Thu cũ của Phương

Thu cũ của Phương
TP - Thu Phương gây sốt nhẹ khi lần đầu trở về hát trong nước, Hà Nội tháng 8/2011. Kết quả có vẻ được lặp lại với Mùa thu của Phương đêm 20/10 vì đây là lần đầu chị về hát chính thức tại TPHCM. Nhưng vẫn kịch bản đó bê ra Hà Nội lại không thực tế cho lắm.

> Thu Phương vỡ òa nỗi nhớ Hà Nội trong liveshow
> Thu Phương ly hôn bất ngờ để có cuộc tình định mệnh

Có lẽ Thu Phương hát trong không gian nhỏ hơn, cỡ Nhà hát Lớn Hà Nội thì lượng khán giả sẽ “đầy đặn” hơn. Một lý do đáng kể khiến khán phòng Cung Hữu Nghị 22/10 không chật là giá vé Mùa thu của Phương khí đắt, lên tới 3,5 triệu đồng.

Thu Phương vẫn sở hữu nhiều điểm cộng: Quãng giọng trung ngọt ngào, dáng vóc chuẩn sau khi cho ra đời 4 con. Đặc biệt chị ghi dấu ấn trong khá nhiều bài hát, nhất là của nhạc sĩ Việt Anh. Chính vì thế sau nhiều năm đi hát ở hải ngoại, không tung ra sản phẩm gì mới, Phương vẫn được khán giả trong nước để ý.

Liveshow Mùa thu của Phương triệt để khai thác mảng mạnh của Thu Phương là sáng tác của Việt Anh và thời kỳ Làn sóng xanh. Đâm ra chương trình lại thiên về một màu. Chưa kể có quá nhiều lần dạng liên khúc được sử dụng làm cho kết cấu chương trình càng thêm đơn điệu. Bài nào khán giả cũng vỗ tay nhưng ít bài khiến họ thực sự rung động.

Thay vì thêm tiết mục ra tấm ra món như Như chưa bắt đầu, Trăng dưới chân mình hay Hướng về Hà Nội, Phương lại lạm dụng sở trường... tâm sự. Chị tỉ tê hàng vài phút về tình cảm với quê hương, những kỷ niệm xưa cũ, đọc thơ, lồng lời bài hát trong những câu tâm tình về thời nông nổi... Đôi lúc có cảm giác như Phương đọc... thuộc lòng vậy. Mà cứ nói nhiều thì sẽ dẫn đến xúc động và rớt nước mắt. Rớt vài lần thì chương trình trở thành sến.

Tiết mục gây xúc động là khi Thu Phương và anh trai- ca sĩ Quang Minh cùng em gái- Hoa khôi Thể thao Kim Oanh chung sân khấu hát những bài thuở nhỏ họ hòa ca cùng bố. Xen giữa phần trình diễn của 3 anh em, BTC thông báo tặng Thu Phương món quà đặc biệt. Đó là đoạn phim vừa quay hôm trước ở Mỹ, trong đó bố của họ đọc thư chúc mừng các con, sau đó các con lớn của Thu Phương nói lời tốt đẹp với mẹ... Nước mắt rơi lúc này thôi thì có lý. Nhưng sau đó Kim Oanh bồi thêm: “Sáng nay có người bạn gửi em món quà tặng chị...” Và chìa ra một chiếc lá khô. Chắc hẳn là hậu quả của mùa thu Hà Nội.

Xem Mùa thu của Phương, khán giả cứ bị chao đảo cảm xúc vì vừa rưng rưng lệ, thoắt cái ca sĩ lại chạy nhảy như vận động viên, tung váy búa xua trên sân khấu. Những bước chân của chị rất dứt khoát cũng gọi là theo điệu nhạc. Nhưng chị cứ di chuyển mãi kiểu “giật cục” đó cũng kỳ.

Cho đến cuối chương trình, Thu Phương hát một bài nhạc Pháp rất cổ là Bang Bang và đi thẳng xuống hàng ghế khán giả để giao lưu, người ta mới nhận ra: À đây mới đúng là Thu Phương. Hoặc ít ra cũng là một mảng quan trọng của Thu Phương mà chương trình chưa khai thác đến. Tự nhiên cả đêm duy nhất có một bài sôi động đâm ra chẳng ăn nhập vào đâu. Hay có bài này chẳng qua là để ca sĩ có cớ xuống hàng ghế khán giả và hát vài câu cùng Uyên Linh, và ở TP.HCM là Phương Thanh?

Thu Phương nổi lên ở Hà Nội trong dòng nhạc dance nơi vũ trường vốn ít người theo thời kỳ đó. Nếu lần này cô nâng cấp sở trường, dựng vài tiết mục “hoành tráng” với vũ đoàn có khi lại hiệu quả. Để khán giả nhớ rằng trước Thu Minh, đã có Thu Phương thành công với nhạc nhảy. Và cũng để khán giả biết rằng sau một thời gian sống và làm việc ở Mỹ có thu nạp được gì, chứ lại vẫn y chang cô Thu Phương cách đây 20 năm thì hơi phí.

Dù sao, cách tổ chức Mùa thu của Phương nằm trong chuỗi chương trình Hòa nhạc Việt Nam của Việt Vision cũng khá chuyên nghiệp. Đặc biệt là việc mang toàn bộ ban nhạc từ TPHCM ra Hà Nội. Sân khấu của Phạm Hoàng Nam chỉ với máy chiếu đơn giản nhưng tạo ra được khá nhiều cảnh bắt mắt, chắp cánh cho cảm xúc âm nhạc.

Sau hai lần về diễn ở Hà Nội, Thu Phương có bài mới (Hai chúng ta của Việt Anh) nhưng phong cách vẫn rất nệ cổ. Hay nói cách khác, chị có vẻ vẫn chuộng sự an toàn của vầng hào quang xưa cũ.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG