Già làng Ksơr Trưng ở buôn Hmak nói như thế về phẩm chất mà nghệ nhân đục tượng nhà mồ phải có.
Nghệ nhân Hei
Dẫn phóng viên gần đến nhà nghệ nhân làm tượng nhà mồ Ksơr Hei (buôn Hmak, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, Gia Lai), già làng Trưng cảnh báo: nếu thấy nghệ nhân Hei làm tượng người mặt hung dữ, nhất quyết không được nói gì cho đến lúc ông làm xong. Còn khi ông đục tượng người mặt vui cứ thoải mái chuyện trò. Bởi khi đục tượng ông rất nhập tâm. “Bất kể người nào đến nhờ làm tượng nhà mồ, Hei đều nhận lời. Ông không cần người khác trả công bằng gà hay thóc gạo, mà làm miễn phí vì theo Hei đó là đạo đức, là điều tốt, làm cho những người đã chết”, già làng Trưng kể. Ông bảo, nghệ nhân Hei từng lãnh giải tại nhiều cuộc thi đục tượng nhà mồ trong và ngoài tỉnh.
“Ngoài tôi ra, trên đất Tây Nguyên này còn nhiều người làm tượng nhà mồ giỏi nhưng đều đã qua 60 tuổi rồi. Bọn trẻ bây giờ bỏ nghề cha ông, cứ đi vào rừng chặt hết cây gỗ quý bán lấy tiền đi chơi. Mình nói sau thời gian học chữ ở trường, khi về buôn làng phải học làm tượng nhà mồ, đó là việc tốt, mà bọn trẻ không nghe”.
Nghệ nhân Hei
Ngồi bên rạch suối nhỏ chảy sau nhà, thật may, chúng tôi gặp nghệ nhân Hei đang tỉ mẩn đục tượng mặt người vui vẻ. Cầm tẩu thuốc cuốn bằng lá chuối, ông kể rằng, ngày xưa được cha địu đi núi lựa gỗ làm tượng nhà mồ từ năm 3 tuổi. “Mình nhớ hết thân gỗ nào đủ tuổi đục tượng vững chắc, để cái nắng Tây Nguyên không làm gãy. Ngày xưa cha mình là thợ làm tượng nhà mồ giỏi nhất vùng, dân làng quý lắm”, nghệ nhân Hei nói.
Hei bảo, ngày trước, mỗi khi trong buôn có người chết, lắm khi cha ông thức trắng đêm để kịp làm xong tượng đưa tới nhà mồ. Tiền hay gạo người ta mang đến trả công, ông đều chối nhận, chỉ cần đãi cá nướng với rượu ghè, ngồi nghe ông kể chuyện làm tượng là ông ưng cái bụng rồi.
Vợ chồng nghệ nhân Ksơr Hei.
“Nhìn tượng cha đẽo, mình thích lắm, cả ngày ngồi ngắm cái mắt cũng không mỏi. Mê tay cha đục tượng, mình theo nghề khi nào không nhớ. Mùa mưa hết, nhiều lễ Pơ Thi đi qua, cha cũng phải về với Yang. Mình lên rừng tìm thân gỗ tốt nhất làm tượng canh nhà mồ cho ông để xua con quỷ dữ, hầu hạ ông”, nghệ nhân Hei nói.
Theo nghệ nhân Hei, tượng nhà mồ phải làm bằng gỗ quý như hương, trắc, cà chít trên 10 năm tuổi. Trước khi đục tượng, phải cúng thần nhà rông, thần bến nước để xin phép. Hình tượng người canh nhà mồ tuy đơn giản nhưng không dễ làm, bởi người thợ có tay nghề khéo phải đi đường rìu dứt khoát, nhập tâm vào đó, để khi hoàn thành bất kỳ ai cũng cảm thấy hồn của núi rừng, khí phách con người Tây Nguyên trong từng nhát rìu, từng pho tượng.
Mải chuyện, sẩm tối, nghệ nhân Hei thổi lửa, lên nhà sàn lấy miếng thịt trâu gác trên nóc bếp, một chum rượu ghè, vịn tay vào cửa nói vọng ra: “Rượu nước đầu đấy, uống đi cho ấm cái bụng rồi mình kể cho mà nghe”.
Nỗi lo thất truyền
Nghệ nhân Hei tiếp lời: Ở hai bên cửa nhà mồ có một tượng người đàn ông và một tượng đàn bà bụng chửa, nói về sự sinh thành, các góc quanh nhà mồ là nhiều tượng trẻ nhỏ đang ngồi nói đến sự sinh sôi, nảy nở. Tượng nhà mồ kể về cuộc sống thường ngày như cô gái mang gùi, chàng thanh niên cầm ná, người đánh trống, con voi, con cú… “Khi tôi còn nhỏ, các già làng kể, hình tượng nhà mồ bị ảnh hưởng khi chiến tranh chống đế quốc xâm lược nổ ra. Khi đó, tượng người đàn ông không cúi xuống giã gạo nữa, mà đứng thẳng như người lính chống lại kẻ thù. Tượng người đàn bà không vui cười mà ngồi buồn ôm con, nhớ chồng, chờ chồng đi đánh giặc trở về”.
Chúng tôi hỏi trong lớp trẻ có cháu nào yêu nghề như ông không. Nghệ nhân Hei, 73 tuổi, cắm phập nhát rìu vào khúc gỗ ông đang đẽo dở, nói với vẻ buồn bã: “Ngoài tôi ra, trên đất Tây Nguyên này còn nhiều người làm tượng nhà mồ giỏi nhưng đều đã qua 60 tuổi rồi. Bọn trẻ bây giờ bỏ nghề cha ông, cứ đi vào rừng chặt hết cây gỗ quý bán lấy tiền đi chơi. Mình nói sau thời gian học chữ ở trường, khi về buôn làng phải học làm tượng nhà mồ, đó là việc tốt mà bọn trẻ không nghe”.