70 năm Đề cương Văn hóa VN: Giá trị còn mãi với thời gian

70 năm Đề cương Văn hóa VN: Giá trị còn mãi với thời gian
TP - “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do cố Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đến nay tròn tuổi 70. Ý nghĩa của nó với đời sống văn hóa - xã hội lúc bấy giờ và hiện tại đã được khẳng định qua đánh giá của các chuyên gia văn hóa - lịch sử.

> Trải nghiệm tình nguyện cùng bạn trẻ thế giới
> Chuyện dọc đường với Đại sứ Mỹ

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định Đề cương Văn hóa như là một văn kiện chính trị đồng thời đề cập vấn đề nền tảng phát triển của dân tộc, đó là văn hóa. Đề cương văn hóa với 3 nội dung: dân tộc, khoa học và quần chúng đã đáp ứng được những nhu cầu rất lớn mà người Việt Nam phải giải quyết lúc bấy giờ.

Khi ấy, thực dân Pháp, phát-xít Nhật áp đặt tròng văn hóa nô dịch theo quyền lợi của họ trong khi đất nước vẫn chưa thoát khỏi chế độ phong kiến lạc hậu. Vì thế, Đề cương Văn hóa có sức công phá lớn vào di sản đương đại lúc đó - di sản ngăn cản bước tiến lên của dân tộc.

Theo ông Đỗ Kim Cuông - Phó Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các hội VHNT VN: “Ý nghĩa quan trọng nhất của Đề cương Văn hóa là ở chỗ, tại thời điểm đó (1943) Đảng đã công khai quan điểm, thái độ về văn hóa.

Nhờ chính cương đó mà tập hợp được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức dù ở bất kỳ quan điểm nghệ thuật, giai cấp nào cũng đều hướng tới mục đích chung là đấu tranh giải phóng dân tộc, hướng tới ngọn cờ của Đảng.

Chính đội ngũ văn nghệ sĩ như: Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Học Phi…cùng với hàng trăm văn nghệ sĩ khác đã đến với cách mạng và làm nên nền văn nghệ cách mạng của chúng ta sau này”.

PGS.TS Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn VN) phân tích: Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 có hai ý tưởng rất quan trọng: Thứ nhất là quan niệm văn hóa cùng với chính trị, kinh tế là ba yếu tố không thể tách rời và người cộng sản phải nắm vững các yếu tố này để hoạt động cách mạng.

Thứ hai, để giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội đương thời, trong tình thế đất nước rất căng thẳng (Nhật vào tham chiến, nạn đói khiến 2 triệu người chết, chuẩn bị tổng tổng khởi nghĩa 1945) thì văn hóa phải được thực hiện bằng ba phương châm: Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Quần chúng hóa.

Dân tộc hóa nghĩa là cứu nước; Đại chúng hóa là đưa văn hóa vào đời sống quần chúng và nâng quần chúng lên một trình độ văn hóa cao; Khoa học hóa là trang bị một cách nhìn, quan điểm tiến bộ theo quan niệm Mác-lêninit để soi chiếu những vấn đề của thực tiễn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: 70 năm đã trôi qua, chúng ta phải nhìn nhận giá trị của Đề cương trong bối cảnh lịch sử của nó để luôn thấy những nội hàm mới mang tính phát triển phù hợp với hoàn cảnh đất nước hiện nay.

Trên con đường hội nhập với thế giới, chắc chắn gặp nhiều thử thách, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Vì thế những nhân tố về dân tộc, khoa học và đại chúng vẫn còn nguyên giá trị và chúng ta vẫn còn phải nhìn nhận bằng nhu cầu của thời hiện đại.

Theo ông Đỗ Kim Cuông: “Sự phát triển của Đảng ta trước đây và hôm nay trên mặt trận văn hóa đã có sự kế thừa và phát triển của Đề cương Văn hóa. Từ đó, chúng ta đã phát huy được sức mạnh và giá trị văn hóa của dân tộc, tạo dựng được diện mạo mới cho đời sống văn hóa, văn nghệ Việt Nam hôm nay”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG