Đỗ Hoàng Diệu có còn nổi loạn?

Đỗ Hoàng Diệu có còn nổi loạn?
TP - Tác giả Bóng đè bây giờ là người mẹ hai con, cuộc sống êm đềm ở Mỹ. Chị có nhiều chuyện để chia sẻ không chỉ hạnh phúc riêng tư - trong chuyến về thăm nhà lần này.

> Tôi xem nhạc Việt ở San Jose
> Ngọc Hân xinh đẹp khi lần đầu làm ca sĩ

Cuộc sống của chị ở Mỹ có dễ chịu? Hai cháu Asa, Thomas đều phải chơi song ngữ à?

Chị thừa biết, cái gì cũng có hai mặt của nó. Ở Mỹ từ khí hậu, môi trường cho tới người xung quanh đều rất hòa bình. Không giống tý nào với khủng bố, giết người rùng rợn mà báo chí hay bầy ra, đúng không? Nói chung là dễ thở.

Chỉ tội vất vả. Quần quật từ tinh mơ cho tới nửa đêm với hai “ác quỷ” nhỏ. Ngày còn ngụ ở xóm Hạ Hồi mới có mình Asa, tới hai người giúp việc vẫn chưa yên tâm. Bây giờ chỉ một mình. Chị nhìn tay tôi đi. Băm thịt, thái rau, hút bụi…Tất bật suốt ngày, còn đâu “năm ngón thanh tao, nhỏ nhắn lạ thường”. Ấy là chưa kể tóc thì bạc, răng thì lung lay. Bạn bè kể cả người thân, chẳng ai tin được là tôi biết lao động!

Bù lại, ngắm thành quả tự tay mình chăm chút mỗi ngày, thấy sướng. Có phải làm kiếp trâu kiếp bò vẫn OK. Asa, tiếng Việt hơi lơ lớ song vẫn cãi nhau được với mẹ. Thomas còn nhỏ, đang tập nói, gọi bà rất thành thạo.

Nghe nói chồng chị- Alec giỏi tiếng Việt, nghiên cứu về Việt Nam?

Giỏi đâu chưa biết nhưng phải khâm phục độ kiên trì của anh ấy. Tôi hỏi chị nhé, có người Việt nào đọc trọn bộ Văn kiện Đảng chưa? Thôi, tính là 10 quyển, 5 quyển đi, đã mấy người đọc? Không chỉ đơn thuần là đọc, mà còn soi từng chữ, từng cái dấu ngoặc đơn ngoặc kép. Chứng kiến cảnh anh ấy làm việc mới hiểu ở Việt Nam tại sao người ta hay gọi tiến sĩ là tiến sĩ giấy. Và cũng mừng vì ngày trước đã quyết định ngừng học sau đại học. Có lẽ đấy là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi. Chẳng tự hào gì cái bằng tiến sĩ nước mình. Xin lỗi những tiến sĩ thực sự.

Chị đang viết kịch bản phim truyền hình? Không hiểu sao các nhà làm phim truyền hình không làm một bộ phim kiểu “Những bà nội trợ tuyệt vọng”, “Sex và thành phố” nhỉ. Đề tài na ná nhưng làm theo kiểu Việt Nam.

Đang trong vòng bí mật, sao chị biết? Chắc ông Xuân tóc đỏ tiết lộ? Thực ra tôi bắt đầu từ hai năm trước, được 12 tập thì mang bầu nên dừng lại. Nếu mang bầu mà ngồi viết kịch bản phim truyền hình kiểu Việt Nam thì e… em bé bị ảnh hưởng. Vì với vợ chồng tôi, nguyên tắc đầu tiên trong nuôi con là dạy con sống thật. Còn nếu viết đúng kiểu Đỗ Hoàng Diệu thì chẳng biết số phận kịch bản sẽ ra sao.

Tôi nghĩ nước mình khó có thể làm được những phim kiểu Mỹ mà chị đề cập. Chuyện này mổ xẻ nhiều quá rồi. Diễn viên đẹp có thừa nhưng hiếm người diễn giỏi. Thực tế đời sống tiền tình yêu ghét phản bội ê hề nhưng chúng ta vẫn lạc quan và coi mình là trung tâm thế giới, không chấp nhận là lối sống, văn hóa của mình xuống cấp đến thế. Đạo diễn phần đông thiếu tinh tế thiếu gan. Vậy có kịch bản thì cũng bị gọt nát bét hoặc xếp xó mà thôi. Chị thừa biết điều đấy mà.

Đỗ Hoàng Diệu ăn thật dày với “Bóng đè”, như Nguyễn Việt Hà với “Cơ hội của Chúa”. Chị thấy mình có may mắn quá không?

May mắn thì đúng là có. Tôi cảm ơn Thượng đế vì điều đó. Nhưng người ta thường nói ông trời có mắt, Thượng đế biết chọn người.

Cho tới bây giờ, một số người vẫn cự nự việc tôi từng phát biểu “văn chương là cuộc chơi” trên một tờ báo. Cũng nên nói lại lần nữa cho rạch ròi. Tôi không cho viết văn là dễ dàng như đi chơi, mà viết văn là thứ lao động chân chính nặng nhọc nhất cho tới bây giờ đối với tôi. Chính vì nó khó như thế, nó dễ khiến mình oải. Rồi mệt quá, rồi đoản hơi, rồi ngừng thở… Nên tôi không lấy viết văn làm lẽ sống.

Chỉ là khi nào muốn viết quá, thôi thúc quá, muốn bung ra, không viết không được, tôi sẽ viết. “Cuộc chơi” của tôi là như vậy. Nếu tôi cố đấm ăn xôi, muốn được người ta cho là “chuyên nghiệp” thì sau Bóng đè, dại gì tôi không sòn sòn tiếp vài thứ, dù nhàn nhạt để tính đầu sách, để kiếm tiền. Một số người nói tôi “tịt” rồi. Đúng đấy. Tám năm rồi còn gì. Kiểu gì chẳng vô sinh thứ phát.

À, mà tôi lại nhớ một chuyện không liên quan nhiều đến câu hỏi của chị. Lâu rồi, tôi có đọc bài phỏng vấn Nguyễn Thanh Sơn. Sơn cho rằng các nhà văn cứ bốc phét này nọ, chứ Việt Nam làm gì có “văn học ngăn kéo”. Sơn thân với nhiều nhà văn, không hiểu sao Sơn vẫn nói thế. Chị cũng thân nhiều nhà văn, chị nghĩ thế nào? Tôi thì cho rằng chúng ta có nhiều tác phẩm đang trong “ngăn kéo”. Không tin, ngay hôm nay tôi gửi cho Sơn 300 trang cuốn mới của tôi nhé. Vấn đề là Sơn bận bịu thế, có đọc hay không.

Vừa rồi chị viết bài “Tôi đi xem nhạc Việt ở San Jose” trên báo Tiền Phong, thấy độ đáo để thua cái hồi bênh hồi ký của Lê Vân?

Già rồi mà. Hai con, bao thứ phải lo. Dạo hồi ký Lê Vân, điên tiết quá tôi mới viết bài ấy. Đúng là không thể không viết. Mà khi người ta viết trong tâm trạng ấy, muốn hiền lành nhờ nhờ nước hến cũng không được.

Chị nhắc hồi ký, tôi lại băn khoăn vụ Ái Vân. Nổi tiếng thế, hồng nhan lênh đênh thế, bao nhiêu chuyện khiến thiên hạ tò mò. Nhưng phần đầu hồi ký mới tung ra chưa thấy gì. Hy vọng phần sau có thể gỡ gạc.

Biết chị từ ngày còn là cô bé quê mùa 14 tuổi từ Thanh Hóa ra Hà Nội nhận giải khuyến khích Tác phẩm Tuổi xanh, tôi không khỏi lạ lùng thấy một Đỗ Hoàng Diệu hôm nay: Chồng đẹp con khôn, gia đình hạnh phúc ở Berkely (California), vật chất không phải lo nghĩ nhiều, và không chỉ có thế. Với phụ nữ, thế là quá thành đạt?

Ngày đó chị chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài - cái vẻ tỉnh lẻ quê mùa của tôi. Chị có biết 14 tuổi tôi đã điên, đã nổi loạn thế nào không?

Thế giờ hết hoàn toàn rồi à? Nổi loạn.

Vẫn đấy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
'Đãi cát tìm vàng' để thu thuế thương mại điện tử
'Đãi cát tìm vàng' để thu thuế thương mại điện tử
Mỗi kỳ kê khai, sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin của hàng triệu giao dịch, hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức kinh doanh. Từ khối dữ liệu khổng lồ này, cán bộ thuế phải phân tích, đưa ra mã số thuế của cá nhân, doanh nghiệp, chuyển tới cục thuế địa phương tìm hiểu, kiểm tra, yêu cầu nộp thuế. Quá trình phân tích dữ liệu được ví như “đãi cát tìm vàng” để chống thất thu thuế TMĐT.