Sẽ cấp phép Đĩa Táo quân nếu chỉnh sửa

Sẽ cấp phép Đĩa Táo quân nếu chỉnh sửa
TP - Chiều qua 1-2, Hội đồng nghệ thuật Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cho rằng, đĩa hình Táo quân - Gặp nhau cuối năm 2013 cần chỉnh sửa lời thoại, âm nhạc, nếu không sẽ khó được phát hành.

> Đĩa Táo quân 2013 bị ngừng cấp phép
> Táo quân 2013 'lệch chuẩn', trái thuần phong mỹ tục?

Gặp nhau cuối năm 2013 do Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) thuộc Đài THVN sản xuất, ghi hình ba đêm tại Cung Văn hóa Hữu nghị.

Ngày 30-1, Cục NTBD gửi công văn sang Đài THVN đề nghị VFC giải trình về vi phạm tổ chức- chương trình không có giấy phép.

Bên cạnh đó có dư luận cho rằng đĩa ghi hình chương trình này nhiều khả năng không được cấp phép phát hành trên thị trường, sau khi phát sóng đêm giao thừa. Tiền Phong trao đổi với Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương.

Có việc tạm ngưng cấp phép phát hành đĩa Táo quân 2013 không thưa ông?

Việc cấp phép phát hành đĩa khác với công văn Cục gửi sang Đài. Cái sai của VFC là tổ chức chương trình ba đêm tại Cung nhưng chưa được cấp phép.

Sau đó, Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình (TVAd) của Đài THVN có gửi văn bản sang Cục xin cấp phép phát hành Táo quân dạng băng đĩa. Hội đồng nghệ thuật của Cục đã thẩm định và thấy chương trình này chưa đảm bảo chất lượng nghệ thuật, có những lời nói, hành động của các nghệ sĩ biểu diễn phản cảm, trái thuần phong mỹ tục theo quy định của Nghị định 79 về hoạt động biểu diễn của Chính phủ.

Vì vậy hôm nay (1-2) Cục có văn bản gửi TVAd yêu cầu sửa chữa theo ý kiến của Hội đồng Nghệ thuật. Trong quá trình sửa chữa mà đảm bảo được nội dung, nghệ thuật và hình thức thể hiện, tư tưởng thì Cục mới cấp giấy phép.

Chương trình Táo quân 2013 nguy cơ không được phát hành đĩa nếu không kịp chỉnh sửa. Ảnh: H.D
Chương trình Táo quân 2013 nguy cơ không được phát hành đĩa nếu không kịp chỉnh sửa. Ảnh: H.D.

Nhưng trước đó, VFC gửi công văn xin cấp phép chương trình từ ngày 18-1?

Kết luận về đĩa Gặp nhau cuối năm 2013

Chiều 1-2, Hội đồng Nghệ thuật Cục NTBD có kết luận gửi VTV liên quan đến chất lượng đĩa Gặp nhau cuối năm 2013.

Trong đó nêu phần hạn chế: Thứ nhất là đoạn Bắc Đẩu vào chầu Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu có nhiều lời thoại và động tác thô tục gây phản cảm. Thứ hai là âm nhạc sao chép cẩu thả ở một số đoạn. Thứ ba là chất lượng băng đĩa kém nên Hội đồng không thể đánh giá đúng chất lượng chương trình.

Vì vậy, nếu đơn vị tổ chức không sửa chữa, biên tập lại nội dung Gặp nhau cuối năm 2013, thì nhiều khả năng chương trình không được phép lưu hành trên thị trường.

Sau ngày đó Cục NTBD liên lạc nhiều lần với Giám đốc VFC Đỗ Thanh Hải, nói rằng đây là chương trình được nhiều người quan tâm và khán giả chờ đợi, có nhiều vấn đề cần xem xét, thẩm định của cơ quan quản lí. Cục yêu cầu VFC bố trí cho Hội đồng Nghệ thuật thẩm định trước khi cấp phép. Tuy nhiên VFC không hợp tác, tổ chức ba đêm diễn khi chưa có giấy phép.

Táo quân ra mắt tròn 10 năm, và hiện tượng bị tuýt còi này chưa từng xảy ra?

Gần đây Cục có phần buông lỏng quản lí cho nên những chương trình cuối năm không duyệt nhưng vẫn cấp phép. Trong tổng kết năm 2012, lãnh đạo Cục nhận trách nhiệm với Bộ, kiên quyết khắc phục nhược điểm. Chính vì đã buông lỏng quản lí thời gian qua, bây giờ siết chặt có lẽ người ta vẫn nghĩ tiền lệ cấp phép không duyệt như các năm trước.

Nếu đúng VFC không có giấy phép, sao Cục và Thanh tra Bộ không can thiệp hủy chương trình?

Lẽ ra chúng tôi hủy chương trình nhưng lại không hủy bởi vì: Một, như thế tổn thương đến công chúng, vì chúng ta làm nghệ thuật mục đích cuối cùng là phục vụ công chúng. Thứ đến, nếu xử lí như vậy, cơ quan quản lí nhà nước bỗng dưng vì một lỗi của đơn vị sản xuất mà để công chúng thiệt hại lớn. Chúng tôi cân nhắc và không dừng chương trình, tìm cách xử lí không làm tổn thương đến công chúng.

Nhiều nghệ sĩ từng nói, nhiều khi lên sân khấu tung hứng và tự thêm lời không có trong kịch bản. Liệu với phần lời thoại không đẹp này, Cục chỉ xử lí sai phạm từ phía nghệ sĩ?

Nếu đơn vị tổ chức dàn dựng có cả quá trình, biết các nghệ sĩ có ngôn từ phản cảm mà vẫn đưa ra công chúng thì trước hết cái sai vẫn do đơn vị tổ chức. Đối với nghệ sĩ, sau khi xem xét sẽ nhắc nhở, sai đến đâu xử lí đến đó nhưng chúng ta làm việc trên tinh thần quy định pháp luật, đề cao tính nhân văn.

Mức phạt cao nhất trong trường hợp này là bao nhiêu?

Cục sẽ trao đổi lại với Thanh tra Bộ, Cục không có quyền xử phạt, chỉ báo cáo diễn biến.

Bộ từng gửi văn bản đề nghị các đài truyền hình hợp tác, kiên quyết không mời các nghệ sĩ vi phạm xuất hiện trên truyền hình, nhưng việc này vẫn không thực hiện được?

Trong cuộc giao ban gần đây, Bộ có ý kiến với Phó tổng giám đốc Đài THVN, ví dụ trường hợp ca sĩ Thu Minh chẳng hạn. Chúng tôi ý kiến nhiều rồi, chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn không chỉ là trách nhiệm của riêng Cục hay Bộ mà truyền thông phải vào cuộc. Trường đào tạo phải có những chuyên đề về đạo đức nghệ sĩ, khán giả có trách nhiệm lên án những hành vi như thế.

VTV nói gì?

Liên hệ với ông Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC, ông nói chỉ phụ trách nội dung, còn phần liên quan đến văn bản pháp chế thuộc trách nhiệm Đài THVN.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài THVN nói: “Lãnh đạo Đài giao cho VFC giải trình và giải quyết vấn đề này, nhưng phải chờ đến khi bên đó nhận được văn bản. Cho tới sáng nay (1-2) VFC chưa nhận được văn bản”.

Cục NTBD trực tiếp gửi văn bản sang VTV, nên chiều qua (1-2) VFC mới nhận được văn bản. Được hỏi về thông tin cho rằng VFC sai phạm trong tổ chức Gặp nhau cuối năm, Giám đốc Đỗ Thanh Hải nói chưa thể phát ngôn gì về sự việc. Nhưng ông Hải nói thêm: “Quan trọng nhất là mọi người có suy nghĩ, đánh giá như thế nào về chương trình”.

Đại diện VFC cho biết, Cục NTBD và Đài Truyền hình Việt Nam VFC sẽ có buổi làm việc để giải quyết mọi khúc mắc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG