> Ngắm trình diễn thư pháp trên dải lụa dài 50m
> 'Bà đồ' xinh đẹp thảo chữ đầu năm
Trung bình mỗi chữ chiếm khoảng 30cm2. Theo nhà thư pháp Đặng Anh Việt đại diện nhóm, đây là bức thư pháp dài nhất ở Việt Nam cho đến nay.
Tác phẩm do 18 nhà thư pháp trẻ thực hiện có tên Thập bát thi gồm 18 bài thơ Hán Nôm viết về mùa Xuân chọn lọc. Trong đó có hai câu trong Truyện Kiều: Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, có bài Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng các bài thơ của Cao Bá Quát, Mãn Giác Thiền Sư, Trần Nhân Tông, Đoàn Thị Điểm... Các nhà thư pháp dùng 5 thể cơ bản Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo để viết.
“Luyện chữ 10 năm mới gọi là nhập môn. Phải mất 20 năm mới thạo được một thể,” Đặng Anh Việt- người từng có thời gian học thư pháp ở Trung Quốc cho hay. “Nhà thư pháp có thể không viết được hết các thể nhưng đọc phải hiểu”.
Năm ngoái, nhóm này cũng thực hiện một tác phẩm thư pháp có quy mô tương tự nhưng trên giấy. Giấy hút mực nên viết tương đối dễ hơn, nhưng lại không bền. Hiện nhóm đang tìm một tổ chức đứng ra bán đấu giá tác phẩm. Số tiền thu về, trừ chi phí nguyên liệu sẽ được dành để làm từ thiện.
Nhị Thập Bát Tú gồm 28 thành viên. Mỗi người mỗi nghề, người làm ở Viện Văn, Viện Hán Nôm, người làm ở bệnh viện Y học Cổ truyền, thậm chí làm trong ngành ngân hàng, du lịch...
Hầu hết đều tự trau dồi từ 10 đến 30 năm để có thể làm chủ được con chữ tượng hình. Nhiều thành viên trong nhóm có những cuộc triển lãm thư pháp ở nhiều nước và tham gia trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử.
Trong số các cây bút tham gia thực hiện Thập bát thi có NSƯT Trung Hiếu (Nhà hát Kịch Hà Nội).
Đến với thư pháp từ năm 2001, Trung Hiếu lý giải về cái tên Nhị Thập Bát Tú: “Năm 2006, CLB Thư pháp Trẻ Hà Nội cần chọn ra 28 người viết chữ trong Văn Miếu nên lấy tên như thế, chứ càng đông anh em tham gia thì càng quý, càng vui”.
Trung Hiếu kể thời gian đầu anh mua hàng yến báo cũ về để làm giấy luyện chữ, có những đêm say sưa ngồi viết, khi nhìn đồng hồ thì đã 5-6 giờ sáng. “Thời gian đầu viết bằng bút chì, bút mực thì dễ, bắt đầu sử dụng bút lông cả một nghệ thuật. Ngay ở Trung Quốc, tỷ lệ người viết thư pháp so với dân số không phải nhiều”.
Hóa ra năm 2010, Trung Hiếu sang Trung Quốc làm phim đã được cả đoàn phim từ đạo diễn, diễn viên đến người làm phục trang... đến xin chữ. Xin xong còn chắp tay vái cẩn thận. Nhưng anh vẫn khẳng định: “Biển chữ vô bờ, mình chỉ nắm được một phần nào đấy mà thôi”.