Từ chú cầy hương đến chàng gấu rừng già

Từ chú cầy hương đến chàng gấu rừng già
Tôi thích đọc văn Cao Duy Sơn từ khi được đọc những truyện ngắn đầu tiên của anh gửi về Tạp chí Văn nghệ quân đội, mà lúc ấy tôi làm biên tập viên.

> Bánh xì chen gọi tết
> Tin

Những truyện ngắn tôi cứ nhớ mãi cái không khí miền núi vừa mơ mơ màng màng lại vừa sâu hun hút bởi vẻ đẹp của thiên nhiên quyến rũ con người ta, lôi kéo con người ta, nâng đỡ con người ta từ chốn thâm nghiêm huyền bí của rừng già, hang thẳm, đến khi trở về với cuộc sống tự nhiên, hồn nhiên của cộng đồng.

Đọc văn Cao Duy Sơn (hồi ấy chưa biết nhau) tôi cứ hình dung Cao Duy Sơn giống như một chú cầy hương của rừng hoang dã, bình thường chú ta ngủ yên trên vòm lá cây dẻ trắng (không hiểu sao lại là dẻ trắng! và cũng không hiểu sao lại trên vòm lá chứ không phải trong hốc cây!) và thỉnh thoảng chú ta mới rời chỗ ngủ đi ra, chú đi ra và chú toả hương làm cho khu rừng tự nhiên thấy mình trở nên thanh sạch hào hoa hẳn lên.

Bẵng đi một thời gian sau đó tôi lại có dịp đọc các truyện ngắn của anh được tập hợp lại thành tập: Những chuyện ở lũng Cô Sầu, sau đó là tiểu thuyết Cực lạc và Người lang thang. Ba cuốn sách mỗi cuốn một lối viết, đặc biệt là tập truyện ngắn, tôi thấy không có truyện nào phải "độn" cho truyện nào.

Tập truyện ngắn không ồn ã nhưng cũng không hề nhu mì, tự nó toả hương và tự nó tiến sâu vào tâm khảm ta bằng những nhân vật đầy cá tính và những chi tiết độc đáo không phải cố gắng mà khai thác được. Văn Cao Duy Sơn giàu hình ảnh, giàu chất say của người say thiên nhiên.

Càng đọc những tác phẩm gần đây của anh tôi thấy nó mỗi ngày một khúc chiết hơn, nói theo lối nói của các nhà nghiên cứu thì nó "luận đề" hơn, từng trải hơn.

Bây giờ, sau khi đọc các tiểu thuyết của anh, tôi lại thấy Cao Duy Sơn lột xác từ chú cầy hương thành chàng gấu vừa bừng tỉnh giấc ngủ đông đi trong loang lổ nắng xuân của rừng già săn tìm những đõ mật ong thơm thảo mà thiên nhiên yêu dấu ban tặng cho cuộc sống.

Và phải công nhận chàng gấu của tôi đã trưởng thành hẳn lên bởi dáng đi lầm lũi tự tin, cách tự thể hiện mình vững vàng rắn rỏi, tuy cái chất thơ mộng lang bang không còn nhiều, không còn mang mang những mảng mờ, những diểm dừng ngẩn ngơ đầy thi vị như xưa nữa.

Chú gấu say mật, say vị ngọt tinh khiết và vẻ đẹp hào hoa phóng túng của rừng, những dòng văn cứ thế từ trong cơn say toả ra tạo nên một Cao Duy Sơn mềm mại, gầm gừ, vừa "gấu" lại vừa rất lành theo kiểu gấu!

Tôi xin mời bạn hãy đọc một trích đoạn văn Cao Duy Sơn để thấy cái anh chàng cầy hương dễ thương kia đã lột xác thành anh chàng gấu rất "gấu" của núi rừng Trùng Khánh (Cao Bằng)quê hương anh:

"Tháng ba, rét nàng Bân về cùng mưa phùn, thấm khí lạnh vào những sườn núi cao ngất. Đá giá buốt và đục nhờ trong mây mù bao phủ. Cái thứ mù lẫn nước là là bay thấp khiến mặt đất không sao hửng lên được. Lối mòn dưới những chân núi kia, nếu không có từng tốp người chuyển động trong sương mù, sẽ khiến trí tưởng tượng thức dậy những câu chuyện cổ, về một vùng sơn cước chỉ có loài yêu quái và ma quỷ náu mình.

Đừng sợ cái lặng im của rừng núi. Hãy nhìn về phía chân đèo Keng SLi kia, nơi ấy có sự sống của con người. Đó là làng quê đã sinh ra tôi, cái bản Cô Sầu, sớm nay đang vào tiết thanh minh"...

(Truyện ngắn "Tượng trắng")

Nếu tôi là người chọn một đoạn văn mẫu cho các cháu học sinh cấp II thì tôi nhất định sẽ chọn đoạn văn này- đoạn văn khi anh còn là chú cầy hương.

Và đây nữa, bây giờ là đoạn văn khi anh đã biến thành chàng gấu rất chư là "gấu":

"Phải leo qua hai bờ mương, và vượt một khoảng đồi trống nữa mới tới chân rừng SLam Kha. Rẽ lối trái đi chừng ba lần đổi khăn vai sẽ đặt chân đến đất Hoa Động. Nhưng thằng Pồn không rẽ qua lối ấy, nó nhằm hướng bên phải. Lối này sẽ dẫn đến chân rừng, nơi ấy có ngôi mộ của mẹ nó. Đôi bàn chân to dày của nó đạp ào ào qua bãi ràng ràng đã bị phát trụi, trơ gốc tua tủa. Nhưng thằng Pồn chẳng hề thấy đau đớn.

Mặt trời đã lên cao. Nắng đổ vàng loá khắp núi đồi. Rừng SLam Kha đã hiện ra phía trước mặt. Thằng Pồn lẩn vào một gốc dẻ ven lối đi. Tựa lưng vào thân cây, ngửa mặt lên thở dốc. Trên cao kia ánh nắng xuyên qua kẽ lá, thả bóng lốm đốm quanh nơi nó đứng. Đâu đó, tiếng cu rừng gù lên cúc cu, buông vào lòng nó nỗi hoang vắng. Nó cảm thấy dưới bàn tay bên phải có một thứ chất lỏng âm ấm đang loang ra kẽ ngón. Nâng cánh tay ngang tầm nhìn, đôi mắt giá lạnh của Pồn dửng dưng nhìn những giọt máu thánh thót nhỏ xuống đất. Máu từ cánh tay nó nhỏ ra đấy. Vật cứng dấu trong ống tay áo khi sáng nó nói dối lão Khần là cái chai nhưng thực ra, đó là lưỡi dao nhọn. Nó đã nói dối lão. Lần đầu tiên trong đời nó dám nói dối lão Khần - một con người luôn được nó kính trọng. Biết làm thế nào được. Mỗi người đều có bí mật riêng của mình".

(Tiểu thuyết "Cực lạc" trang 124 - 125).

Ở đời không có cái gì tự dưng mà có. Để đến được với những câu những chữ lấp lánh cứ tưởng như dễ dàng, tưởng như tự nó tuôn trào ra khỏi ngòi bút - bàn phím, nhà văn Cao Duy Sơn đã phải đánh vật với nó, đánh vật với chính mình.

Cao Duy Sơn có cái tật viết đi viết lại viết tái viết hồi một đoạn văn, thậm chí một câu văn, một cái truyện ngắn hay từng chương tiểu thuyết, để đến khi đọc nó lên, nó mang một tiết tấu riêng, nhịp độ bản sắc riêng, nhưng chính vì có cái "riêng" ấy mà câu văn ấy, đoạn văn ấy "hòa nhập" vào "cộng đồng chung" của cả cuốn sách với một không khí tự nhiên như nhiên, cùng giọng điệu cùng sắc thái mà chỉ có Cao Duy Sơn mới có.

Hình như các nhà phê bình gọi đó là giọng điệu riêng vậy.

Tôi âm thầm "theo dõi" các cuộc hành trình của Cao Duy Sơn giữa Hà Nội - Cao Bằng - Cao Bằng - Hà Nội, giữa chuyện riêng tư với việc công sở, mới hay chú gấu này không hề ngủ đông. Có thể ví anh như một con thoi, hơn thế, mọi cái buồn vui day dứt của anh dường như thường trực "ở trên ấy".

Mọi tình hình thế sự của anh cũng quy tụ về đầu mối Cô Sầu, về cái "ngôi nhà xưa" bên suối và về những người thân của anh. Cái mảnh đất QUÊ HƯƠNG của anh, nơi "cắm chốt" của anh trên mọi dấu ấn tác phẩm đều là xứ sở này. Dù đi cuối đất cùng trời thì mọi tâm tưởng của anh cũng đều quy tụ về "cứ điểm" Cô Sầu.

Về cái nơi xuất phát. Cao Duy Sơn yêu quê hương theo kiểu riêng của mình. Ấy là mối quan tâm đau đáu cô độc, không hề muốn có ai biết được anh đang "âm mưu" những gì.

Cái cách yêu của nhà văn cũng giống như anh ta đang sáng tác, không hề muốn lộ ra là mình đang viết gì. Đang và sẽ là hai động từ mà nhà văn ngại nói đến nhất. Cái thiêng liêng nó ẩn sâu ở tít bên trong, chỉ cần vô tình bị hé lộ một manh nha nhỏ thôi, đã khiến anh ta giật thột rồi.

Về cái khoản này thì Cao Duy Sơn thuộc thứ hạng đáng nể. Cũng là câu chuyện đặc thù, đặc tính riêng của người sáng tác, ấy là sự nhạy cảm.

Đối với Cao Duy Sơn chỉ cần vô tình đụng vào cái vỏ của khối ký ức thời "cây xăng" là đủ hiểu nhà văn phải vật lộn thế nào với công ăn việc làm, với bát cơm manh áo, với tư chất của một con người, và với phẩm chất của một người cầm bút.

Cũng không thua kém ai khi phải cắm cái cọc, buộc cổ cái chai bên đường ra dấu hiệu ở đây có xăng. Rồi từ một vài chai phát triển thành một vài can, từ một vài can lớn mạnh thành một vài thùng phuy. Một vài thùng phuy có mái che trở nên một doanh nghiệp, một CÂY XĂNG có thương hiệu.

Có quá nhiều điều quanh cái cổ chai này!

Bốn năm học trường viết văn Nguyễn Du lừng danh xong, bao nhiêu khát vọng lớn lao cùng với một mớ truyện ngắn, nhà văn tương lai, cựu chiến binh Cao Duy Sơn phải gác hết mọi thứ vào ngăn kéo, lao vào thực tế đời sống bắt đầu bằng cái chai xăng và hầu bao bốn năm chục ngàn bạc như thế. Của đáng tội, bây giờ thỉnh thoảng "hồi ký" lại chỉ thấy không hiểu sao lúc ấy mình có nhiều sức khỏe thế, đêm đêm nằm ngủ vài ba bốn lần có người "dựng dậy" mua xăng, sướng không thể tả. Sướng không thể tả khi viết xong một cái truyện ngắn gửi đi, nhận được thư của nhà biên tập báo tin truyện in ở số này, số nọ. Sướng không thể tả khi cánh lái xe réo bán xăng!

Hạnh phúc là như thế.

Bao nhiêu giải thưởng sau này nhận được, từ giải A Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam đến giải thưởng ASEAN, nhưng chưa khi nào thấy có cuộc xướng danh mang nhiều niềm vui sướng hơn cái tiếng gọi như vỡ lệnh của tay lái xe đường trường kêu lúc nửa đêm:

- Xăng! Xăng đâu! Cho mấy chai!

Mấy chai xăng hồi ấy là tiếng gọi của cơm áo gạo tiền, là tiếng gọi của hiện tại và tương lai, nó thiêng liêng và hấp dẫn "KHÔNG TẢ ĐƯỢC".

Từ chú cầy hương đến chàng gấu rừng già ảnh 1
 

Mới rồi gặp Cao Duy Sơn, chúng tôi ngồi nhâm nhi với nhau. Sơn nom như con gấu rừng thật. Đôi mắt nâu to gườm gườm gừ gừ, nhưng đến khi anh cười thì "thôi rồi gấu ơi", bởi nom anh hiền khô, chẳng "gấu" chút nào.

Quê tôi thung lũng Cô Sầu

Xuyên suốt các câu chuyện, các tác phẩm của nhà văn Cao Duy Sơn, ấy là nhịp sống của người dân xứ sở kỳ lạ mà gần gũi thân thương với ta: thung lũng Cô Sầu.

Một cái tên gợi cho ta cả bề dày văn hóa Tày Nùng và dấu ấn riêng của tác giả. Có lần tò mò, tôi hỏi Cao Duy Sơn, có thật có cái thị trấn mang tên Cô Sầu ấy không?

Cao Duy Sơn ngạc nhiên hỏi lại tôi: Quê tôi mà. Sao mà anh lại hỏi câu hỏi ngớ ngẩn thế! Chơi với nhau bao nhiêu năm mà lại hỏi một câu đụng vào bề sâu ký ức của nhau thế, không bị quở sao được. Tôi vẫn hay có cái thói "suy bụng ta ra bụng người", luôn luôn cứ nghĩ Cao Duy Sơn cũng giống mình, không phải tạng người có thể viết văn "mang tính thời sự" được.

Ai dè khi cầm bản thảo tiểu thuyết Đàn Trời về, tôi thêm một vố ngạc nhiên nữa. Năm sáu trăm trang sách nóng hôi hổi về những con người hôm nay, những công việc hôm nay, những vấn nạn hôm nay mà người ta hay gọi là "quốc nạn", đó là nạn tham nhũng.

Tham nhũng thì không thể không đụng chạm đến ma thuật chước quỷ của bọn người ma trong chốn quan trường! Nhiều năm nay Cao Duy Sơn sống dưới Hà Nội mà sao vẫn rành rẽ chuyện dự án dự iếc trên quê mình? Lại hỏi thêm câu này nữa, một câu hỏi trên cả ngớ ngẩn, có khi mất bạn!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.