> Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học và công nghệ
> Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về chính sách, pháp luật đất đai
Đề án xây dựng Bảo tàng Khoa học Đồng Nai của Sở KH&CN Đồng Nai dài 148 trang, song hiệu quả kinh tế xã hội của đề án chỉ vỏn vẹn một trang A4 với những từ không thể định lượng
Học mô hình Thái
Bảo tàng Hà Nội được xây dựng 2.300 tỷ đồng, nhưng hiếm khi Bảo tàng Hà Nội có khách như ngày khánh thành. Ảnh: Huy Hùng. |
Dự án được Sở KH&CN Đồng Nai đề xuất năm 2008. Năm 2010 đề xuất được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt về chủ trương. Theo ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai, đề án đã hoàn thiện, đã lấy ý kiến của các nhà khoa học phía Nam; đầu năm 2013 đem ra lấy ý kiến các nhà khoa học phía Bắc.
“Hiện đã quyết định địa điểm xây dựng bảo tàng là xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. UBND tỉnh cũng đã ra thông báo thu hồi đất để giải phóng mặt bằng cho dự án. Dự kiến bảo tàng sẽ được xây dựng vào năm 2015, khánh thành vào năm 2018”, ông Sáng cho biết.
Theo đó, bảo tàng sẽ có quy mô tương tự Bảo tàng Khoa học Quốc gia Thái Lan, diện tích 250.000 m2 với năm khu trưng bày triển lãm.
“Cái này là đề án để xin ý kiến các nhà khoa học. Từ đề án mới bước qua dự án đầu tư, tại đây mới lượng hóa hiệu quả kinh tế xã hội” Ông Phạm Văn Sáng |
Ngoài khu trưng bày trong nhà, bảo tàng sẽ có thêm hội trường, phòng thí nghiệm, khu cắm trại, khu dành cho các cuộc thi khoa học. Đề án còn ghi: “Bảo tàng có quy mô công trình lớn theo quy chuẩn quốc tế”.
Về công nghệ, bảo tàng sẽ “có hệ thống vận hành tiêu chuẩn thỏa mãn các hoạt động thu thập, bảo tồn, nghiên cứu, giáo dục, phổ cập với nhiều công nghệ trình diễn tương tác như phim 3D, 4D”.
Nói về nguồn kinh phí 80 triệu USD được ghi trong đề án, ông Sáng đính chính: “chỉ là 60-70 triệu USD thôi”. Tại sao lại không thống nhất? Ông Sáng cho hay: “Năm 2000 Thái Lan xây dựng hết 50 triệu USD. Hiện nay, giá xây dựng bảo tàng sẽ khoảng 60-70 triệu USD. Sở dĩ chúng tôi ghi 80 triệu USD trong đề án là bởi ban đầu dự kiến sử dụng những công nghệ cao hơn”.
Phương thức huy động kinh phí xây dựng bảo tàng được tiết lộ sẽ là 50-50, tức là nhà nước sẽ chi 30-35 triệu USD còn lại sẽ huy động từ nhân dân.
Mơ hồ hiệu quả
Tiền đầu tư được tính toán ngốn hàng nghìn tỷ đồng thế nhưng hiệu quả kinh tế xã hội ghi trong đề án chỉ vỏn vẹn một trang A4 bằng những ngôn từ “có tác dụng chiến lược... lợi ích to lớn... một công trình cơ sở cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội, hiệu quả tác dụng lâu dài và trên diện rộng”. Tịnh không thấy một từ định lượng nào cả.
Vì sao một dự án đầu tư 60-70 triệu USD mà hiệu quả kinh tế xã hội lại không có một từ ngữ định lượng nào? Ông Sáng nói: “Cái này là đề án dùng để xin ý kiến các nhà khoa học. Từ đề án sẽ bước qua dự án đầu tư. Tại đây mới lượng hóa hiệu quả kinh tế xã hội”.
Vậy hiệu quả kinh tế xã hội được lượng hóa như thế nào? Vị giám đốc này cho hay, nếu mỗi năm bảo tàng thu hút khoảng một triệu du khách, bán vé theo giá ở Khu Du lịch Suối Tiên thì sẽ thu được 40 tỷ đồng/năm.
Bảo tàng cũng sẽ tổ chức khai thác các hình thức du lịch khác như trưng bày sản phẩm mới để thu tiền.
Ngoài ra, hiệu quả mang lại chính là đã truyền đạt, nung nấu được niềm đam mê khoa học cho giới trẻ. “Nếu mỗi năm có một triệu khách đến thì chỉ cần tính 10% là đã có 100.000 trẻ em được nung nấu niềm say mê khoa học. Đó cũng là hiệu quả”, ông Sáng nhận định.
Liệu có thể thu hút được một triệu khách trong bối cảnh hầu hết bảo tàng ở Việt Nam đều vắng khách? Ông Sáng cho hay, bảo tàng khoa học ở các quốc gia trên thu hút rất đông khách tham quan. Bảo tàng Khoa học Thượng Hải đón 3 triệu khách mỗi năm, Hàn Quốc 2 triệu, Nhật Bản 1,5 triệu.
Việc đầu tư xây dựng và vận hành công trình sẽ mang lại lợi ích to lớn về khoa học, văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng và chiến lược xây dựng nền tảng cơ sở cho kinh tế tri thức của đất nước... Quá trình hoạt động của bảo tàng gắn liền với các hoạt động dịch vụ như thăm quan, du lịch… (Trích Đề án của Sở KH&CN Đồng Nai) |