Tác giả 'Quyền sư': 'Tôi viết về võ nhưng nói chuyện văn'

Võ sư Trần Việt Trung, tác giả “Quyền sư”
Võ sư Trần Việt Trung, tác giả “Quyền sư”
TP - Võ sư Trần Việt Trung- tác giả cuốn Quyền sư chia sẻ xung quanh tác phẩm về võ thuật nhưng nói nhiều về đạo nghĩa.

Trần Việt Trung nói:

Phản hồi của người đọc làm tôi bất ngờ. Mục đích khi viết của tôi chỉ là để lưu lại những câu chuyện cho các học trò của mình. Hóa ra, ngẫu nhiên, điều tôi muốn dành cho học trò lại nói đúng cái xã hội đang thiếu.

Cái mà xã hội đang thiếu mà cuốn sách đề cập đó là gì thưa ông?

Sách về các quyền sư, nhưng nói nhiều về chuyện ứng xử, đạo nghĩa thầy trò, huynh đệ. Đó là những tình cảm, cách ứng xử rất đẹp, nhẹ nhàng kín đáo. Tình cảm giữa sư phụ Tế Công với thầy Ngô Sỹ Quý, giữa thầy Quý với chúng tôi rất sâu sắc. Ngày xưa chúng ta từng sống như thế, nhưng bây giờ nhiều thứ dường như đang mất đi.

Tôi viết về võ nhưng nói chuyện văn, chuyện ứng xử rất nhiều. Kể cả nói chuyện đánh nhau thì cũng khác. Tôi không bao giờ viết chuyện đánh người cho tan nát, đau đớn. Võ tốt nhất là cho người ta một bài học về đạo nghĩa.

Vì sao ông viết về võ nhưng chuyện đấm đá lại không là “món chính”?

Tôi tự hỏi tại sao chỉ mấy chục năm chuyển sang kinh tế thị trường mà truyền thống tôn sư trong đạo, đạo nghĩa thầy trò, huynh đệ xuống cấp nhanh thế? Cuốn sách của tôi cũng như một sự nhắc nhở rằng chúng ta từng sống với cách ứng xử rất đẹp trong đạo nghĩa thầy trò huynh đệ và giữa con người với nhau. Tư tưởng xuyên suốt cuốn sách là, phải có đạo nghĩa để xây dựng con người; võ để xây dựng, giáo dục con người chứ không phải chỉ để đánh võ giỏi mà thôi.

Nhà thơ Hữu Việt, người biên tập cuốn sách đánh giá đây là cuốn sách có tư tưởng. Nhân vật Quyền sư trong truyện là điển hình của lối sống đó (tuy là truyện hư cấu nhưng những nhân vật và các tình tiết của Quyền sư hầu như đều có thật). Một người võ công thượng thừa như Tế Công, đi trên phố Hàng Đào bị dẫm vào chân lại quay sang xin lỗi người dẫm. Ông giảng cho học trò: “Người ta có muốn dẫm vào chân mình không?” Những bài học đó giản dị mà sâu sắc lắm.

Thầy Tế Công có tính cách của bậc kỳ nhân vương đạo, còn thầy Quý có tính cách của một nhà sư phạm tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam. Hiện nay chúng ta kêu gọi đổi mới giáo dục nhưng thiếu những tấm gương, thiếu người có trình độ để làm việc đó. Người thầy xem học sinh là cái máy in tiền của mình, học sinh phải mua chữ, nhưng cái chữ đó có khi vứt đi luôn. Hôm nay, học trò không cần nhớ tên thầy cô nữa, mà nhớ bằng môn học: Cô giáo dục công dân, thầy thể dục. Vậy thôi.

Người ta cũng mở lò võ đại trà để thu tiền đấy thôi?

Việc dạy võ lấy tiền không đặt trong không gian của đạo nghĩa nữa, mà đặt trong không gian thể thao, sẽ dễ chấp nhận và thông cảm. Với tôi, khi người thầy đã cầm tiền của học sinh thì không nên nói chuyện đạo nghĩa. Bây giờ có hiện tượng bán võ như bán miếng thịt. Tiền nhiều được miếng to, tiền ít miếng nhỏ. Tôi không bao giờ cầm tiền của học trò, và các học trò của tôi sau này đi dạy võ cũng vậy. Ai vi phạm sẽ bị tẩy chay.

Khi viết “Quyền sư” ông đã nhận thấy mối liên hệ giữa võ và văn?

Tôi không phải người viết chuyên nghiệp nên bị giới hạn về ngôn từ và phương pháp trình bày. Tôi chọn cách viết phù hợp với mình, nối các câu chuyện bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc. Nhưng càng viết lại thấy có mối liên hệ giữa võ và văn. Võ có cái cương nhu, có cái mềm mại, có cái đẹp, cái khốc liệt, thậm chí có cái trữ tình. Khi luyện võ, có khi người ta mê mẩn vì nó rất nhẹ nhàng, gợi cảm. Văn có thể làm cho người ta khóc, người ta hỷ nộ ái ố. Võ cũng thế. Tận cùng của võ là văn. Như nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhận xét về Quyền sư: “Suy cho cùng, gốc của Võ là Văn mà Văn thì còn gì khác ngoài chữ Người. Một chữ Người viết hoa”.

Ông làm kinh doanh nhưng lại tìm đến võ?

Bố tôi là tướng Trần Tử Bình, được phong tướng năm 1948, một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Bố tôi giáo dục con tinh thần quật cường, thượng võ. Nhưng bố mất sớm, để lại 8 người con. Với tâm thế của đứa trẻ mồ côi bố, tôi rất sợ bị bắt nạt. Các anh tôi vào học trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, trường này đào tạo cho người ta tinh thần tập thể, ý chí chống chọi với cuộc sống. Tôi cũng ảnh hưởng của các anh tôi “tinh thần trường Trỗi” đó. Vào cấp 3, tôi học võ, cùng một lúc với hai sư phụ. Tôi nhớ mãi vì mình mà hai sư phụ đấu võ với nhau, vì thầy nào cũng muốn có trò theo nên chứng minh tài nghệ. Thời còn đi học phổ thông tôi là một cậu bé nghịch ngợm, rất hay bị cuốn vào các cuộc đánh nhau. Có lần tôi suýt chết vì học võ chưa đến nơi đến chốn, kiêu khí nổi lên, thách đấu đánh nhau. Tôi nhận ra học hành không đến nơi đến chốn thì dễ gặp tai ương. Tôi nhận thấy võ chân chính là vương đạo, đương đầu với cái ác, không bắt nạt kẻ yếu.

Lúc đó tôi chưa gặp người thầy làm tôi phục. Học võ thì phải phục thầy. Khi tôi đến với thầy Ngô Sỹ Quý, ông chỉ ngồi nói chuyện mà không dạy võ. Tôi gọi đùa đó là giai đoạn tẩy não. Khi ông trao đổi với tôi, tôi nhận ra mình bị giáo dục sai hết rồi, bị nghe những điều giả dối nhiều quá. Bài học tôi học từ thầy chính là sự trung thực. Giờ đây, tôi không thích những gì thuộc về vai trò cá nhân, như giỏi võ, viết hay, nhiều tiền. Tôi thích những việc mình làm có ích và nhiều người được hưởng cái đấy để cũng vươn lên. Cái vững vàng của con người trong cuộc sống với tôi quan trọng hơn cả. Vì nếu chỉ phân cao thấp thì cái ngày hôm nay giỏi, ngày mai có thể lại kém.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.