫn còn phảng phất hơi ấm từ bếp tro tàn, từ sàn nhà láng bóng còn hơi ấm chiếc lưng còng của “người rừng cha” sau gần 40 năm sống lang thang, lê bước trong rừng sâu, quên đi cuộc sống cộng đồng và người con trai thứ 2 là Hồ Văn Tri đang sống tại huyện Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi.   

Xoi một lỗ nhỏ trên vách nhà “người rừng”, ánh sáng len vào chiếc tổ chim tối đen có diện tích khoảng 14 mét vuông. Mò tay lần tìm những đặc sản của người rừng lưu trữ, tôi chợt giật mình khi chạm tay vào một gói thịt đã ngả màu đen, có mùi hăng hắc. “Tủ lạnh của người rừng đây rồi” – tôi thầm reo lên khi phát hiện những ống nứa đặt trên sàn bếp thực ra là nơi lưu trữ thức ăn và hạt giống để canh tác trên nương rẫy. Thức ăn được muối cẩn thận bằng những thứ lá cây mà chỉ có cha con “người rừng” mới nắm bắt được.   

Nhưng rồi, cái vật dụng là cây đàn của cha con “người rừng” mới làm tôi giật nảy người, đó là chiếc đàn.

Tiếng đàn âm khúc

Đó là một ống nứa dài gần 1 mét, trên đầu gắn hai chấu chéo góc. Hai sợi dây đàn song song vẫn còn căng. Ngay tại cần đàn là vết nhẵn thín do bàn tay thường xuyên chạm vào. Cây đàn gác trên nóc nhà người rừng cha nên ám muội khói, nhưng dây đàn thì vẫn sạch sẽ. Điều đó chứng tỏ cây đàn này thường xuyên được sử dụng. 

Người rừng hát ảnh 1 Nhà của người rừng con
“Kinh…cong…coong! Cây đàn của người rừng vang lên âm điệu lạ. Âm hưởng của tiếng đàn không gợi niềm vui, không chất chứa nỗi buồn mà có điều gì đó u tịch, hoài niệm. Âm thanh ấy hòa lẫn với tiếng suối ngàn và tiếng của muông thú trong rừng sâu trên núi Apon. Cây đàn luôn được gác trên chiếc lồng chim. Chiếc lồng chim trông cũng rất kỳ lạ vì bề ngoài đen kịt khói bếp. 

Trong đời sống văn hóa, đồng bào dân tộc Cor ở tỉnh Quảng Ngãi có điệu Xà Ru với lời ca về rừng núi, về cuộc sống, tình yêu đôi lứa. Người Cor ở miền tây tỉnh Quảng Ngãi khi gặp nhau thì mời chào: “Xà Ru, Xà Ru à!”. Vậy là hát, hát cho đến khi ông mặt trời đi ngủ mới thôi.   

Vậy cha con “người rừng” hát gì vào những buổi chiều núi rừng ngả màu tím thẫm? “Hây hây hấy, no ơ, cho bo châng ha...” (tôi yêu nàng nhưng cha mẹ không ưng bụng thì tôi vẫn bước chân theo nàng). Dân tộc Cor thì ai cũng thuộc bài này. Không rõ, “người rừng” cha Hồ Văn Thanh có thường hát bài này cho cho con trai Hồ Văn Lang nghe? Nhưng đối với anh Lang, chưa từng nắm tay con gái, trong khi đã ở tuổi 40. Vậy người yêu trong bài hát của anh chỉ có người cha già, ông đã đằng đẵng nuôi anh suốt 40 năm trong rừng sâu.

Sống ở rừng sâu biệt lập với thế giới bên ngoài, nhưng cha con người rừng vẫn không thoát khỏi sự khuấy động của thời đại kim khí. Ngọn núi Apon có lẽ nằm dưới trục đường hàng không, tiếng máy bay trực thăng như những con chim sắt vẫn u u trên đầu, phát ra “cái âm thanh kinh khủng đối với người rừng cha”. Ông Hồ Văn Thanh từng tham gia bộ đội Quân khu 5, thời gian 6 năm. Năm 1972, gia đình ông Thanh bị trúng bom chết 2 người. Do nhiều sự xáo trộn trong gia đình, năm 1974 ông Thanh dẫn con trai là Hồ Văn Lang vào rừng sống cho đến khi được đưa về lại cộng đồng.

Vị chúa tể Apon

Người rừng hát ảnh 2 Tác giả với cây đàn và lồng chim trong nhà của người rừng cha (ảnh phải)
Ông Hùng, một thợ săn ở nhiều vùng rừng Quảng Ngãi kể lại, có lần thợ săn đuổi theo con hoẵng và lạc vào gần khu nhà người rừng, anh đã chứng kiến người con trai của người rừng giương cung trổ tài thần tiễn. Những mũi tên lao vút đều xuyên thấu vào đích. Có người nghe vậy không bao giờ dám bén mảng tới khu vực này vì sợ cung tên có tẩm thuốc độc và cung thủ Hồ Văn Lang. Từ những câu chuyện này, nhiều thợ săn đi nát các vùng rừng Quảng Ngãi, nhưng đến núi Apon thì đứng nhìn và quay về. Cha con “người rừng” đã trở thành chúa tể của Apon.

Tạch….tạch…xào! Những người lần đầu tiên vào mỏm núi huyền bí này phải dừng chân, dò dẫm bước đi, khi nghe âm thanh lạ phát ra từ hướng tây của ngôi nhà. Có người bảo rằng nơi đấy có ma rừng. Nhưng đó là công trình sử dụng sức nước để tạo tiếng động đuổi chim, do cha con ông Thanh sáng tạo ra. Tiếng của muông thú, tiếng đàn và tiếng đuổi chim hòa thành một điệu nhạc trên rừng núi Apon xa tít tắp. Bên cạnh đó, cha con ông còn sáng tạo và bố trí lớp lớp bẫy, chông để biến khu nhà thành vùng cấm. Vào khu vực này, chân dò từng bước, mắt quan sát trên ngọn cây, trong từng hốc đá, nếu không muốn dính chông và có thể sẽ hết đường về.


 Hú…hú! Tôi bụm miệng hú một hồi dài. Nghe tiếng hú vang lên giữa rừng sâu, con hoẵng chợt im bặt tiếng be be. Những chiếc lá vàng rơi nhẹ khi đàn chim bay nháo nhác trên ngọn cây. Ngày 8/8/2013, cha con “người rừng” được đưa trở về làng, người cha kiệt sức nằm trong võng, còn người con trai Hồ Văn Lang luôn ngoảnh lại sau lưng, miệng chúm lại và tru lên những âm thanh đầy rừng rú. Tiếng hú đó như lời chào tạm biệt của thủ lĩnh Apon với muông thú trong rừng sâu. 

Còn lần này là tiếng hú của tôi, để tạm biệt núi rừng xa thẳm, cả cuộc đời chắc không hẹn ngày trở lại.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG