> Tổng kết Cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc “Đây biển Việt Nam”
Cả thế hệ chúng tôi, thời trẻ anh nào cũng mơ mộng, cũng đều có thích làm thơ. Chúng tôi luôn luôn mơ đến thơ ca và vẻ đẹp lung linh huyền bí của nó. Thơ đối với chúng tôi rất thiêng liêng, cũng như nhà thơ đối với chúng tôi, họ là đấng bậc thiêng liêng như thần như thánh, hay chí ít cũng xa vời, kỳ lạ như cụ Nguyễn Du, vừa thật gần gũi lại cũng vừa thật cứ vời vợi ở đâu đó không tài nào hiểu được. Hiểu được thì không còn là thơ. Hiểu được thì chỉ là văn vần nôm na cho người đời dễ nắm bắt, chứ thơ thì nhất quyết phải mung lung kỳ ảo như Hàn Mạc Tử, tả trăng đấy mà chính là tả đáy lòng con người ta đấy. Thế mới gọi là cao tay, gọi là kỳ quái, gọi là thơ.
Qua tuổi “băm” cánh tôi bắt đầu bập vào đời sống thực của một con người trần thế. Lý tưởng bớt đi. Mơ mộng bớt đi. Thơ phú bớt đi. Nhường vào đó là cơm áo gạo tiền, là công ăn việc làm, là vợ con, là những bươn chải vì khối lo toan đè nặng, vì những cái món toan tính sát sườn, chẳng thơ tí nào. Đôi lúc thấy văn thơ thật vô bổ, thậm chí thật nguy hại, phải tránh xa, phải tỉnh táo, chớ có mon men, chớ có dại mà lao vào. Tâm trạng của hầu hết chúng tôi sau 10 năm chấm dứt chiến tranh, trở lại nghĩa trang Trường Sơn anh nào cũng thế:
Tôi trở lại Trường Sơn. Mười năm
Và gặp lại ở đây những người không về nữa
Đồng đội ơi, tôi tội tình chi rứa?
Mà các anh quay mặt, tắt lòng.
Như tôi chưa từng là người thân của các anh
Như cuộc chiến tranh vừa qua, tôi là thằng trốn chạy
Như mười năm xa. Tôi đã sống xuôi tay
(Thơ Hoàng Trần Cương - tất cả thơ trích dẫn trong bài đều của HTC)
Sống xuôi tay đâu có đặng. Chững lại một tí, chững lại một tí thôi. Thế mà rồi thằng nào cũng có nhà có cửa, có vợ có con, có xe có cộ, có bát ăn bát để, giầu thì chả đến cái thá mình, nhưng nghèo cũng nhất định không. Đôi lúc phởn, chén chú chén anh, mày tao tít mù, ký ức thời trai trẻ bỗng dưng sống dậy mạnh mẽ, bạn bầu thơ phú văn chương tụ tập vỡ trời, thành ra mấy gã gàn dở hâm hâm, sống giữa đô thành mà huyên náo mơ về quá khứ đau thương thời rừng anh núi đỏ, thời cưỡi mây về gió, lên thác xuống ghềnh, ra sống vào chết. Cái sức sống mạnh mẽ của lý tưởng hào hùng thời trai tráng bỗng có cơ vùng dậy, nhiều thằng âm thầm vục mặt vào bàn, moi móc ký ức lôi ra cuốn sách nọ, quyển sách kia gọi là tiểu thuyết, gọi là truyện ngắn, gọi là trường ca, gọi là thơ, rồi gọi nhau là nhà văn nhà thơ, cũng tít mù rôm rả.
Phía sau lưng ba thằng nhà văn nhà thơ ồn ào như lính trận cánh tôi là đàn đàn lũ lũ những bạn bè chết trẻ bỏ xác trên dãy Trường Sơn, trên khắp các chiến trường, oan hồn hú gọi, đêm đêm mơ thấy chạy đạn chạy bom còn kinh hoàng hơn cả lúc lâm trận, vì lúc lâm trận có hai thứ mạnh nhất của một con người, ấy là lý tưởng và tuổi trẻ. Bây giờ già cũng chưa hẳn là già nhưng trẻ thì quyết không còn trẻ nữa, đành hét lên, hú lên, gào thét lên: Chúng tôi là nhà văn nhà thơ trẻ! Thế hệ chúng tôi là thế hệ vàng của cách mạng, của đất nước, của nhân dân. Thế là anh em chúng tôi nhảy lên diễn đàn, chiếm diễn đàn, chiếm cả văn đàn, thi đàn, rồi đọc văn đọc thơ ồn ào, quyết liệt. Không khoan nhượng. Đầy hào hứng.
Nhưng bi thảm thay, chúng tôi không tự mà biết rằng, chúng tôi đang độc diễn, đang thực hiện cái công việc là, người đọc cho người đọc nghe, mà cứ ngỡ cả thế giới đang chú ý lắng nghe mình.
Có lẽ cái bi thảm của giới văn nghệ chính là ở chỗ này đây!
Hoàng Trần Cương không nhiều lời, thỉnh thoảng anh nhắc bầu bạn chúng ta đều là một lũ nhà quê, đều được mẹ sinh ra như vầy:
Mẹ tôi đẻ rơi tôi bên cối giã gạo
Tôi lấm láp đáp mình vào đất
Gió Lào mặc cho tôi chiếc áo màu nâu
Cha đi vắng
Những người đàn ông miền Trung thường đi vắng
Vài năm tạt qua nhà một lần
Để lại đứa con
Để lại mùi rạ thơm trên mái nhà vừa dọi
Để lại những nỗi buồn không biết nói
Rồi biệt tăm
Hàng xóm nhặt tôi vào đặt lên chiếc chõng tre
Chiếc chõng tre đen bóng mồ hôi vẫn nép ở đầu hồi
Bà nội thường đem ra ngồi trông cháu
Buổi mẹ còn lóp ngóp ngoài sông
Đêm đêm
Dưới gốc nhãn già nua theo lời bà kể
Bông lúa hiện ra
Ngày xưa lúa tự bò về nhà
Hạt to như bắp chuối
Khi chưa bị người ta xua đuổi
Nắng vàng mơ từ mờ sớm đến chiều hôm.
Đấy, cội nguồn của lũ chúng tôi là rứa, thương thì thương mà biết răng chừ! Biết răng chừ nên lại làm thơ. Nhưng mà phải bình tâm lại:
Ôi! Quê hương
Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước
Gió bão thù chi với mảnh đất này
Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển
Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến
Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh
Đất nước mình vượt qua mọi cái khó một cách hồn nhiên! Lũ chúng tôi hồn nhiên cùng đất nước. Đất nước cứ rầm rập đi lên. Đi đến đâu thì cánh nhà văn nhà thơ chúng cháu đâu có định đoạt được.
Chợt quẫy cựa một thời trai tráng
Rừng già sấp ngửa lửa na - pan
Đêm trăng muộn
Bộ đội về mở lán
Mặt nhọ đen tóc thơm nức hương tràm.
Vậy mà hòa bình rồi, thỉnh thoảng có anh ta thán, bị nhắc nhở. Thỉnh thoảng có anh lên tiếng gào thét, bị truy, bị riềng. Thỉnh thoảng có anh chọc ngang, chọc ngửa, dân gian gọi là chọc gậy bánh xe. Bánh xe vẫn lăn, chỉ có cái anh chọc gậy là đổ kềnh. Tóm lại thơ văn với lại nhà văn nhà thơ thì có nước non gì. Sợ thì chả ai sợ. Kiềng thì đến cả vợ con chúng cũng kiềng chứ gì phải đến các bác! Chúng em buồn đau khi lửa cháy U Minh, lửa cháy rừng già, lửa cháy khắp nẻo. Biết kêu ai, lại réo gọi đồng đội:
Đồng đội ngày xưa ơi
Doanh trại rừng của chúng mình
đang gặp họa
Hỡi những anh linh mau trở về đây cứu hỏa
Ở đâu
Bây giờ các anh ở đâu?
Rồi lại mẹ! Xót mẹ không cầm lòng được:
Cả đời mẹ như toàn nuôi con mọn
Tiếng ve rẽ cơn mưa đưa nắng vào hè
Trên nương lúa vừa đỏ dé
Mẹ rẽ đá tìm từng hỏm đất
Hạt gieo vào hy vọng vàng hoe
Thơ Hoàng Trần Cương, đọc thì giật cục. Ngâm thì nghiêng nghiêng ngửa ngửa, chả ra hàng ra lối, chả ra vần ra vèo, tóm lại là chả ra thơ. Buồn đến não cả lòng. Cay đến xóc óc. Đọc xong, im lặng không được bởi trong lòng cứ thấy rấm rứt, hậm hực, mình đã muốn quên đi rồi, muốn cho nguôi ngoai cái thứ tình cảm bi lụy ấy đi rồi, vậy mà hắn không nguôi ngoai cho. Đọc lại xem thế nào? Đọc lại thấy tay này đúng là tay quái gở. Tay này nó đang đánh mình thì đúng hơn. Mình sao cứ tỉnh táo, bình thản trước cái sự kinh khủng thế này của đất nước của quê hương, của mẹ, của cha, của em, của con người vậy ta! Mình sao cứ thờ ơ trước sự xót xa của quê hương xứ sở vậy sao. Tay này nó đánh mình thật. Đánh vỗ mặt chứ không phải đánh thức, không phải trò dân gian “dơ cao đánh khẽ” của bố mẹ mà là “bốp” thẳng vào mặt mình. Bốp cho cái thói thờ ơ trước mọi sự thăng trầm của đất nước phải được nhìn nhận lại tử tế và thấu đáo hơn.
Tay này kinh thật. Nguy hiểm thật!
Tôi nhiều lúc muốn yên thân, muốn vun quén riêng cho cái “ổ” của mình. Đọc thơ Hoàng Trần Cương thì thật là nguy hại, không được bình thản yên thân. Đọc hắn mới vỡ ra, rằng sống như mình thế này là mới sống có một nửa, cái nửa con người cá nhân. Chứ còn cái con người công dân, con người xã hội kia, thì mới là cái đich mà hắn chứa chất muốn truyền tải, muốn chia sẻ.
Chia sẻ với hắn có được không thì lại phải đọc và nghe ngóng chính mình.
Thế mới ác.
Thật khó chịu tay Hoàng Trần Cương.
Nhà thơ, nhà báo kiêm kế toán Ít ai nghĩ tác giả của những bản trường ca vạm vỡ này lại là cử nhân Đại học tài chính- Kế toán. Thậm chí anh có bằng cử nhân ngành kế toán sau đó mới nhập ngũ bộ đội (năm 1970). Trước khi trở thành Tổng biên tập Thời báo tài chính, anh công tác ở Bộ Tài chính với vai trò chuyên viên ngành kế toán kinh doanh. Anh tham gia cả ba hội: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội kế toán Việt Nam. Hoàng Trần Cương đã xuất bản nhiều tập sách: Hạnh phúc hôm nay (Ký sự, in chung), Bầu trời Quảng Trị (truyện ký, in chung), Dư âm (truyện ngắn, in chung), Đường chân trời (tập thơ, in chung), Dấu vết tháng ngày (tập thơ), Trầm tích (Trường ca, đã dịch sang Anh ngữ), Quà tặng của hành tinh (tập thơ). Đầu năm 2014, NXB Hội nhà văn sẽ cho ra mắt tập thơ và trường ca Hoàng Trần Cương. Hoàng Trần Cương từng tự họa: “Mẹ tôi đẻ rơi tôi bên cối giã gạo/Tôi lấm láp đáp mình vào đất/Gió Lào mặc cho tôi chiếc áo màu nâu/Cha đi vắng/Những người đàn ông thường đi vắng/Vài năm tạt qua nhà một lần/Để lại đứa con rơi/Để lại mùi rơm rạ thơm trên mái nhà vừa dọi/Để lại những nỗi buồn không biết nói/ Rồi bặt tăm”. Đọc những dòng thơ tự họa của Hoàng Trần Cương, nhìn vẻ ngoài gió bụi, không vương nét lãng tử hào hoa nhiều người ngạc nhiên khi nghe anh kể về “gốc rễ” của mình: thuộc dòng dõi họ Mạc, là hậu duệ đời thứ 29 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Dù sống ở Thủ đô nhiều năm nhưng trái tim Hoàng Trần Cương vẫn luôn hướng về đất mẹ, “chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. |