> Đũa thần không còn tác dụng với Rowling
> Sex, ma túy trong tiểu thuyết mới của Rowling
Người kể chuyện đầy ma thuật
Dù đã chuyển sang viết về xã hội con người chứ không phải xã hội phù thủy giả tưởng, ngòi bút Rowling vẫn chứa đầy sức tưởng tượng phong phú khiến cuốn sách dày 609 trang không làm người ta ngại. Những câu chuyện rất lôi cuốn.
Mở đầu, cái chết của ông Barry Fairbrother, một ủy viên hội đồng thị trấn, gây ra xáo trộn lớn, đảo lộn cuộc sống của những người còn lại.
Một “khoảng trống” vô hình khó lấp. Điểm sơ sơ về sau có thêm các yếu tố: các cảnh quan hệ tình dục, nghiện rượu, nghiện ma túy, cưỡng hiếp, bạo lực gia đình, ngoại tình trong tâm tưởng, trẻ con bị ngược đãi, trẻ vị thành niên mang thai, chưa kể chuyện tranh giành quyền lực chính trị (dù chỉ là trong một thị trấn nhỏ nhưng cũng đầy rẫy mưu mô)…
Mỗi yếu tố đủ để làm đề tài cho một cuốn sách tăm tối khác. Rowling từng dựng nên một thế giới kỳ vĩ trong Harry Potter. Lần này, nhà văn đưa đời sống đương đại vào trang sách cũng thật sinh động.
Một hệ thống nhân vật đông đảo gồm 8 gia đình và các mối liên hệ chằng chịt, từ những nhân vật có cá tính đậm (Krystal, Fats); có bi kịch lớn (Sukhvinder); tính cách tồi tệ (Simon, Howard) hay những nhân vật đẹp đẽ nhất truyện nhưng tính cách quá nhạt nhẽo (Gaia, Vikram).
Một điều nữa mà tác giả đã làm rất tốt là kể câu chuyện bằng giọng của nhiều nhân vật – đa thanh. Cách viết này không có gì mới, vấn đề là tài của người viết có đủ để làm cho nó hấp dẫn hay không.
Mỗi lần kể chuyện từ góc nhìn và tâm tưởng của một nhân vật nào đó, tác giả lại gợi cho người đọc cảm giác nhân vật đang kể là người tốt. Đến khi chuyển sang giọng khác, nhân vật kia hóa ra lại rất tồi tệ. Đó chính xác là cách nhìn thế giới của con người: bản thân họ luôn là chuẩn, là kẻ duy nhất luôn luôn tốt.
Không có phép màu trong thế giới “muggle”
Có lẽ cuốn sách này sẽ gây cho người đọc cảm giác bi quan. Trong sách, không ai chịu hiểu nhau. Ai cũng đối đầu với một hoặc nhiều người và sự ghét bỏ lẫn nhau giữa họ khiến người ngoài cũng thấy mệt mỏi. Ai cũng ngọt ngào với người này nhưng lại là cơn ác mộng của người khác. Quá ít tình yêu cho một thế giới thừa mứa thù hằn. Và rồi người đọc bàng hoàng nhận ra, thỉnh thoảng đạo đức giả một chút thì mới sống được. Nếu quá trung thành với cái có thật, thứ chờ đợi người ta là sự diệt vong.
Không có phép màu nào cả. “Muggle” – từ chỉ người thường, không phải phù thủy trong Harry Potter – không có đũa phép cũng không có máy đảo ngược thời gian. Lỗi lầm thì nhan nhản. Họ sống trong vòng xoáy nhân quả.
Nhà phê bình Lev Grossman của Time nói: “Sẽ rất dễ dàng nếu hùa theo mọi người chỉ trích Khoảng trống, nhưng tôi yêu cuốn sách này”. Người viết bài này cho rằng, nếu thực sự công bằng, các tờ báo lớn như New York Times hay Los Angeles Times đã không chê Khoảng trống mạnh mồm như vậy. Khoảng trống, tiểu thuyết J.K. Rowling, Vương Mộc dịch do NXB Trẻ ấn hành.
Khoảng trống vô cùng tăm tối, tăm tối hơn những gì người đọc có thể tưởng tượng, dù Rowling thi thoảng vẫn giữ được giọng văn hài hước duyên dáng của thứ tiếng Anh hiện đại. Buồn, đau và cả những cái chết, từ đầu cho đến cuối sách |