Đời…

Đời…
TP - Thôi thì đến lúc tạm biệt một năm giời với bệnh “lạ” và Quinvaxem. Cát Tường quăng xác với bảo mẫu bạo hành. Người rừng với người giấu mặt. Hôi bia, thủy điện xả lũ, bão Haiyan với mưa tuyết Sa Pa. Zone 9, Huyền Chíp, giai đẹp, với nhà ngoại cảm. Án oan với ụ nổi ụ chìm, toa lét tiền tỉ…

Chia tay cái năm thứ 13 của thiên niên kỷ với muôn vạn khóc cười. Và dở khóc dở cười như một thứ “quy trình đúng” của xã hội chân đất nhấp nhem hiện đại. Loay hoay trong những tâm thế, trạng huống mà đến Thượng đế phải cười nhưng cũng đành bó tay. Cuộc đời trở nên thật đáng ghét…

“Kẻ ghét đời” lừng danh nhất trong văn chương nghệ thuật thế giới, là anh chàng Anxextơ, trong vở hài kịch cùng tên của Molière. Ghét cay ghét đắng, ghét đến ghê tởm, đến mức “muốn trốn đi một nơi hẻo lánh để khỏi phải tiếp xúc với loài người”. Vì với chàng, mọi thói đời, con người vây quanh đều giả dối, bần tiện, ô trọc…

Trên mạng bây giờ cũng đang la liệt những “anh hùng bàn phím”, rủa sả, khóc than chả kém gì. Nhưng, đời mà! Đời sinh ra kẻ cực đoan ghét đời Anxextơ, thì cũng sẽ có chàng hiệp sĩ Don Quixote.

Nhớ một câu thơ di cảo của Chế Lan Viên, rằng để giết mùi hương của hoa sen quá dễ, chỉ việc quậy bùn lên. Thế nhưng, đời lại vẫn có nghịch lý oái oăm, rằng “bất kỳ một mùi hôi thối nào chống lại cái quạt gió cũng đều tự cho mình là Don Quixote”.

Và cũng chính S. Jerzy Lec- thi sĩ gốc Ba Lan, tác giả của câu cách ngôn vừa dẫn ở trên, thừa nhận: “Từ khi con người đứng lên bằng hai chi sau, anh ta không thể lấy lại được sự cân bằng nữa… Đừng nói xấu về con người, vì anh cũng là con người”.

Con người vẫn chập chững và dễ ngã, dù tiến hóa đến mức nào.

C’est la vie!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG