Phong nghệ nhân - vẫn điệp khúc chờ

Phong nghệ nhân - vẫn điệp khúc chờ
TP - Phong Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú khởi phát từ nhiều năm nay, nhưng chính sách liên quan đãi ngộ các nghệ nhân vẫn dậm chân tại chỗ. Phải chờ mỗi lần những báu vật dân gian như nghệ nhân Xẩm Hà Thị Cầu qua đời, dư luận lại được dịp xới xáo.

> Về Ninh Bình chia tay nghệ nhân Hà Thị Cầu
> Người Hà Nội chơi cồng chiêng Tây Nguyên

Những của báu còn sót lại

Sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu tuần trước khiến không ít chuyên gia, dư luận xót xa. Điểm lại dễ thấy chẳng còn mấy nghệ nhân tầm “của báu” còn lại với đời.

Sau sự ra đi của NSND Quách Thị Hồ, NSƯT Phó Thị Kim Đức là một đại diện xuất sắc của nghệ thuật ca trù.

Có điều, trong lúc làng ca trù Hà Nội sôi nổi, đôi khi còn có những chuyện rùm beng thì nhóm của bà lại chọn cách đóng góp âm thầm. Cách bảo tồn này được những người hiểu ca trù đích thực ghi nhận.

“Xưa ca trù không có một bậc thầy nào tổng kết ra khuôn. Ca trù hay ở điểm mỗi cụ đánh một kiểu, nhưng tất cả đều phải nằm trong một khuôn khổ. Để có thể chơi được như thế đòi hỏi nghệ nhân phải đã trải qua quá trình học hỏi một thời gian dài”, bà chia sẻ.

Tuy nhiên trước thực trạng ca trù ngày càng “quần chúng hóa”, giống dân ca hơn, NSƯT Phó Thị Kim Đức đã nghiên cứu và đúc kết thành khuôn, gọi là Hát khuôn.

Đờn ca tài tử dẫu vẫn hiện hữu nhiều ở vùng sông nước Nam Bộ nhưng của báu dân gian có lẽ chỉ còn nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Năm 2009 ông được nhà nước Pháp vinh danh Huy chương Nghệ thuật và Văn chương, khác danh hiệu Hiệp sĩ Văn hóa và Nghệ thuật.

GS. Trần Quang Hải cho biết, đây là huy chương rất cao quý, cho tới thời điểm này Việt Nam mới chỉ có 2 người được trao tặng: Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, trước đó là GS. Trần Văn Khê.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 trong một gia đình có truyền thống đờn ca tài tử ở Sa Đéc, 10 tuổi đã chơi thạo tranh gáo kìm cò… Chưa đầy 20 tuổi tài đàn của ông đã nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh.

 Các cụ sống ở nông thôn, cả đời có hội diễn đâu mà đòi huy chương vàng. Huy chương là của những người thi đấu, nghệ nhân việc gì phải đấu với ai”. 

Năm 1955 Trường Quốc gia Âm nhạc- Kịch nghệ SG thành lập, mời ông làm trưởng ban giáo sư âm nhạc miền Nam. Hoạt động tới năm 1964 ông rời trường vì bất bình âm nhạc truyền thống không được chú trọng.

Nhiều chục năm lại đây, ông miệt mài giữ ngón đàn, giảng dạy các môn sinh tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới qua… internet.

Ngoài ra phải kể tới các nhạc sĩ tài tử nức tiếng song ít được đại bộ phận công chúng và các nhà quản lý biết tới: NSƯT Văn Giỏi- dẫu là một nhạc sĩ khiếm thị nhưng tiếng đàn guitar phím lõm tài tử không ai sánh bằng.

Nhạc sĩ, NSƯT Ba Tu đàn kìm cũng vậy, ông còn được biết đến với tư cách là người góp công phục hồi lại đầy đủ 7 bản cò, trong tổng số 20 bản tổ của đờn ca tài tử những năm 1990.

NSƯT Nguyễn Kiểm ở Quy Nhơn, Bình Định được biết đến là một trong những nghệ sĩ Bài chòi nổi bật nhất hiện nay. Ông là một trong những nghệ sĩ xây dựng thành công vở bài chòi Thoại Khanh -Châu Tuấn cho đoàn văn công liên khu Năm khi đoàn đang tập kết tại Hà Nội những năm kháng chiến.

Ông là cựu trưởng đoàn Ca kịch bài chòi Bình định và là thầy của nhiều lớp học trò, trong đó có nhiều người là NSND, NSƯT. Ngoài ra còn những nghệ nhân cũng cần được nhắc tới như: nghệ sĩ Bạch Huệ (Tài tử), nghệ nhân Kim Đức, Kim Liễu (Bài chòi)…

10 năm chờ luật vẫn bất cập

“Trông các cụ cứ lần lượt ra đi mà thương mà xót, nhưng không biết làm thế nào cả”, GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh nói. Hội Văn nghệ Dân gian có sáng kiến phong tặng Nghệ nhân dân gian từ 2002, đến nay được hơn 300 cụ. Tuy nhiên, GS. Thanh thừa nhận, Hội không có điều kiện nên cũng chỉ làm đến chừng ấy, chính sách đãi ngộ cứ phải trông chờ vào luật. Trong số các nghệ nhân dân gian do Hội vinh danh, không ít cụ về với tiên tổ.

Khi được hỏi về Nghị định phong tặng Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NDƯT) GS. Tô Ngọc Thanh tỏ ra chán nản: Bao năm nay nói mãi rồi, vẫn thế.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm về quy định bất cập muốn được phong NNƯT, NNND các cụ phải có 3, rồi 5 Huy chương vàng. “Các cụ sống ở nông thôn, cả đời có hội diễn đâu mà đòi huy chương vàng. Huy chương là của những người thi đấu, nghệ nhân việc gì phải đấu với ai”, ông nói.

Nên chăng, danh hiệu NNND, NDƯT chỉ cần xét theo giá trị của các nghệ nhân. Còn trước ý kiến không nên phân NNƯT, NNND, thành viên ban soạn thảo giải thích vướng Luật thi đua khen thưởng.

Ngay khi có Luật di sản (2001) và Luật thi đua khen thưởng (2003), chế độ đãi ngộ các nghệ nhân được nhắc đến. Nhưng khi ấy chỉ đề cập nghệ nhân dân gian ở các làng nghề thủ công, chưa tính đến các nghệ nhân của các loại hình: tiếng nói, chữ viết ngữ văn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian hay nghệ thuật trình diễn dân gian. Bộ VHTT&DL rất lâu sau mới trình được Chính phủ sửa đổi Luật Di sản (2009) và sửa điều 65 của Luật thi đua khen thưởng.

Còn nhớ năm 2009, Bộ có văn bản gửi các Sở VHTT&DL gấp rút kê khai danh sách nghệ nhân chuẩn bị cho đợt phong tặng NNND, NDƯT đầu tiên trong năm 2010.

Giờ này nghị định ấy vẫn nằm ở dạng đang soạn thảo, chờ lấy ý kiến. Theo thông tin ban soạn thảo Bộ VHTT&DL, trong tháng 3 này mới chốt văn bản, hứa hẹn trình Chính phủ trong năm nay.

Trong khi đó, Bộ Công thương kịp ban hành thông tư hướng dẫn tiến hành phong tặng đợt 1 (2011), chuẩn bị cho đợt phong tặng tiếp theo. Nghệ nhân của các di sản văn hóa phi vật thể vẫn điệp khúc chờ.

Theo thông tin từ ban soạn thảo, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú sẽ được hưởng một lần mức tiền thưởng đi kèm bằng 12 lần mức lương tối thiểu đối với NNND, 8 lần đối với NNƯT.

Ngoài ra, căn cứ quy định tại Luật Di sản sửa đổi, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Hội Văn nghệ dân gian, đề nghị Nhà nước có chính sách đãi ngộ với nghệ nhân được phong tặng. Nhưng quy định cụ thể lại phải chờ các bộ ngành liên quan phối hợp, khó sớm ban hành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.