Vẻ đẹp tươi mới của cô bé “tương lai”

Vẻ đẹp tươi mới của cô bé “tương lai”
TP - Hôm nay, 18/8, tại Hà Nội khai mạc một triển lãm lạ. Lạ ở chỗ hơn 120 bức ảnh được tuyển chọn từ hàng ngàn bức ảnh, được chụp trong hơn một năm ròng chỉ với một “người mẫu” là một em bé. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Kotori Kawashima, tác giả của triển lãm này khi anh vừa có mặt tại Hà Nội.

> Ảnh khỏa thân kiểu mới
> Triển lãm ảnh Vespa tại Ngôi nhà Ý

Triển lãm mang tên “Mirai-chan cô bé má hồng phúng phính” tại Trung Tâm văn hóa Nhật Bản, 27 Quang Trung, Hà Nội từ 18/8- 5/9. Những bức ảnh này có mặt trong cuốn sách ảnh “Mirai-chan” được bán rất chạy, với hơn 100.000 bản kể từ tháng 3 năm 2011.

Xin anh nói rõ hơn về em bé “người mẫu” Mirai-chan?

Mirai-chan là tên tôi đặt cho cô bé. “Mirai” trong tiếng Nhật có nghĩa là “tương lai”, còn “chan” là cách gọi ai đó một cách thân thiện. Bé là con gái người bạn của tôi, sống đảo Sado, tỉnh Nigata, miền Bắc Nhật Bản. Khi tôi bắt đầu chụp ảnh, bé mới chỉ 2-3 tuổi.

Điều gì đã thôi thúc anh chụp hàng ngàn bức ảnh về cô bé ấy, ròng rã hơn 1 năm từ cuối năm 2009 đến tháng 1/2011?

Đối với trẻ con có nhiều lần đầu tiên lắm. Ví dụ như lần đầu tiên đi bơi, lần đầu tiên gặp cái gì đó. Với lần đầu tiên ấy, lúc nào cảm xúc cũng rất mãnh liệt và khó quên, rồi sau đó, dần dần ta bị quên đi. Tôi muốn truyền đạt cảm xúc mãnh liệt của Mirai-chan qua ảnh, và muốn đánh thức những cảm xúc tươi mới vốn có trong mỗi người. Hơn nữa, ngôi nhà của em bé được xây từ hơn 100 năm trước, là ngôi nhà cổ. Hiện nay những đứa trẻ sống ở ngôi nhà cổ như thế rất ít.

Tác phẩm của Kawashima
Tác phẩm của Kawashima.

Anh cảm thấy như thế nào trong những phút bấm máy chụp hình Mirai-chan?

Tôi có cảm giác như chụp động vật (cười). Mọi hoạt động của bé rất nhanh chỉ thoáng qua một giây, tôi luôn cầm máy ảnh chạy theo chân bé mọi nơi. Ở Mirai-chan, tôi thấy một năng lượng sống rất mạnh mẽ, đặc biệt tỏa ra trong ánh mắt bé. Em ấy muốn làm gì là làm luôn, không suy nghĩ: lúc ăn, khi ngủ, phút khóc hay cười… bất kỳ hành động nào đều rất tự do.

Có những cú bấm máy tôi thấy tiếc vì không chụp được, và vì tiếc quá nên tôi không muốn nhớ nữa. Tuy nhiên, khá nhiều cú bấm tôi hài lòng, như bức ảnh em đứng trước biển, phía sau em là dấu chân trên tuyết. Bức này thể hiện được suy nghĩ của tôi. Em đứng đó, giống như hướng về tương lai.

Anh có ngụ ý gì khi chụp hình một cô bé cả 4 mùa trong năm với sự thay đổi của thời tiết?

Thời điểm tôi bắt đầu chụp là mùa đông trên đảo Sado. Ở đó, tuyết rơi nhiều, trong khi ở Tokyo thì không có nhiều tuyết như vậy. Tôi nảy ra ý tưởng chụp ảnh từ mùa đông năm đó đến mùa đông năm sau để xem sự mới lạ thế nào khi thời gian biến đổi. Ở Nhật, bốn mùa có sự thay đổi rất khác nhau. Ở vùng nông thôn, sự phân biệt mùa rõ rệt khiến tôi thấy thú vị.

Cô bé có trở nên ngại hay thích chụp ảnh hơn qua một thời gian dài như thế?

Mirai-chan rất tự nhiên trước ống kính, dù em biết có người chụp nhưng vẫn rất thoải mái, không cố ý “tạo dáng”. Thời điểm đầu tôi gặp khó khăn trong việc nắm bắt hoạt động của cô bé, nhưng sau đó tôi đã quen dần bằng cách chơi cùng bé.

Bố mẹ của cô bé là bạn anh, nhưng họ có phiền gì với một quá trình dài sáng tác của anh?

Tôi không hề gặp khó khăn nào. Bố mẹ cô bé còn giúp cho tôi chụp ảnh, tạo điều kiện hết sức cho tôi. Biết tôi làm tác phẩm, họ động viên và ủng hộ tôi nhiều. Tôi sống cùng gia đình có trẻ em nên rất quy củ, sáng dậy đúng giờ nhất định, tối đi ngủ sớm, ăn uống có lợi cho sức khỏe. Thời gian ở đó tôi thấy sức khỏe tốt lên.

Khi chụp ảnh cô bé, anh có hướng đến việc in sách và hình dung được phản ứng của khán giả sau đó?

Lúc đầu tôi chỉ chụp để triển lãm, không nghĩ sẽ in sách. Sau 3 tháng chụp ảnh mùa đông đầu tiên, tôi đã tự bỏ tiền ra để in tập sách ảnh nhỏ với 50 bức ảnh. Sau đó nhà xuất bản xem thấy thích và nói với tôi là muốn in sách ảnh. Tôi đồng ý và tiếp tục chụp ảnh trong 1 năm. Cuốn sách ảnh hoàn thiện với 200 bức ảnh.

Sau khi xuất bản, trong vòng 2,5 năm tôi được mời triển lãm ảnh 10 lần. Tôi thấy người xem thích thú. Đó cũng là cảm hứng khiến tôi thích chụp ảnh nhiều hơn. Năm 2011, tôi được nhận giải thưởng về Văn hóa xuất bản lần thứ 24 của Kodansha dành cho mảng nhiếp ảnh với tác phẩm “Mirai-chan” này.

Dự án nghệ thuật sắp tới của anh là gì?

Hiện tại, tôi đang thực hiện một chùm ảnh tại Đài Loan, nhưng chụp nhiều người chứ không phải một người. Với tôi, để chụp một bức ảnh đẹp điều cần có đó là tình yêu. Kỹ thuật, kiến thức hiểu biết về ảnh phải nắm chắc nhưng không có cảm xúc thì chưa thể là một tác phẩm.

Xin cảm ơn anh!

Kotori Kawashima
Kotori Kawashima.

Kotori Kawashima sinh năm 1980 tại Tokyo. Anh tốt nghiệp ngành Văn học Pháp, khoa Khoa học Nghệ thuật, trường Đại học Waseda. Năm 2006, Kotori Kawashima nhận được giải Nhất tại giải thưởng Itaru Hirama cho tác phẩm đầu tay “BABY BABY”, chùm ảnh cô bạn của anh. Tập ảnh cũng được xuất bản thành sách ảnh cùng tên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.