Gặp lại ni cô Huyền Trang trong 'Biệt động Sài Gòn'

Gặp lại ni cô Huyền Trang trong 'Biệt động Sài Gòn'
Đã trên 30 năm nhưng tình cờ gặp ni sư Huyền Trang dạo cảnh, lạy Phật trong chùa, nhiều người vẫn nhận ra bà.

Gặp lại ni cô Huyền Trang trong 'Biệt động Sài Gòn'

> Chuyện giờ mới kể về Biệt động Sài Gòn 

Đã trên 30 năm nhưng tình cờ gặp ni sư Huyền Trang dạo cảnh, lạy Phật trong chùa, nhiều người vẫn nhận ra bà.

Ni cô Diệu Thông thời trẻ...- Ảnh: T.D
Ni cô Diệu Thông thời trẻ...- Ảnh: T.D.
 

Phim Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân công chiếu vào những năm 1980 được khán giả náo nức xem. Vì thời điểm ấy có ti vi trắng đen là cả gia tài nên nơi nào mở thì cả xóm bâu lại xem. Theo trí nhớ của nhiều người, vào những ngày tết của những năm 1983 - 1986, lũ trẻ không đi chơi do ghiền phim Biệt động Sài Gòn được phát sóng liên tục trong 7 ngày tết.

Lúc đó, khán giả rất ấn tượng với nhân vật ni cô Huyền Trang do Thanh Loan diễn. Một phần do Thanh Loan quá đẹp, một phần do ni cô làm biệt động thật phi thường. Phim gồm 4 tập và ở tập kết Trả lại tên cho em khán giả tiếc ngẩn ngơ vì ni cô Huyền Trang đã hy sinh trong trận đánh.

Bần ni đã 83 tuổi

Nhưng ngoài đời thực ni cô Huyền Trang không chết. Bà hiện diện trước mắt chúng tôi trong nếp áo nâu sồng. Đã cao tuổi nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh, dáng khỏe mạnh tuy gầy rạc do đau yếu triền miên. Nhiều người không ngờ trong ngôi chùa Thất Bửu ở thị trấn An Châu (H.Châu Thành, An Giang) này lại là nơi ni sư nương náu những ngày cuối đời.

Nghe gợi lại chuyện xưa, ni sư Huyền Trang chắp tay: “Mô phật, Huyền Trang trong phim về cõi Phật, nhưng Huyền Trang ngoài đời còn nặng nợ cửa thiền”. Rồi bà nói do trong phim Huyền Trang và Ngọc Mai cùng yêu Tư Chung nên đạo diễn “bí” lối đã cho Huyền Trang chết, vì không thể nào giải quyết cho Tư Chung hai vợ bởi trong phim Tư Chung và Ngọc Mai đóng trá vai vợ chồng. Rồi nhẩm tính bà ngậm ngùi: “Bần ni đã 83 tuổi, còn lại một mình trong khi bè bạn đồng đội xưa là những người ngoài đời trong Biệt động Sài Gòn đã đi vào cõi hư vô”. Bà kể trong phim có đoạn Huyền Trang ngả đầu vào vai Tư Chung là chi tiết hư cấu khiến bà mang tiếng oan Thị Kính.

Đơn giản bà không có tình yêu nam nữ bởi đã hướng vào cửa thiền nên làm gì nghĩ đến yêu đương. Lúc bà còn nhỏ, cha bà tu trên núi Cấm (An Giang), mẹ thì đi tu ở ngôi chùa tại TX.Sa Đéc (Đồng Tháp). Bầy con còn nhỏ, trai theo cha, gái theo mẹ tu hành. Sau đó do giặc đốt chùa trên núi Cấm nên cha bà chạy về chùa Thất Bửu ở An Châu tiếp tục đường đạo. Vì thế với Thất Bửu bà có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu nên cuối đời trong quạnh quẽ tìm về nơi xưa.

Rồi bà nhớ lại, khi khởi quay phim Biệt động Sài Gòn, diễn viên Thanh Loan có gặp bà chụp ảnh lưu niệm. Gương mặt hai người mang nét phảng phất giống nhau, nhưng Thanh Loan đẹp sắc sảo hơn. Khi đó bà đã hướng dẫn Thanh Loan nên quỳ vái lạy như thế nào cho tư thế đúng với người nhà Phật. Bà kể: “Thí chủ Loan đóng phim hay quá, gương mặt bần ni và thí chủ hao hao nhau nên ngoài đời ai gặp bần ni cũng nhận ra là ni cô Huyền Trang. Thực ra phim có vài chi tiết hư cấu so với đời thực bần ni nhưng vẫn chấp nhận được, ngoại trừ chi tiết yêu Tư Chung. Bần ni nhớ ngoài đời đánh nhau ác liệt lắm, đau thương hơn so với cảnh trong phim”.

Cũng vì có gương mặt hao hao như Huyền Trang nên ngoài đời bà “chết danh” luôn với tên gọi Huyền Trang, dù pháp danh của bà là Diệu Thông, tên đầy đủ là Phạm Thị Bạch Liên.

 ... và bây giờ - Ảnh: T.D
... và bây giờ - Ảnh: T.D.
 

Quay về chốn xưa

Ngồi nói chuyện mà bà cứ ho liên tục, dáng điệu mệt mỏi. Những người tình nguyện chăm sóc bà cho biết mấy ngày nay bà yếu hẳn, tăng huyết áp và đang tính đi khám ở Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM. Nghe lũ cháu nói, bà cười héo hắt: “Bệnh viện Nguyễn Trãi là ngôi nhà thân thiết của bần ni bởi đi khám bệnh riết ai cũng biết danh Huyền Trang trong phim xưa đang đau yếu”. Vì nhận ra bà nên các bác sĩ quan tâm chăm sóc tận tình, trong đó có bác sĩ Tùng (vừa về hưu) khi còn là sinh viên đã được bà nuôi và che chở ở chùa Tam Bảo, TP.HCM.

Rồi bà đưa tôi xem những bài thơ ngắn viết không vần không điệu và nói đó là những gì bà viết để cảm tạ cái tình của những người bình thường từng chăm sóc, lo cơm nước khi bà đau ốm dù chẳng có họ hàng chi sơ. Nhớ lại chuyện xưa, bà trầm ngâm: “Anh em bần ni 12 người nối gót song thân bước vào đường tu, huynh muội dần dà mất hết, bây giờ bần ni chỉ còn người anh thứ 8 đang tu ở Q.Gò Vấp, TP.HCM và hai người chị đang tu tại gia, nay sớm hôm cô quạnh, tuổi già sức yếu nên thỉnh thoảng mới gặp nhau”.

Dằn cơn xúc động, bà nhớ lại năm 7 tuổi xuất gia, sau đó ra Huế tiếp tục học đạo lấy pháp danh Diệu Thông. Năm nọ ở Huế xảy ra lũ lụt khiến dân đói, ni cô Diệu Thông cùng các ni cô khác theo đoàn xe đi tiếp gạo cho dân và bộ đội. Sau đó giặc nghi ngờ nên Diệu Thông trở về Sài Gòn vào tu ở chùa Bổn Nguyện (sau bị giặc đốt các ni sư đã xây lại thành chùa Tam Bảo) lại chứng kiến đồng bào sống khổ nhục, trẻ em mồ côi do loạn lạc chiến tranh đã khiến bà không đắn đo thành chiến sĩ tác chiến nội thành của Đội Biệt động thành F100. Bà vừa mặc áo nâu sồng vừa đi bán nhang do thám, trinh sát lấy tin tức vừa làm nhiệm vụ dẫn đường...

Nhắc chuyện xưa bà nghẹn ngào: “Hai nữ tu cùng chùa với bần ni và cùng tham gia biệt động là Tám A và Ngoan đã hy sinh trong trận đánh. Còn chùa Tam Bảo giặc phát giác là nơi chiến sĩ ẩn thân nên phá, lấy đất chùa bán cho dân xây nhà...”.

Bà tâm sự gần đây đã nhận nhiều con nuôi, cháu nuôi. Vì mến mộ Biệt động Sài Gòn mà những đứa con, đứa cháu lo cho bà như người ruột thịt.

Theo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG