Ngô Thảo & chùm lá quế

Ngô Thảo & chùm lá quế
TP - Căn phòng mà Ngô Thảo để lại cho tôi, bốn bức tường vàng chanh ám mùi thuốc lá và mùi rượu lâu năm rất "đặc trưng", khi bước vô đầu tiên ta thấy một chùm lá treo giản dị chính giữa khiến bất kỳ ai đến đây đều tò mò hỏi:"Lá gì?". Tất nhiên tôi vui vẻ trả lời: "lá Ngô Thảo".

> Khai cuộc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Giới chuyên môn nói gì?
> Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ: 10 vở diễn tại ba rạp

Tôi được tiếp quản căn phòng 12 mét vuông mà nhà lý luận phê bình văn học Ngô Thảo từng ở hàng chục năm, trước khi xuất ngũ. Vật dụng đáng kể nhất anh để lại cho tôi là chiếc giường đệm lò so Mỹ và chiếc mâm nhôm méo mó nhưng rất nhiều kỷ niệm của nhà thơ Thu Bồn. Quan trọng hơn cả là một chùm lá quế khô bình thường, được treo ở điểm trang trọng, nó trở nên điểm chú ý đặc biệt, và chính nó đã làm nên cá tính, hay nói đúng hơn, sắc thái của chủ nhân. Anh Ngô Thảo vốn dĩ là người giản dị, hiếu khách, chu đáo, dễ gần. Chùm lá quế khô trong căn phòng nhỏ ấy, giống như một lời mời chào gần gũi, thân thiết, hiền lành và nhu thuận khiến tôi trân trọng "để nguyên như cũ".

 Ngô Thảo luôn là người đi sau, đứng sau bạn bè trong các cuộc vui, nhưng đi trước đứng trước mọi người mỗi khi có "vấn đề" gì. 

Căn phòng ấy nằm giữa dãy nhà cấp 4 dưới giàn nho, phía sau ngôi biệt thự do Nhật xây thời đầu thế kỷ; một ngôi nhà nổi tiếng bởi bên ngoài thì uy nghi sang trọng theo kiểu Á Đông, còn bên trong nó là nơi công tác của nhiều lớp văn nghệ sĩ nổi tiếng. Số 4 Lý Nam Đế.

Ra khỏi số 4 Lý Nam Đế, Ngô Thảo vẫn đi đi về về với bạn cũ, nhất là những ngày Thu Bồn từ trong Nam ra. Tôi cũng chơi với anh Thu Bồn từ hồi ở trại viết Khu V, nhưng phải đến khi về đây, gặp Ngô Thảo thì mới trở nên thân thiết. Tôi chưa thấy ai chiều Thu Bồn như Ngô Thảo, và Thu Bồn cũng gắn bó với anh khiến người đời "bắt thèm". Thu Bồn nổi tiếng thơ hay và cá tính mạnh, anh có mặt ở đâu ở đó trở nên sôi động, thậm chí xáo trộn, nhưng vui vẻ, ồn ào. Phía sau các cuộc vui do Thu Bồn lãnh xướng không thể thiếu sự chăm sóc chu đáo của Ngô Thảo. Thời bao cấp khó khăn mọi bề, Thu Bồn có tài gầy cuộc nhậu, bất kể kinh phí, thậm chí bán xe, bán nhà để có cuộc vui. Anh là người giỏi tay dao tay thớt, thích nấu nướng bày trò nhậu nhẹt, mồ hôi mồ kê, bên cạnh anh bao giờ cũng có Ngô Thảo không nề hà đi chợ, phụ việc, và sắp xếp "chương trình".

Bền bỉ, kiên nhẫn một cách say mê, chiều bạn đi Nam, về Bắc, ấy là Ngô Thảo. Không phải chỉ với Thu Bồn, mà với các anh Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Hoàng Phủ Ngọc Tường, hay với lớp bạn đàn em như tôi và Hùng - kính, Phạm Ngọc Tiến và Phạm Xuân Nguyên, Trần Đình Nam và vân vân, Ngô Thảo lúc nào cũng tận tụy như bà chị. Tôi chơi với anh là chơi theo "ngạch tình cảm" ngoài văn chương. Văn chương dường như rất ít liên quan đến những chuyến đi xa về gần, những "trận" thâu đêm suốt sáng chuyện trên trời dưới bể, những cuộc giang hồ vặt, hay cả những xáo trộn cuộc đời buồn vui chí mạng; hoặc có lúc hể hả phi vụ mọn của thiên trả địa đều đầy ắp những dấu ấn Ngô Thảo. Tôi không bao giờ quên bóng dáng Ngô Thảo và Thái Bá Lợi nửa đêm leo qua cổng khu tập thể vào thăm bà ngoại con gái tôi, trước lúc bà qua đời... trong khi tôi đi công tác Tây Nguyên.

Ngô Thảo viết phê bình thường có nhiều gợi ý và nhiều ý tưởng sâu sắc, nhất là những nhận định chung, không thấy anh tham gia những cuộc "đánh đấm" hay phê phán ai một cách gay gắt, kịch liệt tạo bầu không khí căng thẳng như một vài cây bút phê bình thời ấy, vậy mà chính anh đã từng "xơi đòn" bởi ý kiến khá hay và thẳng thắn dựa trên câu ngạn ngữ của người Nga rằng, một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, còn một nửa sự thật thì không phải là sự thật... Các tác phẩm của Ngô Thảo luôn luôn gắn liền với tình hình thời sự văn học đương đại; là những công trình tập hợp các bài tiểu luận mà anh đề cao sự lăn lộn trong đời sống nhân dân của các nhà văn, nhất là các nhà văn quân đội. Đây cũng là những công trình sưu tầm biên soạn giúp cho các nhà văn có một "cuốn sách công cụ" khi thao tác nghề nghiệp.

"Năm tháng chưa xa" là tác phẩm tập hợp những ghi chép ở chiến trường của nhà văn Nguyễn Thi, đặc biệt bộ sách quý 4 tập: "Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập" do anh sưu tầm và biên soạn về nhà văn tài hoa này. Ngô Thảo cũng đã dày công sưu tầm bộ sách ba tập "Tuyển tập Phan Quang". Anh là nhà phê bình văn học duy nhất để nhiều tâm huyết cho sân khấu. Hơn hai mươi năm lăn lộn với ngành sân khấu, bạn bè bên sân khấu cũng nhiều không kém bạn bè văn chương. Vẫn với tác phong "chính trị viên phó", về đây anh làm Phó tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu, phụ trách Tạp chí sân khấu và Nhà xuất bản.

Công việc chăm lo cho anh em đối với anh là niềm vui, bất kể ở cương vị nào anh cũng "chơi" được: Chăm lo cho các trại sáng tác, các cuộc hội diễn, hội nghị, hội thảo... Sự có mặt của Ngô Thảo bao giờ cũng tạo nên không khí ấm áp tươi vui, không vì danh nghĩa "ưu tú" hay bình thường, đối với Ngô Thảo công việc cơ quan là trên hết. Vậy mà anh vẫn đều đều ra sách: "Như cuộc đời" rồi "Mấy vấn đề của sân khấu Việt Nam trong cơ chế thị trường" và "Mây bay về núi". Các công trình này là những đóng góp thiết thực cho việc xã hội hóa nền sân khấu đương đại của ta trong thời điểm gặp nhiều khó khăn khi vấp phải cơ chế thị trường...

Làm lý luận phê bình, Ngô Thảo luôn luôn có ý thức sưu tầm tư liệu, đặc biệt là làm tư liệu về một cá nhân nhà văn cụ thể. Đó là một công việc thiết thực giúp cho các thế hệ độc giả nhận diện chân dung văn học của một thời. Công việc nhọc nhằn này bộc lộ đức tính cần cù, tận tụy, vô tư như anh từng sống với bạn bè, tự nó nói lên tấm lòng của anh một cách khiêm nhường nhưng đầy trách nhiệm.

Anh luôn luôn là người đi sau, đứng sau bạn bè trong các cuộc vui, nhưng đi trước đứng trước mọi người mỗi khi có "vấn đề" gì. Cái chất sống ấy có lẽ do bản tính một phần, phần nữa do kinh qua chức vụ "chính trị viên phó đại đội" thời trai trẻ, một chức vụ chuyên lo "giải quyết chính sách" và "giải quyết hậu quả", không bao giờ thấy anh kêu ca cằn nhằn, thậm chí đức tính vui vẻ nhận lãnh những vụ việc khó khăn ấy như là tất nhiên khiến tôi nhiều lúc cáu bẳn: "Bác cứ tự lấy dây buộc mình!".

Có lẽ việc chăm lo hiếu hỷ cho mọi người không mấy ai chu tất bằng Ngô Thảo. Anh không chỉ đứng ngoài thắp hương chắp tay khấn vái mà sẵn sàng nhào vô với những công việc khó khăn nhất một cách tự nhiên, coi công việc ấy là công việc của mình, như là việc ấy ngoài mình ra không ai lo được. Nhảy xuống sồng Hồng vớt cháu Huỳnh con nhà văn Nguyễn Khải bị chết đuối, rồi lo tắm rửa khâm liệm cho cháu...

Cuộc đời không phải lúc nào cũng công bằng. Nhà thơ Thu Bồn mất cháu Thảo Nguyên với căn bệnh máu trắng, di hại của chất độc da cam, những ngày đau thương của bạn chính là nỗi đau mất mát của Ngô Thảo. Ngô Thảo như người cha của cháu, khi cháu qua đời. Rồi đến cả Thu Bồn lâm bệnh, Ngô Thảo là người thay quần áo, nâng giấc cho bạn trước khi bạn lâm chung.

Chúng tôi hay nói đùa với nhau, anh em mình làm "phu đòn" đưa các nhà văn đàn anh về cõi vĩnh hằng. Ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế hồi ấy, những việc hiếu hỷ, nhất nhất không thể thiếu Ngô Thảo, mà lỡ có thiếu vì lý do gì bất khả kháng thì mọi người trở nên dớn dác như đoàn quân mất người chỉ huy, mất vị trưởng tràng cầm trịch.

Bây giờ có tập bản thảo tiểu luận phê bình văn học của anh dày và nặng trên tay, cái bóng lụi cụi trước đèn của Ngô Thảo hiện lên cùng các con chữ trĩu tình đồng đội, trĩu tình đồng nghiệp. Anh viết văn phê bình, tự anh thấy nó khô khan, nhưng đọc anh ta cảm nhận được rất rõ những trăn trở nghề nghiệp, những xáo trộn trong lòng, những khát vọng đổi thay và cái cao hơn, dễ nhận ra hơn cả đằng sau các con chữ, ấy là bản tính nhu thuận không giới hạn, nó bình dị như chùm lá quế khô treo trên bức tường căn phòng nhỏ, không hề có vẻ gì đặc biệt.

Ấy là Ngô Thảo.

Trung Trung Đỉnh

Người sung sướng và hồn nhiên

Ngô Thảo & chùm lá quế ảnh 1
 

Nhiều người coi Ngô Thảo là “cha đẻ” của BHD, công ty truyền thông tư nhân vào hàng mạnh nhất hiện nay ở nước ta. Cái tên BHD gắn với nhiều bộ phim, nhiều chương trình truyền hình được yêu thích: “Cô gái xấu xí”, “Bỗng dưng muốn khóc”, “Vietnam’s Got Tallent”, “Chiếc nón kỳ diệu”…gần đây nhất là bộ phim “Lửa Phật”. Hai cô con gái của nhà phê bình đều giữ hai vị trí quan trọng ở công ty: Ngô Thị Bích Hiền giữ vai trò Phó chủ tịch, kiêm giám đốc chi nhánh BHD TP Hồ Chí Minh. Ngô Thị Bích Hạnh, giữ vai trò giám đốc BHD Media. Chồng của Ngô Thị Bích Hạnh chính là Nguyễn Phan Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BHD. Chỉ có người con trai của Ngô Thảo - Ngô Vĩnh Hoàng - không tham gia vào công ty gia đình, hiện anh đang làm tư vấn cho một khu du lịch. Bản thân Ngô Thảo giữ vị trí cố vấn nghệ thuật cho công ty. “Bà xã” Vũ Thị Bích Lộc, giữ vai trò “tay hòm chìa khoá” của BHD. Cuộc hôn nhân của nhà phê bình sắp tròn nửa thế kỷ. Không ít người phong BHD là “đại gia” trong ngành truyền thông, còn Ngô Thảo nói: “Chúng tôi là một gia đình chăm chỉ lao động thôi, giàu có chẳng bằng ai, chạy quanh năm, không có thời giờ nghỉ ngơi, chẳng sung sướng gì”.

Ngô Thảo tâm huyết với những tập sách làm cho bạn bè. Tập “Thu Bồn: Tráng sĩ hề dâu bể”, do ông chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức in ấn, phát hành, đến nay đã thu được vốn và có “chút đỉnh” giúp đỡ cho con Thu Bồn đang bệnh. Toàn tập Nguyễn Thi, tái bản, có bổ sung, sẽ ra mắt trong tháng tới. Toàn tập Nguyễn Thi ước khoảng 3.000 trang. Gia đình tác giả “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” cũng nhờ Ngô Thảo làm sách. Hai tập di cảo Nguyễn Trung Thu chính là tấm lòng của nhà phê bình gửi người bạn đã khuất.

Được nhiều bạn bè trong giới sáng tác yêu quí, không phải vì Ngô Thảo khéo mà vì ông rất biết “gạn đục khơi trong”: “Mình thường trực tình yêu với văn chương, thấy người ta làm được thì mừng thôi, ít nhìn tới những thứ người ta không làm được, ai chẳng có khuyết tật, mình không mấy khi nhòm chỗ ấy, chỉ nhòm điểm sáng. Mình luôn có tâm thế của người sung sướng và hồn nhiên. Làm phê bình nhưng mình luôn xem nghệ thuật rất hồn nhiên. Vì thế mình sung sướng hơn những người quá thông minh, sắc sảo chăng?”, Ngô Thảo nói vui.

Người trong giới đều biết, Ngô Thảo mắc bạo bệnh nhưng nay đã tạm thời đẩy lùi căn bệnh quái ác. Một số anh em bảo: Ngô Thảo sống lành nên được trời thương. Mới rồi, Hội nhà văn Việt Nam đưa ông vào danh sách nhận hỗ trợ vì hoàn cảnh khó khăn (bệnh tật). Một người như Ngô Thảo không bao giờ lại ký vào đơn nhận trợ cấp. Một lần cùng ông đến thăm gia đình Nguyễn Thi, ông mừng rỡ khi thấy con trai của cố nhà văn đã chiến thắng cám dỗ cuộc sống, trở về với đời sống bình thường. Ông rút từ trong cặp sách ra một phong bì đưa cho con trai cố nhà văn: “Đây là nhuận bút bác mới lĩnh, cháu cầm lấy”. Ra về, vợ Nguyễn Thi tiễn nhà phê bình ra tận ngõ, vừa đi bà vừa thì thầm với tôi: “Trên đời này, chẳng ai tốt như Ngô Thảo đâu. Hiếm lắm”.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG