Tô mỳ Quảng kỷ lục châu Á: Đủ cho 600 người ăn

Tô mỳ Quảng kỷ lục châu Á: Đủ cho 600 người ăn
TP- Tối 22/6 tại TP Hội An (Quảng Nam), Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5 - cuộc hội tụ của các di sản Việt Nam và ASEAN chính thức khai mạc.

> Khai mạc Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa
> Nữ hoàng Biển - sân chơi của ai?

Khởi động từ nhiều tháng trước, Festival Di sản Quảng Nam lần 5 đã thực sự là ngày hội của các Di sản văn hóa thế giới các nước ASEAN. Các đoàn nghệ thuật của 9 nước ASEAN và Hàn Quốc, Nhật Bản cùng 22 đoàn đến từ các tỉnh, thành trong nước, các đoàn hợp xướng quốc tế đã mang đến các chương trình biểu diễn nghệ thuật ấn tượng trước thềm khai mạc.

Đêm khai mạc lung linh và nhiều cảm xúc. Hội An của xa xưa được tái hiện qua tiết mục tổng hòa Hợp xướng “Cầu an nguyệt hạ” kết hợp âm thanh không gian được phát triển từ dân ca bài chòi Hội An, múa phức hợp và hoạt cảnh. Không gian cổ xưa, mơ hồ hiện lên qua từng vết nhăn của gạch, của sóng nước sông Hoài.

Du khách cũng được đắm mình trong một Chiều Mỹ Sơn sâu lắng tĩnh mịch bằng câu chuyện về Cát. Cát trong lòng đất, cát trong lòng sông, cát trong lòng người, cát bay vào thinh không huyền hoặc, cát bay vào những tấm hình tranh cát hôm nay tạo nên vóc dáng trầm mặc của tháp Chàm cổ kính, văn hóa Champa, nền văn minh Sa Huỳnh rực rỡ. Cát trộn hòa vào tiếng trống Baranưng, tiếng kèn Saranai.

Đêm khai mạc Festival lung linh nhiều cảm xúc. Ảnh: nguyễn thành
Đêm khai mạc Festival lung linh nhiều cảm xúc.
Ảnh: nguyễn thành.

Điểm nhấn của Festival là triển lãm Không gian di sản văn hóa VN - ASEAN, Hội thi Hợp xướng quốc tế lần thứ 3 và vòng chung kết Cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc VN 2013. Triển lãm là cuộc hội tụ các vùng miền văn hóa đặc trưng của VN được UNESCO công nhận cùng những hình ảnh sinh động, độc đáo của các di sản thuộc các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Hội thi Hợp xướng quốc tế lần 3 rộn ràng vui nhộn đã khép lại trước kỳ Festival khai hội. Đêm chung kết và lễ đăng quang Cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc VN 2013 được tổ chức vào lễ bế mạc Festival ngày 26/6.

Tại khu phố cổ tái hiện “Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20”, liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam; giải võ thuật cổ truyền, các hội thảo khoa học, xúc tiến đầu tư. Đáng chú ý là sự kiện, khai trương trưng bày tháp G tại Khu di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên) sau hơn 10 năm trùng tu và Ngày hội văn hóa Chăm với nhiều hoạt động nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc.

Cùng thời điểm Hội An và Mỹ Sơn vào hội, huyện Điện Bàn tưng bừng với lễ hội chợ làng nghề truyền thống, tắm khoáng tại khu du lịch sinh thái Phú Ninh khai trương, đường Hồ Chí Minh huyền thoại bắt đầu bằng những tour du lịch khám phá thú vị.

Chiều 22/6 tại Điện Bàn - vùng đất “trăm nghề”, nổi danh với những làng nghề ẩm thực xứ Quảng, diễn ra lễ công bố kỷ lục châu Á đối với tô Mỳ Quảng Phú Chiêm, và kỷ lục Việt Nam cho tô bê thui Cầu Mống.

Trước đó, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã chính thức công nhận và xác lập mỳ Quảng là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt tiêu chí “Giá trị Ẩm thực châu Á” và món bê thui Cầu Mống xác lập món ngon Việt Nam.

Tô mỳ Quảng Phú Chiêm phục vụ cho 600 người ăn với các nguyên liệu gồm: 105 kg mì Quảng, nước nhân với 18 kg thịt ba chỉ, 25 kg tôm đất, 5 kg cua đồng, rau sống được lấy từ làng rau Trà Quế…

Hình dáng tô mỳ được mô phỏng theo mẫu tô mỳ cổ ngày xưa tại làng Phú Chiêm (Điện Bàn, Quảng Nam), bên trong tráng men, bên ngoài khảm sành cổ thời nhà Nguyễn. Tô mỳ có đường kính 3,6 m, chiều cao 1,5 m và phần đế 0,156 m.

Ngoài ra, đi kèm tô mỳ Quảng còn có đĩa rau sống đường kính
4,1m, cao 0,6 m được khảm sành cổ thời nhà Nguyễn; đôi đũa gỗ mun dài 1,8 m. Đĩa bê thui Cầu Mống có đường kính 4,5 m, cao 0,65 m, phần đế 0,05 m. Nguyên liệu để thực hiện món ăn này là: bê thui, mắm nêm, các loại rau gia vị đi kèm. Món ăn dân dã xứ Quảng đã lên ngôi.

Ban tổ chức Liên hoan Hợp xướng Quốc tế lần thứ 3, đã trao 6 giải bạc, 12 giải vàng (không có giải đồng). Đội University of Louis ville Cardinal Singers (Mỹ) đã giành giải xuất sắc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.