Chơi Facebook ở Trường Sa

Chơi Facebook ở Trường Sa
TP - Toàn bộ hình ảnh về biển đảo trong DVD Đây biển Việt Nam do đạo diễn Phạm Đông Hồng ghi lại trong một chuyến đi Trường Sa vào tháng 5 nhờ duyên may. Chuyến đi do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

> Trường Sa qua từng bức ảnh

Trong chuyến đi, mỗi ngày anh dành bao nhiêu tiếng để quay?

Quay liên tục. Cái tàu bọn tôi đi cũng vất vả. Trời nóng mà 8 người nằm giường tầng trong phòng 3-4m2. Mình thì cao, đi phải cúi. Nằm trong đấy nóng lắm, cho nên ban ngày có nắng thì lên boong tàu và quay. Ban đêm gần như không ngủ được, lại lên boong tàu ngồi cho mát và suy nghĩ sẽ làm gì, dựng thế nào. Cứ 12 ngày đêm liên tục như thế.

Những người say sóng phải xoay xở ra sao?

Tôi chứng kiến phải đến 1/3 tàu say sóng. Có ca sĩ lẽ ra lên đảo hát nhưng say quá không lên được. Cũng có người lên đảo trong tình trạng say nhưng vẫn đứng dậy hát. Sóng to gió lớn, lên nhà giàn cực kỳ nguy hiểm. Sóng rất cao, thuyền chỉ cập vào một cái, bước không nhanh chân là dễ xảy ra tai nạn. Gian khổ nhưng không ai muốn nghỉ trên tàu, phải xuống thăm đảo.

Lúc quay anh đã tính đến việc dùng sản phẩm để làm gì rồi chứ?

Bắt đầu quay mình cũng nghĩ sẽ làm tư liệu dựng các chương trình ca nhạc ca ngợi quê hương đất nước. Không ngờ tư liệu đầy ắp nên ra một sản phẩm chuyên về biển Việt Nam.

Có cảnh gì đấy đẹp, cảm động mà anh không quay được?

Có những đêm trên biển nhìn vào đảo chỉ có một ngọn hải đăng nhấp nháy trong đêm. Tôi cũng quay nhưng điều kiện ánh sáng không đủ. Hoặc có khi hành trình đi qua giàn khoan dầu trên thềm lục địa Việt Nam cũng rất đẹp nhưng ban đêm thì thường xảy ra tình trạng “muỗi” cho nên cũng đang đợi xử lý để có thể dựng vào dịp khác.

Khoảnh khắc cảm động trong chuyến đi của anh?

Cảm động thì rất nhiều. Ở ngoài đấy, tất cả trông mong vào nguồn nước mưa. Nhưng chúng tôi đi đến đảo nào cũng thấy để hai cái chậu với khăn mặt để cho khách rửa tay. Một, hai ngày sau mọi người thấy cái cần nhất ở đây là nước ngọt và không ai dám rửa tay, rửa mặt mà để dành cho các chiến sĩ sinh hoạt.

Có lần tôi lên một cái đảo chìm giữa đại dương mênh mông. Tôi không giao lưu như các nghệ sĩ, tôi quay, thì có cậu hải quân ra hỏi chú có phải Phạm Đông Hồng, cháu biết chú qua các sản phẩm ca nhạc, hài Tết. Thì mình hoảng, nghĩ bụng, vô danh như mình mà ra đến đây còn có người biết. Cậu ấy xin chụp ảnh với mình để post lên Facebook. Mà cậu ấy rất trẻ, bây giờ vẫn thường xuyên giao lưu với mình trên Facebook, cứ hỏi hôm nay chú khỏe không, hôm nay ở đảo cháu... như thế này, thế kia. Đấy là tình cảm mà chưa bao giờ mình có. Cảm động lắm.

Chơi Facebook ở Trường Sa ảnh 1

Hóa ra ở Trường Sa vẫn vào được Facebook?

Nói là nghiện thì không phải nhưng gần như đến đảo nào mình đều chụp ảnh và post Facebook cho ở nhà xem. Post lâu lắm, một tiếng mới lên một cái ảnh.

Các chiến sĩ Trường Sa thiếu thốn cái gì mà chúng ta có thể bù đắp được?

Trên tàu, tôi ở cùng các doanh nghiệp mang quà tặng các chiến sĩ, anh em thường nói đùa, ra đây mới biết lính Trường Sa thiếu cái gì để tặng. Thiếu nhất là tình cảm. Vật chất không thiếu lắm, văn hóa tinh thần rất thiếu. Cho nên khi đoàn văn công có cô ca sĩ ra hát thì các chiến sĩ mê mệt.

Thiếu nữa là thông tin. Cho nên nếu có đợt đi Trường Sa nữa, tôi sẽ mang theo các ấn phẩm văn hóa, thẻ cào điện thoại và... quần đùi. Cái đấy là thực dụng nhất vì nước biển nên quần áo chóng rách lắm.

Ý anh nói là chiến sĩ ta không đủ... quần đùi?

(Cười) Có thể là đủ tiêu chuẩn nhưng do nước biển và thường xuyên dầm mưa dãi nắng nên nó chóng rách. Đã có doanh nghiệp tặng quần đùi rồi.

Anh có chia sẻ, lúc đầu đi Trường Sa một phần vì tò mò, đến nơi mới dấy lên tình cảm đặc biệt?

Tôi từng đi Mỹ, đi rất nhiều nước, cảm xúc nhất vẫn là Trường Sa, không phải nói một cách “chính trị” gì đâu. Có lẽ bình thường ở đất liền không có cảm xúc đấy. Nhưng khi đi ra đại dương mênh mông, không có chân trời, không có gì cả, chúng ta mới thấy cần phải sống, cần làm gì đó để nói lên vẻ đẹp của những con người bảo vệ chủ quyền đất nước. Ở nhà thì cảm xúc vẫn chàng màng, khi ra đấy sẽ thấy- cái cảm xúc có lẽ người nào từng ra Trường Sa cũng có.

Đây biển Việt Nam - bộ đĩa CD-DVD thực hiện công phu, tâm huyết của trung tâm Nghe nhìn Thăng Long- tập hợp 12 sáng tác tiêu biểu về biển đảo thể hiện qua các giọng ca: NSND Quang Thọ, Trọng Tấn, Tân Nhàn, Tuấn Anh, Lê Anh Dũng, Phạm Phương Thảo, Vũ Thắng Lợi, Ngọc Ký, nhóm Dòng Thời Gian... Lợi nhuận từ việc bán đĩa sẽ được trích tặng các chiến sĩ Trường Sa.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG