Giải mã 'nghi án văn chương' thôn Vỹ

Giải mã 'nghi án văn chương' thôn Vỹ
TP - Người giải mã là Hoàng Thị Quỳnh Hoa, cháu gọi bà Hoàng Thị Kim Cúc (người được cho là nhân vật trong bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử) bằng cô ruột, qua tác phẩm Lá trúc che ngang - Chuyện tình của cô tôi.

> Nhà thơ Hữu Thỉnh trả lời về một nghi án văn chương

Lúc đầu tác giả Quỳnh Hoa dự định chỉ viết bài đính chính những sai sót, nhầm lẫn trên báo chí, văn đàn về “nghi án văn chương” Đây thôn Vỹ Dạ. Nhưng rồi bà tuyển chọn thêm một số bài viết, ý kiến của nhiều tác giả, và công bố tư liệu của bà Cúc để khẳng định “thiên tình sử Hàn Mặc Tử và Hoàng Thị Kim Cúc chỉ mới ở mức độ cảm nhận nhẹ nhàng như khói, như sương” (Trần Kiêm Đoàn).

Như nhiều người biết, ở thôn Vỹ Dạ thành phố Huế, có một phụ nữ đôn hậu, sống cuộc đời âm thầm theo triết lý nhà Phật, bỗng trở thành nhân vật gây tranh luận trên báo chí và văn đàn. đến năm 1971 bà mới lên tiếng phiền trách nhà thơ Quách Tấn đã tùy tiện viết về bà và gia đình bà.

Không chỉ Quách Tấn mà sách, báo khi viết về Hàn Mặc Tử đều nhắc mối tình đầu với Hoàng Cúc. Tác giả Chuyện tình của cô tôi khẳng định: “Họ viết những điều họ phỏng đoán mà thôi... Những người bạn thân của thi sĩ cũng không viết một cách hoàn toàn trung thực về cô và Hàn. Ngay em trai thi sĩ là ông Nguyễn Bá Tín cũng có khuynh hướng liêu trai hóa “chuyện tình” của cô”.

Tác giả dẫn thư gửi Hoàng Cúc đề ngày 23/3/1971, Quách Tấn hỏi: “Cô gái Vỹ Dạ trong bài thơ có phải là chị chăng? Và có phải do chị gửi tặng Tử một phiến ảnh chụp bên cạnh một khóm trúc với lời mời về thăm Thôn Vỹ chăng?”. Hoàng Cúc trả lời: “... Bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh, chụp cảnh hoàng hôn trong mưa ở phố. Trong ảnh không có cô gái nào khác cô chèo đò. Cô gái mà ông hỏi đó là sức tưởng tượng của thi nhân...”. “...Ngoại trừ bức ảnh phong cảnh đó và bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” thì Tử và tôi không có thư từ gì cho nhau nữa cả”.

Về câu chuyện cụ thân sinh chê Tử “không đáng mặt đồng sàng” (Quách Tấn viết trên báo Văn số 73/1967) tác giả trích dẫn thư bà Cúc gửi Quách Tấn ngày 15/3/1971: “Thầy tôi vào Qui Nhơn năm 1932 làm việc ở Sở Địa chánh, đến tháng 8/1936 thì về hưu. Như vậy HMT không phải là tùy thuộc của thầy tôi. Vì theo ông (tức Quách Tấn - NV) cho biết thì Tử làm ở Sở Đạc điền. Hai sở này không liên hệ gì với nhau cả. Suốt thời gian ở Qui Nhơn, thầy tôi không hề gặp hoặc biết mặt hay nghe tên tuổi Tử, thì làm gì có chuyện thầy tôi coi Tử không xứng mặt đồng sàng!”. Quách Tấn: “Xin cám ơn chị và sẽ theo tài liệu này sửa lại đoạn văn kia”.

Nhưng lời hứa chỉ là lời hứa! Nhà văn Võ Đình Cường viết: “Những người có liên hệ mật thiết với Hàn Mặc Tử mà chị (Cúc) đã cho biết sự thật, và yêu cầu họ đính chính, thì họ không làm, hay làm ngược lại, gây thêm hỏa mù trong một khung cảnh đã có nhiều “sương khói” làm mờ nhân ảnh”.

Trao tài liệu cho nhà khảo cứu Võ Long Tê, bà Cúc viết vào năm 1987 rằng: “Nhiều năm nay tôi vẫn tâm nguyện giữ kỹ mối tình thầm lặng của nhà thơ, nhất là không muốn phô trương trên mặt báo”. Lý do “bỏ lời nguyền xưa” được bà viết trong thư gửi người anh (thân sinh tác giả Quỳnh Hoa): “Tư liệu đó là của văn học nước nhà, không phải của riêng em, với lại gặp dịp có người đứng đắn, giỏi, ông (VLT) viết rồi dịch qua tiếng Pháp, nên em cho ông mượn tư liệu để ông viết cho chính xác, cũng là cách gián tiếp cải chính sai lầm mà người khác đã viết”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG