Giã biệt người coi sóc di sản Đào Tấn

Giã biệt người coi sóc di sản Đào Tấn
TP - Trưa 26, điện thoại đổ chuông... Chỉ nghe loáng thoáng Quy Nhơn Bình Định đây Vũ Ngọc Liễn đây... Đúng chất giọng khao khao quen thuộc của Giamaham rồi (già mà ham- luôn ham công tiếc việc- biệt hiệu nhà thơ Thanh Thảo tặng nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn). Nhưng chắc lỗi nhà mạng hay sóng mà những chuỗi âm thanh cứ ríu vào nhau.

> 'Giamaham' Vũ Ngọc Liễn
> Vẫn treo ba hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước

Rồi máy chuyển. Một giọng khác rành rọt rằng, cụ Vũ Ngọc Liễn có viết tặng tôi 4 chữ. Cụ hỏi chính xác địa chỉ của tôi để gởi theo đường bưu điện.

Lối 13 giờ hơn ngày 28/11, nhà thơ Thanh Thảo choang choác từ Quảng Ngãi, biết tin chi chưa? Cụ Vũ Ngọc Liễn mất lúc 12 giờ trưa nay rồi.

Cứ như Thanh Thảo thuật lại, cụ Vũ Ngọc Liễn lâu nay khỏe mạnh minh mẫn. Nhất là từ dạo hồi tháng 9 năm ngoái, cụ được trao Giải thưởng Nhà nước về những công trình nhiều năm từng làm nên sự sum suê của Đào Tấn (Vũ Ngọc Liễn là tác giả nhiều công trình nghiên cứu, nhiều vở tuồng nổi tiếng), hình như cụ ham viết hơn.

Lần gặp cụ mới đây Giamaham thở dài thượt cái rằng, nếu Nhà nước và Mạnh thường quân nào đó tài trợ thì cụ dư sức qua Osaka, nơi đang lưu giữ một điệu hát Chăm có tên gọi là La lăng vương của dân tộc Chăm đã truyền sang đất Nhật từ thuở mang tên Lâm Ấp, khoảng thế kỷ thứ VII mà nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn từ mấy chục năm trước đã cố công sưu tầm được.

Và sau này luận cứ của Vũ Ngọc Liễn đã đứng vững và phát triển thêm, sự hình thành sân khấu hát bội Bình Định sau này có mối liên hệ với kịch hát Lâm Ấp...

Buổi sáng 28, tại nhà, cụ minh mẫn hóm hỉnh (bản tính cố hữu của Vũ tiên sinh) thù tiếp mấy ông viết lách trẻ thành Quy Nhơn. Lối 11 giờ lên giường nằm nghỉ. Giấc cơm trưa, con cái gọi dậy thì cụ đã đi rồi!

Trong chất giọng ngùi ngùi của Thanh Thảo kèm chút hóm cố hữu sống từ từ chết đột tử... Cách đi của cụ vậy là sướng là tiên! Chút bâng khuâng chợt nghĩ đến cái năm xa may mắn được diện kiến Vũ tiên sinh. Lần đầu được bừng thêm về ông quan kiêm nghệ sĩ Đào Tấn mà trước đấy mình còn đương rất mù mờ. Nhất là khi Vũ tiên sinh tận tình cắt nghĩa cho thứ ẩn thứ lộ trong đôi câu đối của Đào Tấn Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ/ Sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân (Trời chẳng cho nhàn vào bận rộn này tìm chút rảnh. Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân?) Câu ấy dường như phát lộ thêm nhiều phẩm chất Đào Tấn lúc bập vào việc nghiên cứu sáng tác tuồng- hát bội trong khi vẫn đương là một quan chức Nam Triều.

Rồi tôi cũng biết thêm một Bí thơ tỉnh ủy (theo cách nói vui của Vũ tiên sinh) Đào Tấn khi đó đảm chức Tổng đốc An Tĩnh (tên gọi cũ của Nghệ An Hà Tĩnh thời Tự Đức), trong hoàn cảnh rất ngặt nghèo về kinh phí nhưng đã rất sáng tạo trong việc phục dựng kiêm cải tạo một thắng tích nổi tiếng của đất Hà Tĩnh.

Đó là chùa Hương đổ nát phế tích từng được dựng cùng thời với Hoa Lâm Yên Tử. Có lẽ dân Hà Tĩnh bây giờ có một thắng tích nổi danh là chùa Hương nườm nượp tứ mùa khách chiêm bái cũng nên nhớ đến công lao của Tổng đốc Đào Tấn từng nhiều năm nhọc công phục dựng?

Săm soi cẩn trọng có phần nghiệt ngã nữa khi thẩm định trước tác cổ nhân. Và nữa, những nhân ái nhân văn, viết cũng dung dị cùng chút umua- hom hóm như nói, có phải phong cách ấy Vũ tiên sinh từng làm nên những nhuận sắc và sự nổi trội trong những công trình nghiên cứu của mình về người xưa, đặc biệt là Đào Tấn?

Trong đám trường văn trận bút bây giờ, có lẽ Vũ tiên sinh là người duy nhất tiếp được thể loại liệt truyện của người xưa, cái văn mạch của Sử ký Tư Mã thiên của Hoàng Lê nhất thống chí từng sử dụng? Những nhân vật lịch sử Quy Nhơn Bình Định với bút pháp Vũ Ngọc Liễn qua cuốn Quy Nhơn đất thang mộc, tôi cho là một cuốn sử theo lối viết hiện đại.

Lại cũng bồi hồi chép ra đây một khúc đoạn một kỷ niệm cũng chả lấy làm vui vẻ gì. Buồn nữa là khác. Một dạo ầm cả lên cái tin Vũ tiên sinh... đạo văn qua một bài báo nọ. Hồi hộp phác ra những ầm ĩ những bi thương mà tầm tuổi bát thập, cửu thập đùng cái, mắc phải những tai ương... Kiên nhẫn những nghe ngóng nhưng ông già Vũ Ngọc Liễn vẫn ung dung tự tại an nhiên này khác cấm có phản ứng kiện cáo gì?

Đành cái nhẽ ông già này biết được mệnh trời, rằng thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ (bảy mươi tuổi muốn điều gì là tùy tâm mình mà không vượt ra khuôn phép quy củ) huống hồ tuổi đã cửu thập như Vũ tiên sinh đây?

Tôi đã làm cái việc đi gặp tác giả bài báo nọ. Tôi biết ông cũng vốn là người có tâm và là người say nghề cũng gần bằng... Vũ tiên sinh đây! Thương cùng trách cái đoạn, ông cũng chỉ mới nghe một phía nên đã hơi bị vội vàng. Và tác giả cùng tờ báo nọ đã dũng cảm có lời xin lỗi Vũ tiên sinh. Oái oăm cái nỗi, trước thời điểm Vũ tiên sinh khuất núi, tác giả bài báo nọ cũng đột ngột ra đi vì một cơn bạo bệnh! Người thì quá cửu thập. Người thì mới chưa đến lục thập...

Tôi chưa từng nghe học giả Đào Duy Anh làm thơ. Nhưng dằng dặc qua những lòng người thói đời, vị học giả khả kính từng đọc từng viết những thiên kinh vạn quyển ấy cũng đã phải thốt lên ứng tác hai câu trong cuốn hồi ký của mình.

Cho hay hết thảy đều mây nổi/ Còn lại non sông một chút tình.

Chợt đắng đót cảm khái thêm cái tình với người xưa với cố nhân và cả với lớp hậu sinh của Giamaham Vũ tiên sinh.

Hà thành đêm 28/11/2013

Vũ Ngọc Liễn, nhà nghiên cứu văn hóa, hát bội nổi tiếng. Nhà nghiên cứu hàng đầu về sân khấu truyền thống, đặc biệt về soạn giả Đào Tấn. Ông còn là một nhà thơ.

Giải thưởng Hội NS Sân khấu 2002, 2006, 2007. Giải thưởng Trung tâm Văn hóa Bình Định với công trình Đào Tấn qua thư tịch. Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG