> Sói Biển
> Gã độc thân
Hoàng Phượng Vỹ không chơi thành ngữ tiếng lóng kiểu Ế trong tư thế ngẩng cao đầu. Kiểu của anh là kiểu thịnh hành một thời, ví dụ muốn nói về sự tốn kém, người ta nói “Lục Tốn”, “Đa Tốn”, khen cô gái “trẻ măng-tô-san”, “trẻ măng-đô-lin”.
Gọi chàng nọ là “huyền thoại hồ núi Cốc”- ám chỉ chuyện đào mỏ, chuyên cốc tiền phụ nữ. Vân vân. Hoàng Phượng Vỹ đặc biệt thích đính kèm danh nhân, danh tác, danh thắng…, với kho từ vựng cực phong phú. Trong câu chuyện anh gọi kiểu nói của mình là “lóng này”.
Giới trẻ bây giờ không lóng như anh đâu. Họ nói kiểu hiệp vần- Nhục như con trùng trục; hoặc cải biên tục ngữ thành ngữ, câu văn thơ quen thuộc: “Chữ xăng liền với chữ tăng một vần”. Anh thấy kiểu này thế nào?
A, xăng và tăng. Giooc-giơ-xăng và Sa-tăng (George Sand, Satan). Cũng vui.Tôi ít tiếp xúc giới trẻ nhưng biết kiểu nói này đang thịnh, in sách hẳn hoi. Xã hội dân chủ thì cứ để thoải mái, hại gì đâu.
Bệnh nghiện lóng của anh khởi phát bao giờ?
Từ hồi học Kiến trúc, 30 năm rồi. Tôi chỉ kế thừa nhưng khi trào lưu đấy ngoẻo thì tôi vẫn tiếp tục, rất chi Kép Tư Bền.
Mỗi lần gặp có cảm giác trí lự của anh đổ hết vào chế tác, biểu diễn tiếng lóng. Như thế có phải phí lắm không?
Theo tôi người ta thích nói lóng vì ngoài chuyện nó vui, còn có bóng dáng của phản kháng. Phản kháng lại sự giáo điều, cứng nhắc Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ
Hầu hạ cho bạn bè vui cũng là một sự nghiệp! Phải rất thú chính mình thì mới truyền được thú vị cho người khác. Bao người thú vị bản thân mà chả lây nổi sang người khác. Vì nói lóng, nó phải duyên. Kiến thức phải rộng, trí nhớ tốt. Vùng sử học vùng địa lý cứ là phải mênh mông. Phải khổ luyện chứ chả có gì bỗng dưng. Mình cũng thích Gala cười, dâng hiến cho bạn bè, biến mình thành spa di động để mọi người chè tươi.
Anh thấy nơi khác có hay nói lóng hay đây là đặc sản Hà Nội? Và anh thử hệ thống hóa cách mình nói?
Chắc vùng nào cũng có nhưng Hà Nội tập trung dân tứ xứ thành ra rộ nhất. “Hết sẩy, hết ý” tràn từ miền Nam ra hồi đầu giải phóng nhưng đề- mốt-đê nhanh lắm.
Về “phương pháp luận”, chỉ đơn giản là nghĩ nhanh rồi bật ra. Có khi chỉ một chữ nhưng tôi đi rất xa, rồi lại kéo nó về. Ví dụ tôi muốn chị cầm ly nước, thì tôi bảo Hoàng Cầm đi, hoặc tác giả Bên kia sông Đuống đi! Phải bật rất nhanh, đánh rất trúng, có tiết tấu, bổng trầm nặng nhẹ. Và phải sầu riêng, có nét riêng. Vừa là sự nghiệp vừa là chân dung, đâu chỉ mắt mũi mồm mới là chân dung!
Giới của anh hoặc bạn bè nhiều người sái nghiện như anh không?
Ngày xưa có thấp thoáng. Nhưng mỗi tôi chung thủy nên mọi người tưởng tôi tiên phong và sau cùng.
Nhiều người nói nhưng mỗi người một kiểu, cũng như phong cách trong nghệ thuật. Phải sắc, nét, sâu. Như mũi khoan, đi mãi đi mãi.
Để nói lóng anh còn phải tinh tế, tâm lý. Đối diện ai thì nói cái gì. Vẫn là mình nhưng nhánh rẽ khác nhau, với già trẻ lớn bé, nam nữ- khác nhau. Cùng thế hệ nhưng cá tính mỗi người mỗi khác nên mình nói phải rất khác.
Bây giờ nhiều kiểu lóng nhưng tôi có mỗi kiểu của tôi. Coi như chơi đồ cổ. Chả thấy ai chơi kiểu tôi nữa. Mỗi lần tôi nói thì mọi người cũng cuốn theo 1-2 câu, để bộc lộ tình cảm với mình là chính.
Thấy vẫn đầy người theo trường phái này đấy chứ. Bàn (bạc) thì bảo là bóng bàn; chê ai dát: Tếch Dát (Texas); đau Giăng-van- Giăng (Jean Valjean)…
Có câu nào rất buồn cười của anh nhưng bị lầm là “dân gian” hoặc ngược lại? Như Bút Tre cũng lẫn lộn giữa “huyền thoại và sự thật”. Hay Xuân Sách được gán thơ chân dung không phải của ông, chẳng hạn thơ trêu Nguyễn Tuân: “Một mắt lư đồng một mắt cua/Chém treo ngành toàn chém a dua/Hà Nội đánh Mỹ giỏi, thua bác/Cả đời ăn phở chẳng cần mua”.Trêu Phạm Tiến Duật: “Cái vết thương xoàng mà dám bảo là vầng trăng quầng lửa”... Thực chất nó là của Trần Mạnh Hảo, học thơ chân dung Xuân Sách.
Lóng của tôi cũng có bị lẫn giữa huyền thoại và sự thật nhưng thôi, cuộc đời cống hiến rồi đi vào vô tăm tích. Cũng như vẽ, cho mình thú, khoái, không phải vẽ để bất tử.
Mọi người nghe anh có thích thú cả không, hay…
Lóng này chỉ vui, không làm tổn thương ai. Nếu có, chỉ thon thót một chút, không gây đau đớn. Con người ta sinh ra đã đau đớn rồi, mỗi người đau đớn một vùng khác nhau còn đậu tương thêm làm gì.
Thế có ai kêu anh nhảm, tỏ thái độ không thích?
Kêu rồi, kêu nhiều rồi. Bảo như nói tiếng địch, cứ phải phiên dịch! Bảo ông hài hước là với người bắt được tần số thôi còn tôi nghe mệt cả đầu!
Thời trẻ anh tự hào “Khen Vỹ đẹp giai bằng khen nước biển mặn, khen Trung Quốc đông dân”. Giờ thấy anh “mười phần xuân đã gầy bảy tám phần”, không chỉ ba bốn. Nét hơi Tây của anh là lai bố hay mẹ?
Tô Đông Pha (!) Giới họa sĩ thường vợ đẹp, khác hẳn nhà văn. Trong số vợ nhà văn thì mẹ tôi còn thuộc loại tươm. Nhưng cũng kiểu đồng quê thôi.
Giới họa ngoài vợ đẹp- càng tập sau càng đẹp, còn tỏ ra lợi khẩu, hiểu biết khá toàn diện?
Tôi cho rằng đó là bởi họ ra đời sớm, hành nghề tự do nên cá tính đẩy lên, rõ trong sáng tạo và ngoài đời. Nhiều người thích trò chuyện với họa sĩ bởi họ không rào đón. Không nói tài hơn nhưng cá tính Phạm Sư Mạnh hơn giới khác. Cái cá nhân, cá tính mà tôi nói nó gồm cả hay lẫn dở.
Trí nhớ của anh “bệnh hoạn” đến đâu?
Di căn rồi. Mà phải nhớ, chứ nói đi nói lại chán lắm. Nói tiếng lóng cũng như sự trau dồi cho mình. Quanh đi quẩn lại có chục câu trăm câu thì ai người ta thích. Người ta sốt ruột chứ. Trên đời này có mỗi câu anh yêu em em yêu anh là người ta thích mãi thôi.
Anh thích lóng nhưng với người không hiểu, thì sao đây? Chẳng hạn anh nói Đa-xa-ép (chỉ sự ép uổng) với người chẳng xem bóng đá thập kỷ 80 thì bó tay.
Tôi phải tùy đối tượng mà nói chứ! Ví dụ với người am hiểu văn học thì tôi dùng danh tác, danh gia và điển cố văn học, các danh họa tôi phải bỏ đi chứ. Với họa sĩ tôi bớt văn học đi mà phải lôi trục dọc hội họa- chuyên môn hẹp ra thì họ mới ngạc nhiên, òa vỡ!
Ở đám đông nhiều ngành nghề, được người này hỏng người kia thành ra muốn chạm tới mẫu số chung thì phải là danh nhân ai cũng biết.
Có người thích kiểu nhè nhẹ nhặt khoan. Có người lại phải phũ, phê. Có người ưa ngắn, kiệm, nốc-ao. Ôi Đặng Tất!
Nhà văn Việt Nam nhiều người trà dư tửu hậu cũng hóm hỉnh duyên dáng lắm nhưng sao viết lách khó đăm đăm và văn học Việt Nam nói chung ít cười?
Đúng, toàn anh hùng cửa khẩu. Chỉ được cái mặt miệng còn viết, cứ gọi là Nguyễn Tư Nghiêm.
Ở đời này người ta sợ nhất tiếng cười. Nếu anh phê phán thì anh bị lộ đề, ăn đòn. Còn khi anh hài hước thì nó sâu cay, không ai làm gì được. Biến cái quan trọng thành hài hước thì kinh nhất! Nếu phê phán tức là biến cái quan trọng thành cái quan trọng khác. Đằng này biến cái phi thường, tưởng như phi thường thành bình thường.
Gặp, nghe đến câu thứ hai mà chưa thấy “lóng”, ngỡ như không phải Hoàng Phượng Vỹ. Anh tỉnh queo chèn, đệm, phác họa chân dung- như tả Hồng Nhung (ca sĩ): “2 tuổi mẹ bỏ đi, bố để vạ vật, gì mà hát ‘Papa’ chả hay”. Vào quán gọi “bia hơi Nguyễn Việt Hà” (trêu nhà văn cùng tuổi Nhâm Dần). Khen Việt Hà sống với bạn “nồng nàn nên mới hay cướp diễn đàn”... Có nhà phê bình mỹ thuật viết: “Hoàng Phượng Vỹ là đại diện chủ nghĩa Naive (ngây thơ) của hội họa Việt Nam. Anh thuộc số ít họa sĩ giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế”. Nhà phê bình khác nhận xét tranh anh “cô đọng như một câu thơ ngắn, chỉ vài lời nhưng không kém vần điệu và gợi tình”. Phải chăng cũng bởi “ngây thơ, cô đọng, gợi tình” mà anh nghiện cách nói “không chính thống”, lấy sự ngộ nghĩnh và hàm súc làm trọng. Hoàng Phượng Vỹ kể cha anh- Hoàng Trung Thông, Viện trưởng Viện Văn học một thời, đặt tên con rất “sến”, toàn tên hoa: Phượng Vỹ, Hướng Dương, Bích Hồng, Bích Liên... Sống trong bầu không khí văn nghệ, với ai anh cũng có góc nhìn riêng. Chẳng hạn Vũ Quần Phương vẹn cả gia đình lẫn sự nghiệp bởi “xuất thân bác sĩ, có tí khối B- Toán Hóa Sinh, tỉnh đòn hơn hội khối C”. Họa sĩ Phùng Quốc Trí “hay nhưng là kiểu thơ Trúc Thông- “Chầm chậm tới mình”, trong khi ông em họ- họa sĩ Lê Thanh Sơn lại là Nguyễn Đức Nhanh, thoăn thoắt, ngang Lượm”. Đỗ Hoàng Diệu thì là một ca “ở liều gặp lành”- “viết Bóng Đè như thế thì rõ liều, Tạ Quang Bạo còn gì”. Nhớ lại, mới ngày nào cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” vừa ra mắt đã bị thu hồi. Nay “Phê như con tê tê”- chính là “Sát thủ đầu mưng mủ” có bổ sung, vừa tái bản lượng lớn. Quan niệm về tiếng lóng có vẻ ngày càng thoáng. Gần đây, nổi lên một dự án tên là “Không còi” do Hãng Ford tài trợ, kêu gọi cả xã hội tuân thủ luật giao thông. Dự án này được cổ động dưới hình thức thời thượng: Giới trẻ tung các câu tiếng lóng lên mạng, còn họa sĩ Nguyễn Thành Phong minh họa chúng khá dí dỏm: Lái xe nghe điện, nhân tiện hôn đường; Chồng lái lụa, vợ góa bụa; Đi một ngày đàng hít một sàng khói; Xe yêu xăng xe mến xăng- Dù mỗi lần xăng hét xe run; Chiều chiều ra đứng ngõ sau-Trông ra ngoài phố còi đau hết đầu… “Ta như chim trong tiếng Việt như rừng” (Thơ Lưu Quang Vũ). Từ lâu, tiếng lóng đã trở thành một bộ phận của ngôn ngữ, thậm chí một bộ phận thú vị trong trường hợp nó làm phong phú thêm tiếng Việt cực kỳ giàu có và biểu cảm của chúng ta. Vẫn Lưu Quang Vũ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/Óng tre ngà và mềm mại như tơ/…Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/Như gió nước không thể nào nắm bắt/Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh”… Giới trẻ chơi tiếng lóng bây giờ cũng như Hoàng Phượng Vỹ ngày xưa, đầu tiên có thể do mốt, sau dần lụi đi hoặc trụ lại nhưng điều có thể tin được đó là xuất phát điểm của họ cũng chỉ bởi tình yêu tiếng Việt mà thôi. |