Rùa Hồ Gươm - bảo vật quốc gia?

Rùa Hồ Gươm - bảo vật quốc gia?
TP - Cuối tháng 1, PGS.TS Hà Đình Đức - “nhà rùa học” đề xuất lãnh đạo Hà Nội trình chính phủ nghiên cứu và phê duyệt, công nhận cá thể rùa Hồ Gươm (còn sống), tiêu bản rùa Hồ Gươm ở đền Ngọc Sơn và bộ xương rùa Hồ Gươm lưu tại Bảo tàng Hà Nội là bảo vật quốc gia. Ý kiến chuyên gia thì sao?

> Rùa Hoàn Kiếm được nâng mức bảo vệ
> Đề xuất ’Cụ’ Rùa làm Bảo vật quốc gia?

Báu vật, quốc vật?

Rùa Hồ Gươm - bảo vật quốc gia? ảnh 1
“Bàn chuyện vua Lê có trả gươm cho thần Kim Quy hay không, trả khi nào, là chuyện vô bổ chẳng để làm gì, khác nào có người thắc mắc sao 18 đời vua Hùng kéo 2.000 năm!”

PGS.TS Hà Đình Đức nêu quan điểm: “Rùa Hồ Gươm có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa, xứng đáng là bảo vật quốc gia. Rùa Hồ Gươm liên quan đến truyền thuyết “Hoàn Kiếm” tức là trả gươm thần của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi thế kỷ 15. Câu chuyện này tuy chỉ là truyền thuyết nhưng đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất trong trang sử oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đó là điều không thể phủ nhận”.

Ông Đức cũng cho rằng, bàn chuyện vua Lê có trả gươm cho thần Kim Quy (rùa) hay không, trả khi nào, là chuyện vô bổ chẳng để làm gì, khác nào có người thắc mắc sao 18 đời vua Hùng kéo dài 2.000 năm!

Nhưng mọi người đều thừa nhận tên hồ Hoàn Kiếm sinh ra chính từ câu chuyện huyền thoại này và mỗi khi rùa Hồ Gươm nổi trên mặt hồ, có đến hàng trăm người chiêm ngưỡng và nhớ đến câu chuyện xưa.

Theo ông Đức, rùa Hồ Gươm còn xứng đáng trở thành quốc vật - con vật đại diện cho một quốc gia. Bởi nó là con vật biểu tượng cho văn hóa, lịch sử của Việt Nam mà rất nhiều bạn bè quốc tế biết đến và quan tâm.

Ông Đức dẫn chứng: “Theo thống kê của tôi, có đến 11 ngôn ngữ trên thế giới đưa tin về rùa Hồ Gươm, hàng chục hãng thông tấn của nhiều nước thông tin về rùa Hồ Gươm”.

Chưa cần thiết

Rùa Hồ Gươm - bảo vật quốc gia? ảnh 2
“Rùa Hồ Gươm có giá trị văn hóa, tâm linh, khoa học nhưng đưa nó thành bảo vật quốc gia thì chưa cần thiết”

Phản biện vấn đề này, GS Trần Lâm Biền cho rằng, rùa Hồ Gươm rất quý nhưng chỉ nên xét nó ở góc độ sinh học. Hãy đưa nó sang lĩnh vực sinh học để bảo tồn chứ không nên đưa sang lĩnh vực văn hóa.

Sự thật là con rùa trong quan niệm văn hóa của người Việt có phá hoại, tượng trưng cho bão lụt, ngay biểu tượng con chim hạc dẫm chân lên con rùa mà chúng ta vẫn thấy ở chùa cũng hàm nghĩa đó.

Rùa chỉ có giá trị tâm linh khi được coi là một trong tứ linh. Câu chuyện trả gươm của Lê Lợi được nhân dân hư cấu, truyền thuyết sau này mới có. GS Biền không đồng tình với đề xuất đưa rùa thành bảo vật.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Tôi đồng ý rùa Hồ Gươm mang giá trị đặc biệt về văn hóa, tâm linh, khoa học nhưng nếu đưa nó trở thành bảo vật quốc gia thì chắc là chưa cần thiết. Bởi yếu tố sau: trong luật có ghi phải là hiện vật độc bản hoặc tiêu bản quý hiếm, không có tiêu bản thứ hai nhưng cụ rùa ở đây lại là một thực thể sống. Chúng ta không nên đánh đồng chuyện bảo vệ rùa Hồ Gươm trước sự xâm hại của những tác động xấu với việc đưa nó lên thành một bảo vật quốc gia. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau”.

Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều (điều 41a) của Luật Di sản năm 2009, một bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí sau: a) là hiện vật gốc độc bản;b) là hiện vật có hình thức độc đáo;c) là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG