> Khi nghệ sỹ đương đại hướng đến đình làng
> Những bảo tàng tình dục hút khách du lịch
Băn khoăn chỗ đứng
Tại hội thảo “Nghệ thuật đương đại Việt Nam và vai trò của nghệ sĩ trong đời sống xã hội” vừa được Viện Mỹ thuật tổ chức, Đào Anh Khánh gầy gò tím lịm từ đầu đến chân, hoa xanh lá cây cài ngực đăng đàn: “Nghệ sĩ mấy chục năm nay ăn đủ no để mà sống đã là may mắn rồi. Có vài năm hưng phấn tưởng nghệ sĩ sắp giàu to, sung sướng. Bây giờ đã trở lại cái thực tế: nghệ sĩ có thể đói nhăn răng. Làm có ai xem và ai trả tiền cho chúng tôi đâu!”.
Có thể với cá nhân anh thì đúng là như vậy, nhưng có những thực tế khác. Bà Zoe Butt- giám đốc điều hành và giám tuyển Sàn Art, TPHCM- sau khi liệt kê một loạt địa chỉ dành cho nghệ sĩ đương đại (ở TPHCM: Ga 0, Khoan cắt bê tông, Himiko Visual Saloon, Post Vidai, dia/project, Sàn Art; Hà Nội: Nhà sàn Đức, Tadioto, Hanoi Doclab)- thì phát biểu: “So với những hoạt động văn hóa và những tổ chức được Nhà nước tài trợ, thì các nơi có hoạt động nghệ thuật độc lập tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi, kích hoạt thử nghiệm nghệ thuật. Vì vậy luôn có lượng khán giả ngày càng tăng, những nguồn tài chính hấp dẫn, dài hạn cho nền tảng hạ tầng này”. Danh sách nhà tài trợ của Sàn Art bao gồm nhiều tổ chức, quỹ của Úc, Hồng Kông, Đan Mạch, Mỹ, Anh, Columbia, Nhật Bản…
Đào Anh Khánh: “Mỹ không có chính sách hẳn hoi đầu tư cho văn hóa nghệ thuật. Họ công bằng với tất cả loại hình, nhưng lại có chính sách gián tiếp tạo điều kiện cho hoạt động nghệ thuật mới thông qua hỗ trợ thuế cho những tập đoàn công ty lớn nếu hỗ trợ cho nghệ thuật”. Đó là một trong số lý do khiến nguồn tài trợ cho nghệ thuật đương đại của các nước phát triển luôn dư giả.
Người đồng sáng lập Sàn Art, họa sĩ Lê Quang Đỉnh cũng đưa cách nhìn đối lập với Đào Anh Khánh. Anh Đỉnh lo ngại rằng những chính sách về nghệ thuật đương đại của Nhà nước (nếu có) e rằng lại hạn chế sự phát triển. “Xã hội chưa đến lúc quan tâm tới mỹ thuật đương đại thì đó là không gian tự do cho họa sĩ”, anh nói. “Nếu xã hội quá quan tâm, nhiều cặp mắt để ý, trong lúc chúng ta còn đương học hỏi, đương lớn lên thì sẽ khó khăn hơn”.
Chúng tôi vẫn làm nghệ thuật đương đại dù khó khăn, và nó vẫn phát triển tốt, cứ để mặc chúng tôi- là thông điệp của Đỉnh.
Chống ế cho du lịch
Đào Anh Khánh khẳng định đóng góp của nghệ thuật đương đại vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân thời gian qua là không thể chối cãi. Song: “Những gì Việt Nam có được trên bản đồ nghệ thuật đương đại phần lớn là nhờ cố gắng cá nhân của nghệ sĩ, không phải là thành quả của cơ chế xã hội tạo điều kiện, môi trường cho nghệ sĩ.” Theo anh, nghệ sĩ Việt không thua kém đồng nghiệp châu Á, song nghệ thuật đương đại Việt Nam bao giờ cũng ở chiếu dưới so với các nước “có sự đồng cảm giữa Nhà nước và nghệ sĩ”.
Hẳn ít ai cho rằng nghệ thuật đương đại có một ý nghĩa thực tiễn nào đó ngoài công dụng để các nghệ sĩ xả stress. Nhưng họa sĩ Vân Thuyết chỉ ra: “Các nhà khoa học, trí thức trong các lĩnh vực khác hầu hết đều bị thói quen trong tư duy, nhưng khi đi bảo tàng xem các tác phẩm nghệ thuật đương đại, họ hưng phấn. Nghệ thuật đương đại trở thành chất xúc tác chống lại sự ù lỳ”. Ông Thuyết lấy làm tiếc vì khả năng biến đổi xã hội tích cực như thế đã bị xem nhẹ, và cho rằng Việt Nam đáng ra phải có bảo tàng nghệ thuật đương đại rồi.
Bà Zoe Butt đưa ra một công dụng còn thực tế hơn: thúc đẩy phát triển du lịch. Bà nói: “Bộ VHTT&DL nên nhận ra rằng Việt Nam có thể đang là một trong những nước dẫn đầu về điểm đến cho du khách ở Đông Nam Á nhưng lại có tỷ lệ thấp nhất thế giới về lượng khách quay lại. Vì sự thiếu vắng to lớn của sự phát triển của văn hóa đương đại trong tiêu chuẩn cạnh tranh quốc tế”. Những tấm gương được chỉ ra: Sự kết hợp giữa nghệ sĩ và kiến trúc sư tạo nên những điểm du lịch không thể bỏ qua ở Hồng Kông, Singapore, những bảo tàng chuyên sâu hút khách ở Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ở nhiều nước, nghệ thuật đương đại với tính ứng dụng cao từ lâu đã đi vào đời sống. New York, Paris, Seoul hay Jakarta… vào cuối tuần có thừa hoạt động văn hóa kết hợp giữa các nghệ sĩ với: các nhà thiết kế thời trang, các CLB thể thao, các nhà hát, các kiến trúc sư, chủ nhà hàng, nhà văn, các trường ĐH… “Buồn thay những sự cộng tác liên ngành như vậy hiếm khi tồn tại ở Việt Nam”, Zoe Butt nói.
Lê Quang Đỉnh: “Chỗ của mỹ thuật đương đại là bên rìa xã hội. Nó cần không gian riêng, rồi từ từ mới vào trong xã hội. Chính phủ nên để tâm vào những không gian khác, còn cứ để cho nghệ sĩ đương đại làm việc họ cần làm”. Đào Anh Khánh: “Cần có chính sách bảo trợ, ít nhất là tôn trọng nghệ thuật đương đại. Lãnh đạo phải đưa ra chính sách cụ thể rõ ràng ngay, không thì quá muộn rồi!”. |