> Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Chất thợ, chất lính, chất văn
> Truyện ngắn của Di Li được dịch ra tiếng Anh
Trên cái đà kinh tế đi xuống, văn chương cũng chẳng đi lên, đáng phải nở nụ cười vui thích khi nghe Văn Sáng trải lòng: “Văn học mang lại cho tôi những điều cao quí giúp tôi nuôi dưỡng tâm hồn. Cái sướng đó không giống một cái gì cả, không giống một bữa rượu ngon, cũng không như tình yêu nam nữ”.
Cần gì giảng về chức năng của văn học, cứ để chàng hoạ sỹ này nói về sự sướng của mình khi đọc văn đủ để người khác tự cảm nhận sức mạnh và ý nghĩa của văn chương rồi. Nhớ ở đâu đó nhà phê bình Hoài Thanh từng khắc họa tương lai, đại ý, sẽ có thời người ta cần thơ hơn cần cơm.
Nếu còn nhiều người nặng tình với văn học giống như hoạ sỹ Văn Sáng thì giấc mơ của Hoài Thanh chắc cũng không rơi vào viển vông. Nhưng rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, nó đang là phi thực tế.
Cũng chính vì lẽ đó, Văn Sáng trở thành “hàng độc” trong nhan nhản những hoạ sỹ minh hoạ bìa sách nói chung, bìa sách văn học nói riêng.
Có nhiều lí do để anh tồn tại một cách kiêu hãnh trên 20 năm qua với nghề vẽ bìa sách văn học nhưng nguyên do lớn nhất là duyên nợ với văn chương. Anh thú nhận, mình chẳng thể giống bạn anh, Đỗ Phấn, vẽ giỏi, viết hay.
Anh là anh, yêu văn học, tôn thờ văn học nhưng không bao giờ nhen nhóm ý định bước vào toà tháp nguy nga đó.
Một người vẽ bìa sách văn học bằng một tình yêu trong trẻo thế, cùng với tài năng sẵn có, hẳn các nhà văn yên tâm khi trao cho anh trách nhiệm tạo nên diện mạo “đứa con tinh thần”. Một nhà văn nổi tiếng khẳng định: Văn Sáng là người vẽ bìa sách văn học số một hiện nay.
Vẽ bìa sách: Ôi giời, nghèo lắm
Không tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cũng chẳng dạo qua Mỹ thuật Yết Kiêu, Văn Sáng học mỹ thuật hội hoạ từ nhỏ ở Nhà nghệ thuật quần chúng Hà Nội.
“Không “chính chuyên”, thế mà anh không có ý định hoàn thiện vỏ ngoài?”, tôi hỏi. Và nhận được câu trả lời phần nào đoán trước được: “Không cần thiết, cơ bản là tác phẩm”. Có cảm giác anh thích “trường phái” tự do.
Cũng đi lính, cũng từng là viên chức bình thường (thiết kế mỹ thuật cho một tờ báo), thấy công việc đơn điệu, vài năm sau anh “sổ lồng”, thành hoạ sỹ tự do cho đến tận bây giờ.
Văn Sáng đến với thiết kế bìa sách hoàn toàn vô tình. Trước đó anh từng làm thiết kế mỹ thuật cho bao bì hàng hoá. Một ngày đẹp trời, anh nhận được lời đề nghị vẽ bìa cho một cuốn tiểu thuyết trong nước từ một người làm trong ngành xuất bản.
Tưởng cũng như chuyện thiết kế nhãn rượu, nhận thù lao và trôi vào quên lãng, đâu ngờ cái bìa sách bé xinh ấy lại mang đến cho anh vô số lời ngợi khen. Hoạ sỹ bén duyên sách văn học từ đó.
Chẳng biết trong tình yêu lứa đôi Văn Sáng có hớn hở và bền bỉ như trong “mối tình” với bìa sách hay không? Những gì anh nhận lại từ việc thiết kế bìa sách không nhiều. Nếu giá một bức tranh của một hoạ sỹ có tiếng thường tính bằng ngoại tệ thì thù lao cho một thiết kế bìa sách nếu qui ra ngoại tệ, thật đáng ngượng ngùng.
“Bây giờ bìa sách bình thường là một triệu đồng, nhuận bút của tôi có thể cao hơn so với một số người khác. Tất nhiên có những bìa đặc biệt thù lao khá hơn”, anh tiết lộ.
Đụng đến vấn đề vật chất anh kêu lên: “Ôi giời ơi, nghèo lắm”, kêu thế nhưng khi hỏi có lăn tăn vì đã chọn nghề nghèo thì lại cười: “Tôi không lăn tăn gì. Làm được cái bìa đẹp, được mọi người đón nhận, đã là niềm vui lớn”.
Có lẽ cũng vì cái sự ít tiền nên nhiều hoạ sỹ không mặn mà lắm với việc thiết kế bìa sách. Có người chỉ coi đó là nghề tay ngang. Còn Văn Sáng lại buông cả cuộc đời buồn vui cùng nó.
Cái tên Văn Sáng “hot” thì không “hot” nhưng vững bền, tin cậy, đặc biệt với các nhà văn. Nếu đọc văn biết người thì xem bìa sách tinh ý sẽ nhận ra Văn Sáng. Anh hướng tới sự đơn giản mà tinh tế. Một trong những bìa sách hoạ sỹ tâm đắc gần đây nhất chính là “Havest Mùa màng đọc lại nỗi đau” (NXB Hội Nhà văn) của Lê Ngân Hằng.
Theo nhà văn từ sách vào đời
Đã đi một hành trình dài, thu lượm được không ít thành quả, nếu Văn Sáng có làm một triển lãm bìa sách cá nhân lần đầu tiên ở Việt Nam thì cũng chẳng ai nỡ nói anh chơi trội. Đã có nơi, có người nhã ý tài trợ cho anh làm việc đó nhưng hoạ sỹ vẫn còn ngần ngại. Bản tính anh thích giản dị, thích kín đáo (và chắc là thích “sáng” mà không chói).
Và có lẽ, mấy ai, trừ những người trong nghề biết tên anh. Văn hoá đọc đang ở trạng thái đèn vàng, đèn đỏ, ai thừa thời gian để tìm cái tên Văn Sáng bé xíu ở phía sau quyển sách.
Trân trọng văn chương, trân trọng người cầm bút nên Văn Sáng khó tính trong tác phẩm của mình: “Thiết kế xong muộn mấy, tôi cũng chưa đưa ngay. Tôi nhìn vào tác phẩm của mình bằng nhiều thời điểm khác nhau, mỗi thời điểm lại phát hiện ra những khiếm khuyết. Ngay cả khi đã làm xong, nếu có cách gì hay hơn, tôi lại huỷ cái cũ đi, không tiếc”.
Nhưng đừng nghĩ yêu cầu hoạ sỹ làm lại bìa là chuyện dễ dàng: “Tôi cũng mang tính áp đặt mạnh, nếu có làm lại bìa là do tôi cảm thấy cần thiết. Còn yêu cầu tôi làm lại, lại là câu chuyện khác. Bởi khi tôi đã đưa ra một thiết kế nghĩa là tôi đã phải hài lòng rồi, nếu góp ý thấy hợp lí, tôi sửa ngay, nếu góp ý không làm thiết kế hoàn chỉnh thì tôi bảo vệ thành quả của mình”.
Coi thiết kế bìa sách văn học là một sáng tạo nghệ thuật nên Văn Sáng mất nhiều công tìm tòi, từ tiểu sử tác giả, phong cách sáng tác, hoàn cảnh ra đời tác phẩm…
Anh cũng dành thời gian cho việc thưởng thức tác phẩm văn chương. Sự kỹ càng ấy đã giúp họa sỹ cho ra đời những thiết kế không chỉ bắt mắt mà có chiều sâu. Cách tư duy của anh về “Nỗi buồn chiến tranh” chẳng hạn, không hề lối mòn: “Chiến tranh không nhất thiết phải thể hiện bằng súng, đạn, mũ cối…
Một đường tàu đi vào chiến trường cứ mờ dần, mờ dần, một cánh hoa hồng rơi xuống đường tàu như một giọt máu, như tuổi trẻ, như tình yêu…. tôi nhìn “Nỗi buồn chiến tranh” như thế”.
Cũng từng được nhiều lần vinh danh thiết kế bìa sách đẹp nhưng họa sỹ thường chạy trốn. Chẳng phải vì “chảnh”, chẳng qua vì ngại sự tôn vinh úi xùi.
Tôn vinh người thiết kế bìa sách mà giấy khen lại đặt tên tác giả và tác phẩm lên trên, đặt tên hoạ sỹ, chủ nhân giải thưởng ở sau cùng? Cũng chạnh buồn đó nhưng biết làm sao? Một khi đã chấp nhận làm “ẩn sĩ” thì những sự việc ấy âu chỉ là chuyện vặt.
Cũng đi lính, cũng từng là viên chức bình thường (thiết kế mỹ thuật cho một tờ báo), thấy công việc đơn điệu, vài năm sau anh “sổ lồng”, thành hoạ sỹ tự do cho đến tận bây giờ. |
Lặng lẽ bên những người bạn nổi tiếng Chẳng biết anh có buồn không, khi bạn anh phần nhiều là những tên tuổi đình đám của làng văn? Hoá ra anh chấp nhận điều đó như lẽ tự nhiên: “Vai trò của người thiết kế ở đâu cũng thế, bao giờ cũng vậy. Từ đông tây kim cổ, cũng chỉ là một cái tên rất nhỏ phía sau”. Hỏi trong làng văn anh thân với ai, chuỗi bạn thân của anh khiến người ta ghen tị: Nguyễn Bình Phương, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Đoàn Tử Huyến, Phạm Xuân Nguyên, Trung Trung Đỉnh… Anh hay bù khú với họ vì trọng tài năng, tác phẩm, còn sự nổi tiếng của họ lại chẳng mảy may bận tâm. Như chuyện anh mê thơ lục bát của Đồng Đức Bốn cũng thế. Chẳng chờ đến khi Đồng Đức Bốn mất hay khi tên tuổi đã linh đình nhờ những Gala thơ thì Văn Sáng mới thích: “Tôi thích từ hồi Đồng Đức Bốn chưa là gì. Tôi không chạy theo truyền thông”. Họa sỹ cũng mê truyện ngắn Hoà Vang từ hồi chưa gặp nhà văn, cứ tưởng tên Hoà Vang là tên con gái. Anh cũng thích Nguyễn Huy Thiệp ở thời đỉnh cao, thích “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư và dành niềm cảm mến trước văn Bảo Ninh: “Câu chữ của Bảo Ninh cực kỳ chắt lọc, tinh tế, kỹ càng. Nhất là những chương đầu của “Nỗi buồn chiến tranh”.Văn của anh ấy như là tiệc của ngôn từ, đọc xong thấy tiếng Việt đẹp hơn, đáng yêu hơn”. |