Làm sao để các Tổng biên tập tâm phục khẩu phục

Làm sao để các Tổng biên tập tâm phục khẩu phục
TP - Trong làng báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn được nhắc đến nhiều bởi ông không chỉ là một trong những nhà quản lý lâu năm mà vì ông còn là người vừa thực hiện nghiêm được công việc quản lý nhưng vẫn được báo giới, trong đó có các Tổng biên tập nể trọng.

> Bác Hồ bén duyên nghề báo thế nào?

Được nể trọng bởi dù hết sức nghiêm khắc, ông vẫn đành cho các tờ báo cái nhìn nhân văn của người trong cuộc, hiểu được khó khăn và dành cho họ những cơ hội sửa chữa sai sót.

Ông dành cho Tiền Phong một cuộc trò chuyện thâm tình.

Người bạn của làng báo

Thưa Thứ trưởng, trực tiếp giữ những cương vị quản lý báo chí toàn quốc trong gần 20 năm qua, ông có rất nhiều đóng góp cho nền báo chí đất nước. Từ vài trăm đầu báo, cho đến nay có gần nghìn đơn vị báo chí với tất cả các loại hình. Nhiều nhà báo nói ông đã thật sự trở thành một trong những người bạn thân thiết của báo chí nước nhà…

Trước hết phải nói là, trong những năm vừa qua báo chí ở nước ta có sự phát triển rất nhanh, điều đó dễ hiểu. Báo chí là công cụ hữu hiệu phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Sự phát triển báo chí tương xứng với sự phát triển kinh tế xã hội là điều phù hợp.

Trong xu thế chung của thế giới, với sự phát triển đa dạng của các loại hình báo chí, báo chí nước ta cũng phát triển hội nhập. Ngoài báo chí truyền thống như báo in, báo hình, nước ta xuất hiện loại hình báo chí mới là báo điện tử.

Thực ra, nói đến sự đóng góp cho sự nghiệp báo chí, trước hết phải nói tới nỗ lực chung của những người hoạt động trong lĩnh vực này. Chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, với Luật báo chí, Luật công nghệ thông tin và các văn bản pháp luật khác… là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho báo chí nước ta phát triển.

Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí của nước ta chủ yếu làm sao nghiên cứu xu thế phát triển, dự báo sự phát triển để đưa ra những cơ chế, chính sách, điều kiện cho sự phát triển. Còn trách nhiệm chính vẫn là từ cơ quan báo chí, từ ban biên tập và ngay bản thân của các nhà báo đóng góp cho sự phát triển đó.

Nhà báo là những người rất cá tính. Các Tổng biên tập quản lý các nhà báo lại cá tính hơn rất nhiều. Thứ trưởng là một trong những người chỉ đạo trực tiếp báo chí mà Tổng biên tập là người đại diện để các báo luôn làm đúng pháp luật, phục vụ lợi ích của đất nước. Với ông, điều gì khó khăn nhất trong công việc quản lý?

Mỗi tờ báo có đặc thù riêng, không thể trộn lẫn với tờ báo khác, đó là sắc thái của từng tờ báo. Mặt khác, bản thân các Tổng biên tập cũng có cá tính đặc biệt, đòi hỏi sự quyết đoán, cân nhắc, xem xét những thông tin phù hợp đảm bảo yếu tố nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, lan tỏa hay nói cách khác là được công chúng đón nhận theo cách cần thiết nhất với họ.

Trước những vấn đề đặt ra, người quản lý phải làm sao để các Tổng biên tập tâm phục khẩu phục. Điều quan trọng nhất là phải đặt mình vào vị trí của Tổng biên tập, cần có sự chia sẻ, cảm thông. Điều đó không làm mất đi vị thế hay vai trò của người quản lý, mà khi đưa ra quyết định được đồng thuận, thoải mái, mặc dù đó là quyết định hết sức cứng rắn.

Vừa phải thực hiện đúng sự chỉ đạo của cấp trên vừa phải làm để cấp dưới nể phục, thực hiện việc này chắc chắn khiến ông không khỏi đau đầu?

Cấp trên, những người quản lý, Tổng biên tập hay những người làm báo đều chung một mục đích là phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước. Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội là diễn đàn của nhân dân. Suy nghĩ, việc làm của người quản lý cũng vì mục đích chung là phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, cho nên phải có sự chia sẻ cảm thông.

Chia sẻ, cảm thông đối với báo chí không đồng nghĩa với những việc làm vô nguyên tắc. Chia sẻ cảm thông phải trên cơ sở pháp luật định hướng của Đảng. Khi người ta khuyết điểm mình phân tích làm rõ, xử lý nghiêm đúng người, đúng tội. Phải làm sao để các báo thấy rõ được khuyết điểm của mình. Nhưng sau đó mình tạo điều kiện cho người ta có cơ hội sửa chữa những khuyết điểm.

Ai cũng thế, khi nghe thông báo có xảy ra sai phạm ở các báo đều rất bực bội muốn xử lý như thế này, thế khác. Nhưng phải tiếp cận mọi việc, đặt ra câu hỏi vì sao có vấn đề này, yếu tố khách quan là gì, chủ quan là gì và đưa ra cách xử lý.

Tổng biên tập, lãnh đạo báo chí, nhà báo không phải thánh thần. Trong một giây phút nào đấy có thể do lơ đãng dẫn đến sai sót. Điều quan trọng là phải phân tích xử lý có lý có tình, chắc chắn cả cấp trên hay anh em làm báo đều thông cảm và đồng tình.

Các nhà báo ngày càng chuyên nghiệp, năng động trong tác nghiệp. Anh: Hồng Vĩnh
Các nhà báo ngày càng chuyên nghiệp, năng động trong tác nghiệp. Anh: Hồng Vĩnh.

Đã thật sự hội nhập

Trực tiếp quản lý lĩnh vực báo chí cho đến bây giờ, ông thấy điều gì đã làm được, điều gì còn chưa được?

Đây chưa phải là một dịp để đánh giá quá trình làm việc của mình, nhưng dưới góc độ của một cán bộ làm công tác quản lý tôi thấy có thể đưa ra một số đánh giá như sau:

Điều quan trọng nhất đã làm được, theo tôi nghĩ, chúng ta đã cố gắng để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Đây là điều cơ bản. Tất cả các khâu, các lĩnh vực trong hoạt động báo chí đều có văn bản quy phạm. Từ Luật Báo chí đến Nghị định, đến Thông tư, Quyết định, các văn bản hướng dẫn Thi hành Luật Báo chí…

Thứ hai, nghiên cứu để có cơ chế chính sách cho phát triển. Chính sách này không đem lại tiền bạc, hay cấp tiền cho cơ quan báo chí hoạt động mà tạo cơ chế cho sự phát triển, ví dụ vấn đề kinh tế báo chí.

Những năm chúng tôi đang làm báo địa phương (1985 – 1986) quảng cáo trên báo chí rất èo uột. Khi xây dựng luật, sau đó cụ thể hóa luật để tạo điều kiện cho báo chí, vấn đề kinh tế báo chí đã được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm.

Chính sự quan tâm này đã hỗ trợ cho hoạt động báo chí. Một điều trong Luật sửa đổi bổ sung Luật báo chí năm 1999, có câu: Cơ quan báo chí được phép tổ chức kinh doanh dịch vụ phù hợp với chức năng nhiệm vụ để tạo nguồn thu đầu tư trở lại cho hoạt động báo chí.

Sau đó Nghị định 51 cụ thể hóa thêm vấn đề này. Từ đó cơ quan báo chí mới có điều kiện phát triển kinh tế báo chí. Nguồn thu từ đâu? Một là từ nguồn thu bán báo, hai là nguồn thu quảng cáo, ba là hoạt động kinh doanh dịch vụ. Nhưng kinh doanh dịch vụ này phù hợp với chức năng nhiệm vụ của báo chí.

Ví dụ báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền Phong có công ty riêng, mặc dù hoạt động có khó khăn, nhưng ít nhất tách bạch hoạt động kinh tế báo chí ra khỏi hoạt động nội dung và từ hoạt động đó tạo ra động lực thúc đẩy cho phát triển của báo chí.

Mặc dù trong thời gian qua kinh tế Thế giới, kinh tế đất nước có nhiều khó khăn nhưng báo chí chúng ta vẫn trụ được. Cho đến thời điểm này chưa có tờ báo nào xin đình bản vì kinh tế khó khăn. Tôi nghĩ đó là điều đáng ghi nhận.

Ấy là về kinh tế. Còn về chuyên môn thì sao, thưa ông?

Nhớ lại năm 1997, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Pháp. Trung tâm báo chí lúc đấy có 500 – 600 phóng viên cả trong nước và nước ngoài hoạt động. Trong khi phóng viên của ta tác nghiệp còn rất lúng túng, phương tiện máy móc rất thô sơ, nghèo nàn, chưa biết và chưa có internet, các phóng viên nước ngoài đã tác nghiệp hết sức chuyên nghiệp với những phương tiện hỗ trợ tối tân.

Nhưng thử nhìn khi chúng ta tổ chức Hội nghị ASEM, Hội nghị cấp cao ASEAN, APEC gần đây, tác nghiệp của phóng viên chúng ta từ kỹ năng, công nghệ và phương thức không thua kém các nước.

Đó là nhờ chúng ta đã rất quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng cho người làm báo. Đó là nỗ lực, cố gắng không của cá nhân ai mà là của lãnh đạo bộ, các cơ quan chức năng của Bộ với quyết tâm: Báo chí Việt Nam phải theo kịp, hội nhập với báo chí khu vực và Thế giới.

Đương nhiên cũng là một phần của chính sách, của lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí. Nhưng yêu cầu có đến từ nguyên nhân khách quan rằng các tòa báo không đổi mới sẽ bị tụt hậu?

Tất nhiên, mong muốn như vậy, nhưng phương pháp đào tạo như thế nào, lựa chọn cách thức đào tạo làm sao để có thể dễ dàng tiếp nhận? Tính chất báo chí của chúng ta hoàn toàn khác với tính chất báo chí các nước, đặc biệt là phương tây. Nhưng chúng ta có thể học được kỹ năng, phương thức phát triển.

Cho nên, khi chọn và tổ chức các khóa đào tạo này, gần 15 năm qua, có khoảng 10.000 nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, được đào tạo qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, phương thức làm báo, kỹ năng làm báo hiện đại, tổ chức tòa soạn, hoạt động báo chí trong điều kiện hội tụ công nghệ, trong môi trường cơ quan báo chí đa phương tiện...

Tôi nghĩ đây là việc làm hết sức hiệu quả, tạo ra sự phát triển cả về nội dung và hình thức của báo chí của chúng ta. Chẳng hạn, phát thanh trực tiếp trước là xa lạ, nhưng bây giờ từ đài trung ương đến địa phương đều sử dụng phát thanh trực tiếp là cơ bản. Bộ mặt báo chí, từ cách trình bày, hình ảnh… được nâng lên rõ rệt, làm cho báo chí chúng ta đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn.

Thiếu mà vẫn thừa

Hiện Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí, là nhiều hay ít so với nhu cầu hiện nay, thưa Thứ trưởng?

Nhiều người hỏi tôi câu đó, cho rằng báo chí đang thừa quá nhiều. Nhưng đánh giá nhiều hay ít là phải có tiêu chí. Thứ nhất là mức hưởng thụ báo chí của người dân. Theo kế hoạch, đến năm 2020, chưa đến 10 bản báo/đầu người/năm.

So với 5 -7 bản báo/người/ngày ở những nước phát triển, mức thụ hưởng báo chí của nước ta quá thấp. Vì sao cảm thấy nhiều báo chí? Đó là sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích; tính đặc trưng đặc thù của tờ báo không được coi trọng.

Đấy là chưa nói đến việc 75% báo chí phát hành ở thành phố, thị xã, khu vực trung tâm còn chỉ 25% báo chí phát hành phục vụ vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Như vậy, tương lai nói chung của báo chí sẽ ra sao, thưa ông?

Xu hướng chung, báo điện tử có sức mạnh cạnh tranh gay gắt với báo truyền thống. Báo điện tử có thể hội tụ phát thanh truyền hình trong khi báo in đang hết sức khó khăn. Tất nhiên văn hóa đọc sẽ không bao giờ mất. Đặc biệt trình độ của người dân chúng ta không đồng đều nên không phải chỗ nào cũng có báo điện tử.

Báo in trong những năm tới sẽ có xu hướng sẽ quy tụ lại. Ấn phẩm tăng, đầu mối cơ quan báo chí sẽ thu gọn lại, một cơ quan báo chí có một số ấn phẩm báo chí. Báo chí đang theo hướng đấy, định hướng quy hoạch cũng như vậy, điều này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho công tác quản lý.

Bài toán quản lý

 Chia sẻ, cảm thông đối với báo chí không đồng nghĩa với những việc làm vô nguyên tắc 

Ông Đỗ Quý Doãn

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, sự “theo kịp” này sẽ phải như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Sự phát triển bao giờ cũng đi trước, quản lý bao giờ cũng theo sau. Để hình thành một cơ chế, một chính sách, quy định của pháp luật phải có thời gian chứ không phải nói hôm nay mai có được.

Quản lý là một sự rượt đuổi với sự phát triển, cho nên quan trọng là có dự báo. Cho nên, mặc dù ban hành nhiều văn bản song việc đáp ứng cho yêu cầu phát triển không phải đơn giản.

Không thể mang tư duy quản lý báo chí truyền thống áp dụng cho quản lý báo chí mới. Báo điện tử ít nhất xuất hiện 15 năm nay, nhưng văn bản đi theo nó rất chậm và rất sơ sài. Vấn đề này là những khoảng trống chúng ta cần khắc phục, đòi hỏi căn cứ vào những vấn đề thực tế để tổng kết đưa ra cơ chế mới.

Có thể đưa ra những quy định thời hạn không dài, có tính chất nhất thời để phục vụ cho sự phát triển. Phải luôn xác định mối quan hệ, quản lý là tạo điều kiện cho phát triển, chứ không bao giờ nghĩ mình không làm được thì chặn sự phát triển. Nhưng phát triển cũng phải trong phạm vi có thể quản lý được. Kết hợp hài hòa hai yếu tố này là vấn đề đặt ra với cơ quan quản lý.

Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi như vũ bão của thông tin nhờ vào công nghệ. Trước đây, độc giả phải tìm đến báo chí, bây giờ, các báo phải tìm đến độc giả. Nói cụ thể hơn thì phương thức quản lý báo chí phải thay đổi như thế nào để bắt kịp xu thế này, thưa ông?

Báo chí trong xu thế đa phương tiện như ngày nay, trong một tòa soạn đã hội tụ tất cả các loại hình báo chí, báo điện tử đọc được, xem được, nghe được… Quản lý không phải cấp trung ương mà ngay từng tòa soạn cũng phải thay đổi tư duy, cách thể hiện tin bài khác, đọc duyệt quy trình cũng phải khác.

Tốc độ báo chí đang phát triển rất nhanh, cơ quan quản lý phải đẩy tốc độ lên để có thể nhanh chóng tiếp cận sự phát triển từ đó mới thu hẹp khoảng cách giữa quản lý và phát triển.

Các tòa soạn phải đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí tinh thông, từ phóng viên, biên tập viên đến ban biên tập, Tổng biên tập. Phải có đội ngũ làm báo, quản lý tòa soạn, quản lý cơ quan báo chí thật sự chuyên nghiệp.

Người lính Thành Cổ đến đại học danh tiếng thế giới

Ông từng là người lính chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị. Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề báo?

Sau khi tốt nghiệp cấp 3 tôi vào quân đội. Khi tham gia chiến dịch 81 ngày đêm Quảng Trị, tôi vẫn luôn mong muốn đi học.

Rời quân ngũ tôi tham gia khóa đào tạo cấp tốc trong 1 năm để cung cấp kịp thời, phóng viên, biên tập viên cho vùng mới giải phóng. Học ra làm ngay. Lúc làm báo mình có sự say mê, luôn luôn phát hiện, tiếp cận cái mới, đối mặt khó khăn thử thách, buộc mình phải rèn luyện để có đủ bản lĩnh phân tích đánh giá sự việc.

Tôi làm được vài năm, thì nộp đơn thi đại học. Tôi thi đỗ 3 trường Phân viện Báo chí, Đại học Tổng hợp, Đại học Văn hóa. Riêng Đại học Tổng hợp đỗ Thủ Khoa nên được chọn đi nước ngoài.

Lúc đó Nhà nước ưu tiên chọn những đồng chí đã từng phục vụ quân đội, cán bộ đi học để đào tạo báo chí ở nước ngoài. Vì vậy, lớp chúng tôi đều là những người lớn tuổi.

Tôi sang Liên Xô học chuyên ngành truyền hình Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva). Tốt nghiệp do có gia đình vợ con rồi nên cũng muốn trở về quê hương. Nên tôi về làm ở báo Bình Trị Thiên.

Rồi cứ tuần tự, tôi làm thư ký tòa soạn, trưởng phòng tòa soạn. Một thời gian rất ngắn, tôi được bổ nhiệm làm Tổng biên tập. Sau đó, do được bầu vào Tỉnh ủy và Thường vụ Tỉnh ủy nên tôi được điều sang công tác Đảng ở Tỉnh ủy Quảng Bình. Năm 1996 tôi được điều động về Bộ Văn hóa – Thông tin làm Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Báo chí đến 2003 được bổ nhiệm làm Thứ trưởng cho đến nay. Có thể nói cả cuộc đời tôi chỉ gắn bó với lĩnh vực thông tin, báo chí.

Nhà báo chống tiêu cực

Từng là một nhà báo năng nổ, ông có thể chia sẻ với độc giả kỷ niệm làm báo thú vị nào đó?

Tôi nhớ khi tôi là phóng viên, tôi có thực hiện viết bài về một vụ tiêu cực ở Bình Trị Thiên, đụng chạm đến một số vị quan chức. Vụ việc vì thế có nhiều áp lực. Nhiều cuộc điện thoại can thiệp. Nhưng chúng tôi rất kiên định làm rất chi tiết, rất tỷ mỷ và nắm chắc mọi tài liệu của vụ việc vì chúng tôi biết chắc chắn vụ này sẽ bị phản ứng quyết liệt.

Lúc đầu tình hình cũng rất căng thẳng, nhưng sau khi báo của tỉnh đăng, báo Nhân Dân đăng, Đài TNVN phát, tất cả sự việc đều xử lý nghiêm túc và vụ việc này đã tạo ra dấu ấn quan trọng trong quá trình chúng tôi tác nghiệp.

… và những tác phẩm thơ ca để đời

Người ta vẫn biết tới Đỗ Quý Doãn như một nhà quản lý đầy kinh nghiệm. Nhưng ẩn sau nhà quản lý cứng rắn là một Đỗ Quý Doãn – nhà thơ. Nhiều tác phẩm của ông đã phổ nhạc thành những bài ca vượt thời gian. Một trong những tác phẩm đó là “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví Dặm”…

Thực ra tôi cũng nhiều lần nói chuyện này. Từ khi tôi người lính, hay xa hơn là khi còn đi học, tôi rất thích văn chương. Tôi học toàn diện cả xã hội và tự nhiên, nhưng lên cấp 3 thấy mình thích xã hội hơn và đặc biệt là văn chương.

Năm lớp 7 tôi tham gia thi học sinh giỏi miền Bắc. Năm lớp 10 (lớp 12 bây giờ) tôi đoạt giải Nhất Văn tỉnh… nên hình thành một sở thích về văn chương.

Trở về từ chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, tôi đóng quân tại Nghệ Tĩnh và ở đó 3 năm. Tình cờ một lần đơn vị tổ chức hội diễn văn nghệ, anh em bảo: “Ông là người văn hay chữ tốt thì ông phải sáng tác một bài gì đó để tham gia hội diễn. Tôi mày mò nhờ các bà các cô ngồi hát dân ca Nghệ Tĩnh cho nghe và ghi lại: loại này là hò, loạt này là hát dặm, hát ví, lẩy Kiều… Mình thẩm âm bằng tai và những giai điệu thấm vào máu lúc nào không rõ.

Tôi viết tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh cho đơn vị đi thi, nghe da diết lắm. Ở cái tuổi 18, đôi mươi, những tình cảm trong sáng, thương nhớ bắt nguồn từ vùng đất đấy, dân ca Nghệ Tĩnh đã ngấm vào tôi cũng từ lúc đó.

Khi tôi sang Matxcơva học có một lần đoàn nghệ thuật Bông Sen TPHCM sang biểu diễn. Đoàn có ca sĩ là Hồng Vân hát bài dân ca Nghệ Tĩnh “Giận thì giận, thương thì thương” nghe rất da diết…

Thật khó diễn tả tình cảm của người sinh viên xa xứ bằng lời. Cùng dự buổi diễn có nhạc sĩ Trần Hoàn. Ông cùng tôi dạo trên đồi Lenin và nhắc lại cảm xúc khi nghe bài dân ca “Ví giận thương”.

Tối hôm đó, tôi viết một mạch bài thơ Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm và gửi ông.

Ít lâu sau, từ trong nước nhạc sĩ Trần Hoàn gửi cho tôi một băng cassette bài hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” hoàn chỉnh do Thanh Bảng trình bày. Đến bây giờ có nhiều ca sỹ thể hiện rất thành công bài hát này như: Thu Hiền, Thành Lê, Phương Thảo, Tôn Nhân... nhưng tôi vẫn cho rằng Thanh Bảng là ca sĩ đầu tiên hát rất hay bài này.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Điều chưa hài lòng

Chúng ta đang trong quá trình phát triển. Sự phát triển tiến tới hoàn thiện. Khuyết điểm, hạn chế trong các hoạt động báo chí là điều dễ hiểu.

Trong cái guồng chạy rất nhanh cả về công nghệ, phương thức làm báo, phương thức thông tin, nhu cầu thông tin…, áp lực cũng đè nặng lên các tờ báo. Nhiều nhà báo muốn lấy tin nhanh dẫn đến sơ hở, thiếu chính xác, có tin sai sự thật.

Làm báo bây giờ, nhờ mạng xã hội, bất cứ người dân nào cũng có thể đưa thông tin lên. Một số phóng viên đã bám vào đó mà thiếu sự kiểm chứng hoặc kiểm chứng sơ sài dẫn đến thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Thế rồi trong quá trình tác nhiệp do áp lực đưa tin nhanh nên có hiện tượng báo nọ lấy tin bài báo kia, xào xáo làm cho thông tin trên báo chí nhàm chán, dẫn đến cảm giác không cần thiết phải có nhiều báo chí như vậy…

Nguyên nhân gây ra những hiện tượng trên có yếu tố khách quan và chủ quan. Nhưng phần nhiều là yếu tố chủ quan. Nhiều nhà báo chưa theo kịp nhu cầu làm báo trong điều kiện hiện nay, chưa kịp thời cập nhật những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản. Nhiều tòa soạn cũng bỏ qua một số khâu trong quy trình làm báo dẫn đến có khâu bị sơ hở, tạo ra một khoảng trống trong báo chí của chúng ta.

Hải Hà - Cường Cao

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.