> Họa sĩ Phạm Lực khoe 'Phụ nữ và Hoa'
“Tôi vẽ không sửa gì, bụp một cái là xong. Có sai sót cũng không sửa, thế mới hay. Chứ nó tròn trĩnh, đẹp đến mức chải chuốt không chê vào đâu nữa thì lại không bao giờ đạt”. Vì thế mà một số nơi lén lút chép tranh Phạm Lực bán kiếm lời nhưng đều bị “đẹp” hơn nguyên bản. “Tranh tôi toe toét, ngẫu hứng, rất khó chép. Họ chỉ chép được cái hình thôi”.
Ông cũng là họa sĩ hiếm hoi sở hữu một “fan club”- tức là hội những người sưu tập tranh Phạm Lực- thành hình từ 30 năm nay. Triển lãm cá nhân lần thứ 22 của ông khai mạc chiều 21/11 tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội do hội này đứng tên tổ chức.
“Tắm là mất hứng, mặc đẹp là mất hứng” |
“Mình làm cái gì phải nói cho hội biết cho nó vui, có anh có em. Ông thì giúp kê bàn ghế, lau tranh, đóng khung”, ông kể. “Hội ấy nhiều, những người tâm đắc khoảng 60 người, ở nước ngoài thì chưa tổng kết được”.
Ông không muốn dùng từ “khách hàng” mà phải là những người chơi, sưu tập: “Ngày xưa vẽ xong có người chơi cho là may. Không thì vứt hết. Sau này có sưu tập nhưng cũng mức độ, không phải theo giá nọ kia”. Khách chơi tranh Phạm Lực rất đa dạng, từ quan chức cho tới dân thường. Họa sĩ lý giải độ phủ sóng rộng của mình là do tính tình hòa đồng. Một lý do nữa là đề tài ông vẽ rất gần gũi. Khách nhìn thấy bóng dáng người thân, bản thân trong tranh ông.
Phạm Lực kể về một nhân vật mới chơi tranh mình ở Thái Bình. Người này do có ông bố vốn là nhà giáo tuổi ngoại 80 xem Phạm Lực trên TV đòi con mua cho mấy bức. Sau đó chính ông con cũng “nghiện”. “Thỉnh thoảng phải mua, không mua không chịu được”, Phạm Lực cũng thấy lạ khi người ta mê tranh mình thế.
Niềm đam mê vẽ tranh của ông hoàn toàn tự nhiên. Ông bị cao huyết áp, không bia rượu, không thuốc lá cà phê. Thậm chí thờ ơ cả với vợ, nên từng có ba bà (chính thức) mà nay vẫn độc thân. “Vì tôi chỉ đưa tiền, vợ thích làm gì thì làm, chứ không biết quan tâm, an ủi: hôm nay em đẹp lắm, hay 8/3 mua hoa”, ông thú nhận.
“Họ bỏ đi vì bất đắc dĩ, vì tôi bận quá. Ban đêm lạnh bảo, anh ơi em đun nước rồi anh tắm đi. Nhưng mình mê quá, thức vẽ đến sáng luôn. Sáng dậy thấy mùi sơn, hắt hơi lại ốm, ai chịu được!”. Quả là tiếc, vì các bà không biết Phạm Lực hễ tắm hay mặc đẹp là “mất hứng” (vẽ).
Ở tuổi 70, ông cho hay độ này mình vẽ đã bớt đi. Những lúc không vẽ thì: “nằm xem TV, kêu đau, tự massage lấy”. Hiện có cô con gái ở cùng ông, cũng là để quản tranh. “Không có là tôi cho hết, không cần bán. Tôi không dính dáng đến kinh doanh, chỉ vẽ vứt đấy”.
Ông khẳng định vẽ ra chỉ để cho sướng: “Mình vui cũng vẽ, buồn cũng vẽ, cáu cũng vẽ. Chưa bao giờ cáu ai. Mình dồn vào tranh - nơi để mình xả hơi. Tôi còn cần đồ vẽ hơn cần thức ăn. Cả cuộc đời chỉ có vẽ. Ốm cũng phải vẽ cái gì mới nằm được”.
Phạm Lực tự thú không biết làm bất cứ cái gì ngoài vẽ. Từ khi lên 3, chưa biết nói ông đã bò ra vẽ, cả làng đến xem. Hồi cải cách ruộng đất, người ta phải nhốt Lực lại vì dân làng cứ mải xem cậu vẽ, không chịu đi đấu tố địa chủ (!) Hồi còn tại ngũ, việc của ông là vẽ và dạy lính vẽ. Mỗi đơn vị trong toàn quân sẽ chọn một chiến sĩ có năng khiếu gửi Phạm Lực đào tạo 3 tháng rồi đưa vào chiến trường.
Phạm Lực: “Tôi đi nhiều, tiếp xúc với đủ loại người, vui buồn, đau khổ, bị lừa, bị tù tội. Tức là sung sướng đến tột đỉnh, khổ sở cũng tới tột đỉnh”. Cách đây mười mấy năm, trong một đợt đi sáng tác, Phạm Lực cho bạn mượn nhà. Người đó cậy có ô dù nên vu cho Lực là đã bán nhà cho anh ta hòng cướp nhà.
Phạm Lực bị nhốt Hỏa Lò 2 tháng vì vụ này. Tất nhiên sau đó công lý được lập lại, mấy người sai phạm bị xử lý, nạn nhân đòi được nhà. Nhưng sự việc đã ảnh hưởng sâu sắc tới Phạm Lưc.
“Những cái đấy làm cho mình thích vẽ. Nhiều khi mình tức, mình điên, không ngủ được, thế là vẽ. Tranh này nói về cái đấy”, ông trỏ bức tự họa treo tường. Người cởi trần trong tranh mang gương mặt ngơ ngác hơn là đau khổ. Cũng nhờ vụ cướp nhà, Phạm Lực đâm ra thích làm việc thiện. “Tích cóp được gì rồi cũng bị cướp hết”, ông cười nói.
“Thôi tốt nhất không tiêu pha gì, con cái dùng được gì thì dùng, còn cái gì lặt vặt đi làm quà là hay nhất, người nó nhẹ, không thì cứ uất ức mấy chuyện dở hơi!”. Ông thường tặng tranh cho các tổ chức nhân đạo bán lấy tiền làm từ thiện.
Đươc nhiều người yêu mến, sống xởi lởi, lạc quan, hăng say sáng tạo. Xem tranh, gặp người như Phạm Lực, thêm vui đời.