Học phù thủy, làm ảo thuật
Bảo Thu là nghệ danh sau này. Tên thật của ông là Nguyễn Trung Khuyến. Ông kể, khi mới có ảo thuật diễn, ông chủ rạp bao giờ cũng trả tiền công bằng, ảo thuật được coi là một tiết mục biểu diễn.
Năm 1960, cái tên “thần đồng” ảo thuật Nguyễn Khuyến 16 tuổi nức tiếng Sài thành, với những trò nhanh tay, lẹ mắt Nguyễn Khuyến rút khăn thành hoa, biến từ 1 con chim bồ câu thành 2 con, cúi đầu xuống ngẩng mặt lên biến thành 6 con, rồi đến đỉnh điểm là 18 con bồ câu đậu trắng người - thì người ta gọi Nguyễn Khuyến là Ông hoàng bồ câu, Khuyến phù thủy.
GS Nguyễn Thành Long hồi đó là giám đốc của trường nghệ thuật Pháp chi nhánh ở Sài Gòn, có dạy cả ảo thuật. GS Long nhận đặc cách Khuyến vào để dạy học nâng cao, truyền cho Khuyến bí kíp thôi miên và dạy làm đạo cụ ảo thuật.
Ngày đi học, tối đi diễn ở các rạp hát hoặc rạp chiếu phim-hồi còn chiếu phim cuộn đen trắng, phim chiếu hết cuộn này được luân chuyển sang rạp khác.
Trong khoảng thời gian trống vì chờ phim, Nguyễn Khuyến diễn ảo thuật, mỗi tối diễn 2-3 sô, tiền cát xê ông bảo không đếm được. Giàu từ đó.
Đến 18 tuổi thì Nguyễn Khuyến là diễn viên biểu diễn ảo thuật chuyên nghiệp của đoàn Kim Cương, thường xuất hiện trong các chương trình đại nhạc hội lớn.
Nhiều lần yêu, một lần cài hoa đỏ lên tim
Hỏi ông, đến giờ có sống được bằng ảo thuật không? Ông trả lời không! Mà sống được nhờ vào các bài hát, cũng có nghĩa nhờ vào danh xưng nhạc sĩ Bảo Thu, chứ không nhờ danh “thần đồng” Nguyễn Khuyến: Mỗi lần sân khấu nào đó tổ chức nhạc hội, hoặc thâu chương trình, họ trả mỗi bài 300 đô la Mỹ, còn hằng tháng tôi nhận tiền từ Trung tâm bản quyền âm nhạc (Hội Nhạc sỹ Việt Nam) cũng được 2 - 3 triệu đồng.
Hồi lưu hành các bài Giọng ca dĩ vãng, Chớ hỏi vì sao tôi buồn?... người ta thâu băng, đĩa trả tôi hàng chục cây vàng. Thế là tôi sống khỏe!
Ca sĩ Thanh Tâm trên bìa nhạc. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ông có sáng tác đầu tiên Ước vọng tương phùng, năm 1964, với nghệ danh Bảo Thu - do ông ghép tên hai người bạn gái Bích Thảo, Thanh Thu ở Đà Lạt và Xuân Thu ở Sài Gòn mà nên.
Ông nói: “Hồi đó diễn ảo thuật trong đoàn âm nhạc Lâm Tuyền, cùng Nguyễn Ánh 9, Phùng Trọng…thấy tiền từ âm nhạc thu lời cao”. Từ lúc 8 tuổi, Bảo Thu đã được học mandoline với thầy Văn Thủy, học guitar với nhạc sĩ Lâm Tuyền. Tập tành viết nhạc, được trực tiếp nhạc sĩ Hoàng Bửu hướng dẫn, dạy guitar.
Đời vui nhất - là những cuôc rong ruổi khắp đất Nam, đất Bắc, miền Trung để diễn ngay trên sàn thùng xe tải, ở sân bóng ven làng, bên vệ cỏ dọc đường, ở cổng trường, bệnh viện...,được bà con ví như thần thánh. Nhà ảo thuật |
Nhưng để có tên tuổi Bảo Thu, thì phải đến năm 1965- khi bài hát Giọng ca dĩ vãng xuất hiện, từ một mối tình đổ vỡ của ông với cô học trò H.T: Ai đang xây mộng cát vàng cao sang/Ai đem cung nhạc tiếng đàn gieo hoang/Lời ca ngày ấy đã xa rồi/Mà sao còn chuốc mãi cung đàn vọng về tim.
Ca khúc này đã nổi đình đám qua giọng ca Lệ Thu, Thanh Tuyền…và cả Thanh Tâm - người sau này thành vợ ông.
Thanh Tâm, hồi chập chững vào nghề ca hát, đến nhà nhờ Bảo Thu dạy nhạc, rồi xin được hát song ca với Tuấn Vũ những ca khúc của Bảo Thu.
Những ngày đầu đến học, cô gặng hỏi nhạc sĩ sao buồn thế. Bảo Thu cắn cảu: Đừng hỏi vì sao tôi buồn! Rồi ông viết chúng thành những dòng nhạc: Lần đầu gặp anh em nói/ Chúng mình không thể quên nhau/Giờ đây đôi ngả chia lìa/ Chớ hỏi vì sao tôi buồn...?
Hai năm sau, sân khấu tiếp tục có ca khúc mới gắn với tên Bảo Thu: Cho tôi được một lần. Ấy là lời tỏ tình của Bảo Thu với Thanh Tâm: Cho tôi được một lần nhìn hoa giăng đầu ngõ/Một lần cài hoa đỏ lên tim... Cưới được Thanh Tâm, Bảo Thu không cho cô đi hát nữa. Nhưng hình ảnh của cô và 4 đứa con luôn ẩn hiện trong những ca khúc của ông.
Mơ một nền ảo thuật Việt
Năm 1978, người ta lại biết Bảo Thu với “trọng trách” mới: Bầu sô. Bảo Thu cùng vợ và 4 đứa con đi khắp các các tỉnh, huyện phía Nam với chiếc xe tải chất đầy đạo cụ. Những cái tên học trò của Bảo Thu tăng dần và mở rộng ra nhiều vùng miền: Z27 Nguyễn Đức Trường (Tiền Giang), Trung Hưng (Hải Phòng).
Bảo Thu bây giờ chỉ làm ảo thuật bồ câu cho vui. Ảnh: V.H. |
Những năm cuối thập kỷ 1980, gánh ảo thuật gia đình Bảo Thu Bắc tiến, mang tên đoàn Bồ Câu Trắng.
Ông kể: “Diễn gần 1 năm trời, đoàn đã thu kha khá tiền và dạy được cho kha khá người. Tôi nhờ mua được xe 45 chỗ do Quân đội thanh lý. Thuê hẳn một lái xe xuất ngũ, tiếp tục lái “gánh” ảo thuật tiến vào Nam. Đến Quảng Bình, thấy tôi diễn ảo thuật tài quá, có hai bà mê. Sau buổi diễn, họ tíu tít tặng chuối, cam. Một bà lôi trong túi ra tấm ảnh, bảo chồng bà bỏ đi đâu mấy tháng nay, nhờ nghệ sĩ hóa phép kêu ông ấy về. Tôi tá hỏa. Mình đang trên đất của họ, làm không được coi chừng hết đường về “quê mẹ”! Phải liều. Tôi cầm tấm ảnh bả đưa, huơ huơ tay, mồm lẩm bẩm gọi tên ông ấy, bảo về đi vợ đẹp con khôn đang mong ngóng cháy ruột. 2 tuần sau đoàn quay lại. Bả chạy đến, mặt vui lắm, tay lại mang chuối cam bảo cảm ơn thày, thày tài quá, chồng tôi về rồi” - nghệ sĩ Bảo Thu cười lớn.
Cuộc đời làm ảo thuật lắm chuyện hay, cũng không ít nỗi buồn. Bảo Thu từng diễn ở các nước châu Âu, khán giả vỗ tay rầm rầm, người tổ chức kính nể.
Còn diễn trên sân khấu nước nhà, có lẽ, buồn nhiều hơn, “nghệ sĩ diễn ảo thuật trong lặng lẽ”. Người ta vẫn coi thường ảo thuật gia, như đó chỉ là trò của gánh hát, trò dỗ trẻ con.
Được mời diễn trong những chương trình lớn, nhưng cũng chỉ để chêm xen khỏa lấp thời gian cho các ngôi sao ca nhạc chạy từ quán bar này sang sân khấu kia. Sắp xếp đạo cụ xong, định lên diễn thì ngôi sao tới tấp chạy đến lần lượt lên hát. Bồ câu chết ngạt trong áo...?
Giờ thì nghệ sĩ Bảo Thu đã già, không diễn được nữa, một phần do gặp tai nạn gãy xương ngón giữa tay phải. Các liên hoan ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc gần đây, quá nửa trong số nghệ sỹ đoạt giải là học trò của Bảo Thu.