Đi tìm con người Hoàng Trung Thông

Đi tìm con người Hoàng Trung Thông
TP - GS. Huệ Chi dành 4 trang viết với tiêu đề trên, kể lại kỷ niệm của ông về nhà thơ Hoàng Trung Thông, tại tọa đàm nhân 20 năm ngày mất của nhà thơ.

> Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Đầu trần đi dưới trời mưa

Đồng nghiệp cũng kể nhiều kỷ niệm thú vị về nhà thơ Bài ca vỡ đất. Tên ông được đặt cho một đường lớn ở TP Vinh quê hương.

Viện trưởng Viện Văn học PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp muốn giải đáp Hoàng Trung Thông với tư cách người có đóng góp cho thơ ca cách mạng, một dịch giả, nhà lý luận và nhà quản lý.

 “Mới đấy mà đã 20 năm. Trước mắt tôi là hình ảnh bố râu tóc bạc trắng, đi chầm chậm, gương mặt rất buồn, có những nỗi buồn không nói ra được cứ cất ở trong lòng.

Tôi vô cùng ngạc nhiên sao bố đọc nhiều đến thế, khắp nơi trên bàn dưới đất chỗ nào cũng thấy sách. Câu đầu tiên khi chúng tôi vào thăm bố ở bệnh viện: Con có mang báo vào cho bố không. Điều đó ảnh hưởng tới chúng tôi” 

Hoàng Bích Liên, con gái nhà thơ Hoàng Trung Thông

Còn GS. Huệ Chi nói về vị Viện trưởng Viện Văn học suốt 10 năm (1975-1985): “Cho đến giờ tôi vẫn chưa nắm bắt được con người thật của Hoàng Trung Thông, mặc dù tôi từng chạm vào con người ấy. Trong Hoàng Trung Thông có đến mấy con người, nhưng tôi dám quyết, con người chức vụ không phải là con người thật của ông. Hay đúng hơn, lúc đầu nó là con người thật nhưng sau nhiều năm kinh qua những cuộc đấu đá trong các phong trào từ ngoài xã hội đến văn chương, hình như thấy không hợp với tạng của mình, Hoàng Trung Thông xa lìa dần con người chức vụ”.

GS. Huệ Chi nhớ lại, giữa lúc các viện trong Ủy ban Khoa học-Xã hội không có xe riêng, ông làm bài thơ gửi lên ông Tố Hữu thế là Viện văn có xe Lada mới coóng.

Nhưng ông hưởng thụ nó rất ít, mỗi ngày đi từ 70 Ngô Quyền đến 20 Lý Thái Tổ và trở lại, có lúc cuốc bộ. Chiếc xe trở thành phương tiện chung cho Viện tìm đường giao thiệp với các địa phương để cải thiện sinh hoạt cho anh chị em.

Sau 3 năm về Viện, uy tín của ông đạt đến mức gần như tuyệt đối, mọi người đều nhất trí bỏ phiếu bầu giáo sư năm 1980, nhưng ông từ chối “là một nhà thơ đã quá đủ rồi”.

Chia sẻ bên lề, Vũ Quần Phương cho rằng Hoàng Trung Thông có sự thống nhất giữa hai con người, biểu hiện qua hai chặng thơ. Chặng thơ gần hết đời ông là thơ của một nhà thơ cách mạng, có công góp vào nền thơ ca kháng chiến chống Pháp, tên tuổi đặt cạnh Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi.

Phẩm chất thi sĩ công dân của ông thể hiện qua nhiều bài thơ: Bộ đội về làng, Bài ca vỡ đất, Đọc thơ Bác.

Chặng sau chỉ là tập thơ cuối Mời trăng, nỗi lòng ông ký thác vào tập thơ cuối mỏng mảnh này, đủ đối trọng với cái toàn diện trong tâm hồn Hoàng Trung Thông. Nó cũng thanh minh cho ông một số sơ suất khi đơn giản hóa những vấn đề thuộc về sự tinh vi của tâm hồn con người.

Bài thơ về biển, Mời trăng, Dưới bóng hòe, nội ba bài ấy cho thấy con người trần thế, con người thật hơn của Hoàng Trung Thông.

Theo Vũ Quần Phương, ông vừa là nhà thơ, vừa biết lý luận, vừa biết ngoại ngữ để đọc thơ phương Tây, vừa biết chữ Hán chữ Nôm để đọc thơ phương Đông. Cho nên bên cạnh cái mới mẻ tư duy phương Tây, ông có cái thâm trầm, sâu sắc của tư duy phương Đông.

Con người ông tập trung nhiều mối khác biệt, không hẳn là mâu thuẫn đối kháng. Khác biệt giữa con người cán bộ có trách nhiệm chỉ đạo văn nghệ (Vụ trưởng Vụ Văn nghệ) với con người thi sĩ; khác biệt giữa nền thơ phục vụ kịp thời nhiệm vụ cách mạng với sự thể hiện tâm tư sâu kín của con người.

Đi tìm con người Hoàng Trung Thông ảnh 1

 “Con người thích lẫn vào cát bụi ấy lại cũng rất uyên bác, vằng vặc trí tuệ phương Đông, phương Tây rọi vào” 

Vũ Quần Phương nói về
Hoàng Trung Thông

“Đấy là con người dễ mến, có cái uyên bác của một nhà nghiên cứu, nhưng lại có cái dân dã của người mê rượu.

Người mê rượu cởi mở lắm, gặp ai mà đã chén chú chén anh rồi thì không phân biệt cấp trên cấp dưới, ông Thông có cái đó mặc dù ông uống không nhiều.

Ông mượn cái say của rượu để chan hòa với đời- không có ông Viện trưởng, không có ông Vụ trưởng mà chỉ có một ông nhà thơ có tác phong rất dân gian. Ông mất năm 68 tuổi, trước đó ông để râu tóc lòa xòa để dễ lẫn vào cát bụi của chợ búa, vỉa hè.

Ông hay ngồi vỉa hè Bà Triệu uống rượu, ai vào cũng có thể uống, nói chuyện với ông, rượu suông cùng vài hạt lạc rang”, nhà thơ Vũ Quần Phương nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG