> Ngăn phát tán 'Bụi đời Chợ Lớn': Nhiệm vụ bất khả thi!
>Ai phát tán phim 'Bụi đời Chợ Lớn'?
Tôi có anh bạn thi sĩ thân thiết từng được đạo diễn Trần Anh Hùng mời làm đồng tác giả lời thoại kịch bản phim “Xích lô”. Mấy năm trước, khi người bạn qua đời, tôi đứng ra làm cuốn sách về anh. Mới thấy bản thảo kịch bản chi chít những chỗ gạch xoá, sửa chữa bằng tay. Không rõ đây đã là bản thảo chính thức cuối cùng hay chưa? Nhưng có thể thấy sự cẩn trọng đáng kinh ngạc của đạo diễn trẻ người Pháp gốc Việt, khi “sắm” hẳn một chàng thi sĩ có lối sống và phong cách thơ bụi bặm để chỉnh sửa và viết lời thoại cho bộ phim vốn cũng không kém “bụi bặm”.
Phim “Xích lô” bị cấm chiếu tại Việt Nam từ năm 1995, dù cùng năm đó, phim đoạt giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice danh giá. Giờ đây ai đó bắt đầu so sánh “Bụi đời Chợ Lớn” với “Xích lô”, chỉ với lý do là cùng bị cấm chiếu do “nhiều cảnh bạo lực”!
Thực ra bạo lực trong “Xích lô” chứa đựng tính biểu tượng đa chiều, chứ không đơn giản chỉ là đen đúa và sát máu. Như đạo diễn từng trần tình, đó là cái Thiện trong phim được chăm chút một cách đặc biệt. Giữa hai hình ảnh, giữa hai cảnh, ở khoảng trống giữa hai hàng chữ. Phong cách mô tả cái Thiện qua âm bản tạo cho tâm hồn thèm muốn cái Thiện và đi tìm nó…
Nhắc đến sự “dũng cảm” của nhà sản xuất bộ phim vừa gặp sự cố, bởi nhớ đến Abbas Kiarostami -một đạo diễn nổi tiếng và cũng cực kỳ cách tân của nền điện ảnh Iran. Khi ông cho rằng: Thực hiện một bộ phim khi biết trước nó sẽ không qua được kiểm duyệt, bị cấm công chiếu là điều vô nghĩa.
Sự vô nghĩa lớn hơn, đó là lúc này, khi bạo lực đã leo vào tận bữa cơm nhiều gia đình, thì hơi đâu người ta xem thêm bạo lực trên màn ảnh? Và lẽ nào hành trình đến với nhau giữa con người và cái Thiện trong nghệ thuật, cho đến bây giờ cũng chỉ lại quẩn quanh bằng ngôn ngữ bạo lực?