“Búp sen xanh” thời khốn khó

TP - Gặp người thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm xưa, tôi có dịp biết thêm những tình tiết mới quanh câu chuyện hơn 30 năm về trước khi tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng được tái bản lần đầu.

Và khi cùng ông đến thăm nhà văn Sơn Tùng, lại biết thêm những chuyện thú vị khác không chỉ dừng ở tác phẩm “Búp sen xanh”.

Những lần gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Gần đây, trong lần đến Câu lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao, PV Tiền Phong có dịp tiếp xúc với ông Trần Tam Giáp, người trước kia từng là thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong quãng thời gian từ năm 1980-1985, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao.

Được biết, quãng thời gian này chính là thời điểm tiểu thuyết “Búp sen xanh” ra đời, rồi bị quy kết khá nặng nề, nếu không có sự ủng hộ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tác phẩm sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, trước nay mọi người chỉ biết khá ngắn gọn rằng sau khi gặp nhà văn Sơn Tùng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ủng hộ tác phẩm và viết lời tựa cho “Búp sen xanh”. “Là thư ký cho Thủ tướng thời điểm đó, chắc câu chuyện không chỉ ngắn gọn như vậy?” - tôi gợi chuyện nhà cán bộ ngoại giao lão thành.

“Búp sen xanh” thời khốn khó ảnh 1

Cuốn Búp sen xanh do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản tháng 8/2014

Nghe vậy, ông Trần Tam Giáp cười, cho biết: “Từ những lần gặp nhau vì công việc, tôi và anh Sơn Tùng trở thành bạn thân. Nhiều năm nay, tuần nào tôi cũng đến thăm anh Sơn Tùng”. Rồi ông kể: Năm 1982, một lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhẹ nhàng bảo tôi đi tìm hiểu về nhà văn Sơn Tùng, tác giả cuốn “Búp sen xanh” đang gây chấn động dư luận thời bấy giờ.

Tìm đến khu tập thể Văn Chương (Hà Nội), tôi không khỏi bất ngờ khi gặp anh Sơn Tùng, một thương binh nặng mà có sức viết, sức mạnh nội tâm mạnh đến thế. Qua trò chuyện, tình cảm hai bên đối với nhau cứ tăng dần. Sau đó, tôi báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Anh Sơn Tùng từng là phóng viên báo Tiền Phong, sau đó xung phong vào chiến trường miền Nam chiến đấu, hiện là thương binh nặng. Anh Tùng sinh trưởng tại Nghệ An, từng bỏ rất nhiều tâm huyết sưu tầm tư liệu về Hồ Chủ tịch nên mới viết được tác phẩm này”.

Việc in lậu không làm ảnh hưởng đến Búp sen xanh

Đề cập đến những chuyện lùm xùm quanh việc Búp sen xanh bị in lậu trong quãng thời gian gần đây, anh Bùi Sơn Định cho biết: Năm xưa, phải rất vất vả tác phẩm mới được tái bản lần đầu tiên. Nay sách in lậu sao dễ dàng thế, lại còn bị cắt xén so với bản gốc. Đây là việc làm trái pháp luật, coi thường độc giả. Nhà văn Sơn Tùng rất buồn khi biết chuyện này. Tuy vậy, điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến giá trị đích thực của “Búp sen xanh”. Ngay trong tháng 8/2014 này, Nhà xuất bản Kim Đồng đã xuất bản lần thứ 24 tác phẩm “Búp sen xanh”, một lần nữa khẳng định giá trị lâu bền của tác phẩm với bạn đọc.

Một hôm, Thủ tướng nói với ông Trần Tam Giáp: “Chú tới mời anh Sơn Tùng đến đây trò chuyện”. Nghe vậy, ông Giáp vội đạp xe đến báo với nhà văn Sơn Tùng. Tới nơi, ông Giáp mới nhớ ra lúc nãy mừng quá khiến ông quên không đăng ký để lấy xe đón khách. Nhà văn Sơn Tùng nói, được gặp Thủ tướng là niềm vinh hạnh, cần chi việc xe đón.

Ông Trần Tam Giáp đã đèo xe đạp tác giả “Búp sen xanh” tới gặp Thủ tướng. Cuộc gặp diễn ra khá lâu. Sau đó, nhà văn Sơn Tùng lại được Thủ tướng mời đến trò chuyện và giữ lại ăn cơm. Sau khi nhà văn về, Thủ tướng nói với ông Trần Tam Giáp: “Sơ ý quá. Anh Tùng là thương binh, ăn cơm rất khó khăn. Lần sau chú nhớ mời thêm người nhà anh Tùng đi cùng”.

Kể tới đây, ông Giáp bồi hồi: “Lời góp ý đó của Thủ tướng khiến tôi nhớ mãi”. Sau đó, nhà văn Sơn Tùng đã cùng vợ là bà Phan Hồng Mai đến gặp Thủ tướng và được giữ lại ăn cơm. Qua những lần gặp này, Thủ tướng đã nói với mọi người về tác giả “Búp sen xanh”: “Một nhà văn chỉ còn ba ngón tay mà vẫn bấu vào được cuộc đời và làm việc bằng óc, dẫu bộ óc ấy còn găm ba mảnh đạn”.

Rồi tháng 1/1983, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết lời tựa cho tác phẩm “Búp sen xanh”, trong đó có đoạn: “Đến đây, tôi muốn nói đôi điều về cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, mà nhiều độc giả, nhất là trong giới thanh, thiếu niên ưa thích; và báo chí nước ta đã đăng những bài bình luận và đánh giá mà theo tôi biết, tác giả rất chú trọng. Cuốn sách “Búp sen xanh” nêu lên một vấn đề: Ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”.

Ông Trần Tam Giáp cho biết: Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người rất gần gũi với Bác Hồ. Sau những lần nói chuyện với nhà văn Sơn Tùng, Thủ tướng biết nhà văn đã viết đúng, qua đó thêm ủng hộ tác phẩm “Búp sen xanh”.

Không dừng lại ở Búp sen xanh

Ông Trần Tam Giáp cùng tôi đến thăm nhà văn Sơn Tùng. Bước vào gian phòng nhỏ nơi nhà văn Sơn Tùng nằm, tôi xúc động trước hai mảng tường phủ kín sách, xếp đều tăm tắp trong giá. Tài sản vô giá đó của ông được tôn thêm bội phần khi đối lập hẳn với những đồ đạc đơn sơ khác trong nhà. Nhà văn Sơn Tùng hiện không cử động được sau cơn đột quỵ cách đây vài năm, nhưng đôi mắt ông vẫn thể hiện khả năng nhận thức sự việc xung quanh. Anh Bùi Sơn Định, con trai nhà văn đỡ cha ngồi dậy, cho biết: “Hằng tuần, chú Trần Tam Giáp vẫn đến nhà đưa một số bản tin thời sự để tôi đọc cho cha nghe. Ông vẫn nhận thức được nhiều điều”.

“Búp sen xanh” thời khốn khó ảnh 2

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp nhà văn Sơn Tùng (bìa phải), ông Trần Tam Giáp (bìa trái) và anh Bùi Sơn Định. Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình

Nhiều năm nay, cùng với người thân trong gia đình, anh Định vừa chăm sóc, vừa cố gắng hoàn thành một số việc của cha làm dở dang. Anh rất nhớ những câu chuyện trước đây nhà văn Sơn Tùng kể, giờ lại chịu trách nhiệm quản kho tư liệu của cha nên càng có dịp hiểu thêm nhiều điều. Anh Định kể: Có lần tôi hỏi cha, sau khi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lời tựa cho “Búp sen xanh” sao không in ngay trong dịp tái bản đầu tiên mà mãi sau này mới đăng?

Nhà văn Sơn Tùng đáp: Khi đó, nhà xuất bản và cha cùng thống nhất để cuốn sách phải tồn tại bằng chính giá trị nội dung và sức mạnh nghệ thuật của bản thân nó nên xin phép chưa đăng ngay lời tựa. Sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời, trong những lần tái bản tiếp theo, Nhà xuất bản Kim Đồng mới sử dụng toàn văn lời tựa đó cho cuốn sách.

Bản thân anh Bùi Sơn Định cũng từng được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Năm 1990, anh được cùng cha và ông Trần Tam Giáp tới chúc mừng sinh nhật của Thủ tướng. Lấy trong “kho” tư liệu của gia đình, anh đưa tôi xem một bức ảnh chụp khi đó, được gia đình lưu giữ cẩn thận trong nhiều năm.

“Búp sen xanh” thời khốn khó ảnh 3

Từ trái sang: Nhà văn Sơn Tùng, ông Trần Tam Giáp và anh Bùi Sơn Định. Ảnh: Kiến Nghĩa

Anh Bùi Sơn Định cho biết: Năm 1990, bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” được hoàn thành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phim do Sơn Tùng viết kịch bản văn học, chủ yếu dựa trên tác phẩm “Búp sen xanh”, đồng thời có nhiều tình tiết mới được nhà văn bổ sung thêm. Ban đầu, kịch bản có tên “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”, nhưng vì những lý do khác nhau, về sau đã đổi thành “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, và một số tình tiết trong phim cũng được lược bớt.

Nhiều năm sau, nhà văn Sơn Tùng vẫn muốn xuất bản kịch bản văn học “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” mà mình từng viết ban đầu, nhưng chưa thực hiện được thì đổ bệnh. “Gần đây, tôi đã sưu tầm, biên soạn lại kịch bản “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” và gửi Nhà xuất bản Kim Đồng để tác phẩm này có cơ hội ra mắt bạn đọc trong tương lai”- anh Bùi Sơn Định cho biết.

Ngoài những tác phẩm đã viết, nhà văn Sơn Tùng còn không ít tư liệu nghiên cứu, ghi chép về Bác. Trước khi phải nằm một chỗ, nhà văn đang thực hiện dở cuốn sách “Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”. Nay, con trai Bùi Sơn Định đang tập hợp những bản thảo, sổ tay của nhà văn để biên soạn nhằm hoàn thiện nốt cuốn sách. Anh Định cho biết, trong quá trình thực hiện, có gì khúc mắc anh thường hỏi cha. Hiện nhà văn vẫn nói được những từ đơn giản, trí nhớ khá tốt. Khi viết xong mỗi đoạn, anh Định tự đọc hoặc thu vào ghi âm để cho cha nghe. Có lần, anh thấy ông nằm nghe và lặng lẽ khóc.

Hiện nay bản thảo “Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn” đã hoàn thành. Anh Định cho biết, bản thảo đã được Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Hội đồng lý luận Trung ương đọc và viết lời giới thiệu. Trong lời giới thiệu, Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã đưa nhận xét: “Bạn đọc sẽ tìm thấy trong tác phẩm này nhiều tư liệu mới vô cùng quý giá, vô cùng xúc động về Bác Hồ và lại thêm một lần nữa ta kính yêu, thương nhớ Bác, ta cảm ơn nhà văn Sơn Tùng với tất cả tấm lòng”. “Cuốn sách gia đình dự kiến xuất bản vào năm 2015”- anh Bùi Sơn Định cho biết.

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.