Ông cho rằng Việt Nam có rất nhiều tài năng, nhiều tác phẩm văn học và bộ phim hay, song người Pháp lại không được biết tới. “Bây giờ chính là lúc để giới thiệu các tác phẩm văn học, điện ảnh Việt Nam với công chúng Pháp” - Ông nói.
Đại sứ Pháp Jean - No l Poirier trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh: Việt Hùng. |
Nâng tầm đối tác chiến lược
Đại sứ Pháp Jean-No l Poirier nói: Năm Pháp - Việt có hai mùa, mùa Pháp tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 4 năm nay, tiếp theo đó là mùa Việt Nam tại Pháp trong suốt nửa đầu năm 2014. Mùa Pháp tại Việt Nam sẽ có hơn 100 sự kiện. Hai nước cũng có kế hoạch thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong năm nay hoặc năm sau.
Đại sứ Pháp Jean - No l Poirier sinh năm 1962, làm việc trong ngành ngoại giao Pháp hơn 20 năm. Từ năm 2000 đến 2004, ông là Tổng lãnh sự Pháp tại TP HCM. Ông có bằng cao học về ngôn ngữ và văn hóa phương Đông. |
Vừa qua, hơn 100 DN Pháp đã tới Việt Nam tham dự Diễn đàn DN Pháp - Việt tại TPHCM. So với các nước khác, Pháp có mối quan hệ lịch sử rất lâu đời với Việt Nam.
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ 40 năm nay, song mối quan hệ này đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong vòng 20-25 năm qua. Tuy nhiên sự hiện diện của DN Pháp tại Việt Nam vẫn chưa được mạnh mẽ như mong muốn và không được bằng một số nước khác.
Ông vừa nói sự hiện diện của DN Pháp tại Việt Nam không bằng một số nước khác. Liệu ông có nghĩ người Pháp đã chậm chân so với người Đức?
Trước tiên phải nói rằng, trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay Đức vẫn giữ được “sức khỏe” tốt, họ vẫn duy trì được ngành công nghiệp mạnh mẽ. 50% trao đổi thương mại giữa Đức và Việt Nam là mua thiết bị máy móc, đó là một trong những lý do đầu tiên để lý giải về sự hiện diện mạnh của DN Đức tạiViệt Nam.
Pháp lại có những thế mạnh khác như cơ sở hạ tầng, dược phẩm, năng lượng và hiện có nhiều dự án đang tiến hành thương thảo. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình trong các lĩnh vực này để tăng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam.
Việt Nam có những kỹ sư chất lượng cao. Việt Nam đào tạo về khoa học cơ bản cũng rất tốt... Ngoài ra các công ty tin học của Việt Nam cũng rất mạnh, họ có thể hợp tác với các công ty và đối tác Pháp. Đại sứ Pháp |
Về quan hệ đối tác chiến lược, tôi rất tâm đắc với lời nói của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong chuyến thăm Pháp vừa qua vào cuối tháng 3.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã điểm lại những hoạt động quan hệ đối ngoại giữa Pháp và Việt Nam, ông có nói rằng mối quan hệ này có thể không được thể hiện bằng các chuyến thăm chính thức, nhưng lại thể hiện bằng các hoạt động cụ thể từ nhiều năm nay và chính những điều này đã làm nên mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.
Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault cũng đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Pháp, dự kiến vào trước cuối năm nay. Và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viên Chăn hồi đầu năm nay cũng đã thể hiện mong muốn được đến thăm Việt Nam trong một dịp gần đây để hai nước cùng sớm tiến hành ký thỏa thuận đối tác chiến lược.
Được biết, từ lâu phía Pháp muốn hỗ trợ Việt Nam trong dự án trùng tu, cải tạo cầu Long Biên. Vậy vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện được, thưa ông?
Từ nhiều năm nay vấn đề này đã được bàn đi bàn lại, và Pháp vẫn cứ đợi một câu trả lời chính thức đồng ý từ phía chính phủ Việt Nam để tiến hành dự án này. Pháp đã dành 60 triệu euro cho dự án khôi phục, cải tạo cầu Long Biên. Câu trả lời hiện nay là đợi phía Việt Nam, cụ thể là Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội. Hai cơ quan này phải quyết định mục đích sử dụng sắp tới của cầu Long Biên là gì? Và chúng tôi mong đợi một chương trình hoàn chỉnh để cải tạo cây cầu này.
Ví dụ như liệu có giữ đường sắt để tàu đi qua không? Liệu có xây dựng cầu mới để thay thế ? Liệu có biến cầu Long Biên thành một điểm hẹn của du lịch, trở thành một địa điểm tham quan, xây dựng nhà hàng ở trên đó,...
Tất cả những vấn đề này chúng tôi đang đợi phía Việt Nam quyết định. Khi tôi nhận nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam (từ tháng 8/2012 - PV), tôi đã nhắc lại với Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội rằng, Pháp đã sẵn sàng triển khai dự án khôi phục, cải tạo cầu Long Biên!
Việt Nam đào tạo kỹ sư tài năng và khoa học cơ bản rất tốt
Trong năm Pháp tại Việt Nam, chắc chắn Pháp sẽ chọn giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng nhất tới công chúng Việt Nam. Vậy chúng tôi nên giới thiệu những gì với người Pháp mà theo ông là tiêu biểu nhất của Việt Nam?
Câu hỏi của anh rất thú vị. Trước hết Việt Nam nên giới thiệu những cái kinh điển của mình mà phần lớn người Pháp đều chờ đợi. Đó là những lĩnh vực đã nổi tiếng và được người Pháp rất thích. Đấy là các điểm mạnh của Việt Nam, như văn hóa, ẩm thực, mốt, múa rối nước... Đó là tôi nói về những điều người Pháp từng biết và chờ đợi từ phía Việt Nam.
Ngoài ra, còn những điều người Pháp chưa biết tới, mà Việt Nam có rất nhiều thế mạnh. Ví dụ như việc đào tạo các kỹ sư tài năng trong trường ĐH của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Pháp. Tôi nhận thấy rằng, Việt Nam có những kỹ sư chất lượng cao. Việt Nam đào tạo về khoa họa cơ bản cũng rất tốt. Tôi chưa suy nghĩ tới một cách cụ thể là làm thế nào để người Pháp có thể biết được những thế mạnh này của các bạn. Nhưng có thể thông qua việc trao đổi giữa các trường ĐH để người Pháp biết được ở Việt Nam có những thế mạnh về đào tạo kỹ sư như vậy. Ngoài ra các công ty tin học của Việt Nam cũng rất mạnh, họ có thể hợp tác với các công ty và đối tác Pháp.
Suốt 20 năm qua, chúng tôi hợp tác với ĐHBK Hà Nội về đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hàng năm chúng tôi đều tiếp nhận một số sinh viên từ ĐHBK Hà Nội sang ĐHBK Paris, hay các labo tại Pháp. Và họ đều là những sinh viên giỏi nhất, chăm chỉ nhất, được các thầy giáo Pháp rất hài lòng. Nhìn chung khả năng của sinh viên Việt Nam là rất tốt.
Về lĩnh vực văn hóa, văn học hay điện ảnh, Việt Nam cũng có rất nhiều tài năng, rất nhiều tác phẩm, bộ phim hay. Nhưng rất tiếc ở Pháp lại hầu như không được biết đến. Ở Pháp chúng tôi biết nhiều đến điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông nhưng biết rất ít đến điện ảnh Việt Nam. Bây giờ chính là lúc để giới thiệu các tác phẩm văn học, điện ảnh Việt Nam với công chúng Pháp.
Đây là một công việc cần thời gian dài, có thể 5 hay 10 năm để có được kết quả tốt. Song theo suy nghĩ của tôi, mùa Việt Nam tại Pháp vào năm 2014 là một thời điểm tốt để có thể bắt đầu. Tôi biết rằng ở Pháp hiện cũng có một số Việt kiều bắt đầu giới thiệu văn học hay điện ảnh Việt Nam.
Có một lĩnh vực khác thuộc về quyền lợi sát sao của các bạn, đó là du lịch. Có rất nhiều người Pháp muốn đi du lịch Việt Nam. Tôi nghĩ, đây chính là lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Pháp.
Ông có vợ là người gốc Việt và bà nội ông lại sinh ra ở Hội An?
Đúng rồi ! Bà nội tôi sinh ra ở gần Hội An, bởi vì cụ nội tôi thời đó là bác sĩ quân y tại Việt Nam. Tối qua tôi vừa ăn tối với một người anh em họ ở đây, anh ấy còn kể rằng: Ngày xưa cụ tôi bị dân làng bắt cóc về để chữa bệnh cho già làng, ông ta bị đau ruột thừa.
Dân làng bảo, nếu già làng bị chết thì cụ nội tôi cũng phải chết. Cuối cùng đã cứu được già làng và cụ nội tôi cũng được sống sót. Gia đình cụ nội tôi ở Việt Nam được 5 năm, và trong thời gian đó đã sinh ra bà nội tôi, sau đó họ quay trở về Pháp.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Việt Hùng