> Đừng cố để vĩ đại
> Hãy là đồng tác giả của một Điện Biên Phủ mới
Kênh VOV cơ quan anh vừa qua đã ghi điểm trong dân chúng khi tường thuật trực tiếp hai ngày quốc tang, nhất là buổi lễ truy điệu. Qua đây thấy rằng vấn đề hình thức (ví dụ chất lượng hình ảnh chưa nét) không quan trọng mà quan trọng là thấu hiểu lòng người, đáp ứng điều mà người ta cần, tức khắc - nói như ngôn ngữ giới trẻ bây giờ, là ngay và luôn?
Đúng như thím (cách xưng hô quen thuộc của Trần Đăng Khoa với phóng viên) nói đấy. Vấn đề quan trọng là phải hiểu được lòng người, đáp ứng được đòi hỏi của lòng người.
Dùng camera giao thông để quay, tất nhiên hình ảnh không thể chuẩn, nhưng đáp ứng được trọn vẹn nhu cầu của dân, nên được dân thương, Đại tướng cũng thương. Ông Tuấn lãnh đạo Đài bảo, Đại tướng rất tài lối đánh du kích. Mình cũng học Đại tướng, tác nghiệp theo kiểu du kích. Rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Về những giọt nước mắt trong lễ tang Đại tướng, nhà văn Dạ Ngân viết rằng, nó khiến cho “những người cách trở cảm thấy bồn chồn, những người ưu thời mẫn thế cảm thấy chấn động và những người bàng quan phải suy nghĩ”.
Dạ Ngân lý giải, năm 1969 dân khóc Bác Hồ là khóc một lãnh tụ, một thuyền trưởng, một con tàu và một cảm giác mồ côi chung. Còn với “đám tang vĩ đại” vừa qua, nước mắt rơi vì nhiều lẽ trong đó có “người ta khóc cho chính mình, cho sự bế tắc của chính mình, cho chung quanh và cho mỗi ngày sống tới”. Nhà văn Lê Minh Khuê lại lý giải một phần rằng: ngoài kính trọng yêu mến một người tài đức, có công lớn, dân mình cũng hay thương xót người bị oan, bị thiệt. Anh có đồng cảm?
Mọi lý giải có thể khác nhau, nhưng đều có lý cả. Cộng tất cả lại thành một hiệu ứng xã hội.
Tuy thế, bảo người ta khóc bác Giáp là khóc cho chính mình, khóc vì sự bế tắc thì không hoàn toàn đúng đâu. Tôi cũng ứa nước mắt khi viết mấy bài về bác Giáp, tôi có bế tắc gì đâu. Nhiều cháu học sinh sinh viên, được bố mẹ nuông chiều cũng khóc vật vã như mất người ruột thịt. Thế thì vì lý do gì?
Điều quan trọng là, cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của lòng dân. Hình như đây mới chính là bí kíp, là sức mạnh giúp ông đánh thắng bất kỳ kẻ thù tàn bạo nào. Bởi sau ông là nhân dân. Quanh ông là nhân dân. Sức mạnh của ông là sức mạnh tổng lực của toàn dân.
Ta hiểu vì sao dân yêu mến ông, đùm bọc chở che ông không phải chỉ những năm kháng chiến gian khổ, mà cả khi đất nước yên hàn, đặc biệt là lúc ông lẻ loi, cô đơn nhất. Và rồi, thím sẽ thấy cả những người thương yêu, bảo vệ ông cũng sẽ được dân thờ.
Ta hiểu vì sao, khi ông ra đi, đất nước chìm ngập trong nước mắt. Ta lại nhớ ngày Bác Hồ ra đi, cả nước cũng ngập chìm trong nước mắt như thế. Chị Dạ Ngân nói đúng. Những năm ấy người dân thương Bác và lo cho vận mệnh đất nước, trong đó có số phận của chính mình. Khi ấy nước còn đang chia cắt. Nhưng lòng dân lại yên. Bây giờ nước yên, nhưng lòng người ly tán. Đất nước thống nhất mấy chục năm rồi nhưng lòng người vẫn cách chia, xa mặt cách lòng.
“50, 60 cây số người dằng dặc. Một biển người chung niềm yêu kính thương tiếc. 103 ngọn nến- 103 năm của một đời người cháy lên thành dải ngân hà… Sự ra đi của Tuớng Giáp thức tỉnh bất kỳ ai có lương tri bởi thông điệp mà ông để lại”. |
Lòng dân không thống nhất thì sự thống nhất non sông cũng chỉ là hình thức. Ấy là chưa kể những năm gần đây, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “sự tha hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ có chức có quyền” làm người dân chán nản và khủng hoảng niềm tin. Trước đời sống phồn tạp, ô nhiễm, không ít trái tim người đã trơ lỳ, vô cảm. Sự ra đi của Tướng Giáp đã đánh thức lòng dân và khôi phục những vẻ đẹp văn hóa, vẻ đẹp tinh thần của cả một dân tộc. Trước khi lễ tang ông được Nhà nước cử hành trọng thể thì người dân đã tự “cử hành quốc tang” cho ông, theo cách của riêng mình. Cả một biển người với số phận, tôn giáo, chính kiến khác nhau, rồi người Việt trong nước, nước ngoài, rồi báo chí giờ đều chung niềm yêu kính ông. Thương tiếc ông. Trong đêm viếng cuối cùng ở nhà Đại tướng, 103 ngọn nến bất ngờ bùng lên. Người dân hô vang tên Đại tướng, nắm tay nhau hát vang bài Quốc ca, vốn là Tiến quân ca, bài hát dành riêng cho đội quân mà Tướng Giáp là chỉ huy. 103 năm trong một đời người đã cháy lên thành dải ngân hà. Một giải ngân hà cháy sáng trên mặt đất!
Cháu nội Đại tướng ôm chiếc mũ kê-pi quen thuộc của ông suốt hành trình đưa tiễn. |
Trong đời mình, tôi đã dự rất nhiều đám tang. Nhưng chưa đám tang nào xúc động, trang nghiêm và kỳ vĩ đến như thế! Thật có lý khi nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng Cả dân tộc ta đang nắm tay nhau! Và như thế, có thể nói trong đời mình, Đại tướng từng góp phần quan trọng cùng với Bác Hồ, với toàn Đảng toàn quân toàn dân đánh thắng kẻ thù, thống nhất toàn vẹn đất nước, và vừa rồi, trong “trận đánh” cuối cùng, bằng việc ra đi, Đại tướng cũng thống nhất được lòng dân. Đưa dân về một mối trong mái nhà chung đại gia đình Việt Nam.
Đúng là những ngày qua, Đại tướng chứng tỏ ông không chỉ là huyền thoại mà còn có khả năng biến những câu chuyện, những người liên quan đến mình thành giai thoại? Mọi người bất đồ đối xử với nhau kiểu “lòng chợt từ bi bất ngờ” (ca từ bài “Ru em”- Trịnh Công Sơn) và gắn kết đúng nghĩa đồng bào- điều tưởng đã phai lạt từ lâu.
Có biết bao chuyện lạ đợt này. Chiếc xe máy quý như vậy mà người ta quăng nó dọc đường để nhào vào viếng Đại tướng. Quanh các phố có đoàn xe tang đi qua, nếu có trông xe đều miễn phí. Cảnh tượng bà con phát cho nhau suất cơm, bánh mì tình nghĩa trong khi xếp hàng vào 30 Hoàng Diệu cũng thật khó quên.
Những nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam, gần 3 chục năm trước đã bất tuân thượng lệnh, tìm mọi cách nhắc đến Tướng Giáp, và nhắc một cách ấn tượng trong khi dựng vở kịch “Bài ca Điện Biên” kỷ niệm 30 năm chiến thắng này. Sự việc đã thành giai thoại làng sân khấu, được ôn lại dịp vừa qua (xem bài “Tình tiết đặc biệt trong vở Bài ca Điện Biên”, TP ngày 7/10).
Cách đây chục ngày, tôi có dự cuộc họp báo của Đại sứ quán Pháp, chủ tọa là các vị đại sứ và các nghệ sĩ bay từ Pháp sang. Cuộc họp có nến tưởng niệm, lời chia buồn, và nội dung của nó là tuyên bố hủy đại nhạc hội Ohlala mà họ chuẩn bị hàng năm nay, do quốc tang. Chương trình này dự kiến diễn ra hoành tráng tại sân vận động Hàng Đẫy. Những người Pháp đã tỏ một thái độ văn minh lịch thiệp và tôi còn được biết có người trong số họ đã nói đùa một cách trìu mến rằng “cho đến lúc chết Tướng Giáp vẫn gây khó khăn cho người Pháp”. Đó, đủ loại giai thoại.
Quả là có đủ các giai thoại. Đúng ra, đấy là những huyền thoại. Bởi Tướng Giáp là vị tướng huyền thoại mà. Ông không chỉ tự thân là huyền thoại mà còn có khả năng biến thế giới quanh mình thành huyền thoại. Dân đứng đặc hai bên đường tiễn đưa ông, từ Nhà tang lễ quốc gia tới tận sân bay Nội Bài. Dằng dặc 50 cây số người. Bác Nhu, Bí thư Chi bộ Đảng cơ sở, ở sát nhà tôi, nhập ngũ năm 1965, cả một thời vào sinh ra tử, giờ ở tuổi ngoài 70 bác cùng con trai đáp tàu vào Quảng Bình đón Đại tướng. Cũng theo lời bác Nhu, dân đứng chật hai bên đường từ sân bay Đồng Hới về tới tận Vũng Chùa. Lại trên 60 cây số người. Và tôi tin, rất tin rằng, nếu lễ tang Đại tướng cử hành theo đường bộ, dân cũng sẽ ken đặc hai bên đường suốt từ Hà Nội vào đến tận Quảng Bình. Đấy không phải là một huyền thoại ư? Có mấy ai được dân yêu, dân thương như thế?
Một trong những điều lắng đọng nhất vừa qua, đó là khát vọng về người anh hùng, khát vọng về điểm tựa tinh thần, về minh quân- âm ỉ trong nhân dân. Theo anh, giờ đây, làm thế nào để khát vọng đó không chỉ là khát vọng?
Tôi rất đồng cảm với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an, khi ông cho rằng: Tướng Giáp trong những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh, vẫn luôn là nơi gửi gắm niềm tin tưởng tôn kính của người dân cả nước. Khi ông ra đi, chúng ta thấy cả dân tộc yêu thương, gắn bó, tốt lành hơn trong nỗi đau mất mát. Và dù muốn hay không, với bất kỳ ai có lương tri, tấm lòng của người dân đối với Tướng Giáp cũng là sự “thức tỉnh”. Chính sự ra đi của Tướng Giáp sẽ thức tỉnh những người ở lại, tạo một sức đẩy, để Đảng và Nhà nước phải quyết liệt hơn nữa nhằm khắc phục hiện tượng tha hóa trong bộ máy công quyền, đặc biệt những người có chức có quyền, đang từng ngày từng giờ làm xói mòn niềm tin của dân.
Tình cảm, niềm tôn kính của dân đối với Tướng Giáp cũng là lời nhắc nhở người ở lại phải có trách nhiệm lớn hơn nữa đối với Tổ quốc, với nhân dân, sống trong sáng giản dị, sống hết lòng vì dân. Có dân là sẽ có tất cả. Đó là một thông điệp cuối cùng mà Đại tướng muốn gửi lại cho chúng ta chăng? Cần soi vào Tướng Giáp mà sửa lại mình, hoàn thiện mình, nếu không làm được điều gì lớn thì cũng phải là một con người tử tế…
DƯƠNG PHƯƠNG VINH
thực hiện