> Điện ảnh Việt Nam 2013: Sự trỗi dậy của người trẻ
> Học sinh Việt Nam giành giải 'Kịch bản xuất sắc nhất'
Một chiếc xe bus vừa là nhà vừa là rạp chiếu phim, chạy vòng quanh các vùng xa xôi của nước Mỹ để chiếu và dạy làm phim tài liệu miễn phí cho tất cả những ai quan tâm, đó là cuộc sống của Lisa và Paolo.
Lớp cho loại phim “tuyệt chủng”
3h sáng. Hà Nội một ngày cuối năm 2012 buốt giá. Lisa và Paolo rời căn nhà thuê gần hồ Tây, đạp xe ra bến xe Mỹ Đình. Họ không bắt chuyến xe nào, mà tới để hướng dẫn một thành viên trong lớp quay đoạn phim có thời lượng... 1 phút.
Thời điểm quay vào lúc 4h sáng nhưng Lisa và Paolo có mặt tại bến xe trước một tiếng để chuẩn bị.
Trong suốt 10 ngày, Lisa và Paolo sẽ di chuyển như vậy tới nhiều địa điểm trong thành phố, bất kể ngày hay đêm, để hỗ trợ các thành viên trong lớp học quay phim.
Tới Hà Nội vào đầu tháng 12, Paolo và Lisa dạy một nhóm các bạn trẻ làm phim tài liệu bằng loại phim nhựa super8. Đây là loại phim thịnh hành vào những năm 1970, tới nay loại máy quay dành cho phim này không được sản xuất nữa.
Tại sao chọn chủng loại này để dạy mà không phải là những phương thức làm phim thời thượng? “Tôi muốn mang lại một cái gì đó khác biệt cho các bạn trẻ Việt Nam, muốn họ suy nghĩ chậm lại và thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống trong từng khoảnh khắc. Phim kỹ thuật số nhanh hơn, nên không có nhiều thời gian để suy nghĩ. Trong khi với phim nhựa, quay kiểu truyền thống, từng thước phim đều quý như vàng và gần như không có cơ hội sửa chữa lại khi đã quay hỏng, nên để quay 1 giây phim cũng phải lên kế hoạch tỉ mỉ. Điều này giúp người quay phim làm chậm, nghĩ chậm lại, và nhận ra nhiều điều hơn” – Paolo chia sẻ.
Lớp học 2 buổi/tuần tại viện Goethe, Hà Nội, kéo dài 1 tháng. Phim quay xong được mang ra tráng trong chậu nhựa rồi phơi lên dây... như in tráng phim ảnh. Làm tới đâu tráng và chiếu tới đó. Máy chiếu phim là máy quay tay. Hà Nội hiện lên qua từng thước phim đen trắng đẹp kiểu xưa cũ, đem lại cảm giác rất đặc biệt.
Từng làm vài phim tài liệu ngắn trước đó, Mai Phương - thành viên trong lớp học - liên tưởng phim super8 như một thứ đồ “handmade” và quá trình làm phim là cuộc trải nghiệm thú vị về hình ảnh từ lúc ngắm qua ống kính, lúc phim ướt, phim khô, tới khi được chiếu lên.
Nguyễn Hoàng Nam, một bạn trẻ lại cho biết làm phim super8 mang lại cảm giác “vui sướng như trẻ con” và việc lên kế hoạch kỹ, tỉ mỉ với từng cảnh quay rất có lợi cho tư duy.
Toàn bộ thiết bị máy quay, máy chiếu đã được Paolo và Lisa để lại cho lớp nên chỉ cần đặt mua phim trên eBay.
“Kể một câu chuyện bằng hình ảnh, do chính mình lên ý tưởng, ghi lại bằng những thước phim cũ, xem, cảm nhận, và nhâm nhi nó...” Đó chính là điều mà Paolo và Lisa muốn mang tới.
Tới Việt Nam lần này, Paolo và Lisa cũng ghi lại cuộc sống Hà Nội dưới những thước phim tài liệu bằng nhiều chất liệu, phim số, phim super8.
Lisa còn gắn một camera nhỏ ở giỏ xe đạp để ghi lại hình ảnh, hoạt động ngày thường của mỗi con phố cô đi qua.
Trong phim, cô muốn mô tả một Hà Nội lạ thường, “nơi người ta sinh sống, buôn bán, làm mọi thứ trên vỉa hè. Nơi đường phố chuyển động cuồn cuộn như một dòng chảy, cuộc sống có phần hỗn loạn, nhưng vẫn thanh bình. Nơi thân thiện đến mức chỉ cần đưa mắt nhìn ai đó là họ đáp lại bằng một nụ cười!”.
Chuyến xe chiếu phim
Paolo Davanzo là người Ý, anh cùng gia đình sang Mỹ định cư từ khi còn nhỏ. Học đại học chuyên ngành chính trị và lịch sử, nhưng Paolo lại say mê viết và làm phim. Sự ra đi của người cha khi anh còn rất trẻ đã khiến cuộc đời Paolo thay đổi.
Cách đây 10 năm, anh mở một trung tâm chiếu và đào tạo làm phim miễn phí tại Los Angeles mang tên Echo Park Film Center để tưởng nhớ cha mình – một nhà hoạt động xã hội.
Lisa và Paolo cùng chiếc xe bus chiếu phim rong ruổi khắp nơi. |
Lisa Marr là người Canada. Thời trẻ tuổi, Lisa từng dự định trở thành luật sư nhưng sau này, niềm say mê với âm nhạc đã khiến Lisa suýt trở thành nhạc sỹ chuyên nghiệp.
Ban ngày, Lisa tới công sở với vai trò thư ký. Buổi tối, cô trình diễn cùng ban nhạc do mình thành lập. Trong suốt 10 năm, Lisa cùng ban nhạc của cô đã gặt hái không ít thành công.
Một ngày cách đây hơn 10 năm, Lisa cùng ban nhạc tới Los Angeles, và nhìn thấy Echo Park Film Center. “Hay đấy, ta có thể biểu diễn ở đây” - Lisa nói với các thành viên. Rồi cô gặp Paolo.
“Ngay từ đầu, tôi đã có cảm tình với anh ấy. Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên!” - Lisa vui vẻ kể.
Để theo dõi hành trình chuyến xe bus của Lisa và Paolo và hoạt động của họ tại Trung tâm Phim Echo Park tại Los Angeles, có thể truy cập webistes: www.echoparkfilmcenter.org, www.filmmobile.org |
Từ ngày đó, họ đã trả qua hơn 10 năm bên nhau. Lisa học làm phim tài liệu và cùng Paolo điều hành trung tâm chiếu phim.
Các khoá đào tạo ngắn hạn thường kéo dài 3 tháng, với tiêu chí không từ chối bất cứ ai muốn tham gia.
Học viên được học quay bằng các thể loại phim kỹ thuật số, video,... và một phần không thể thiếu là phim super-8.
Rạp mini của Paolo có 60 ghế, luôn kín chỗ vào các buổi chiếu trong tuần. Phim chiếu là phim tài liệu từ nhiều nguồn, nhiều chất liệu, trong đó có cả phim super 8 do học viên tự quay.
Paolo và Lisa đã tìm mua chiếc xe bus “trong mơ”, để mang phim tới tận những vùng xa xôi hẻo lánh.
Họ lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái xe, biến chiếc xe thành ngôi nhà di động thân thiện với môi trường. Trong xe có bếp và internet. Từ đó tới nay, không thể đếm hết những nơi Paolo và Lisa đã tới trên khắp nước Mỹ. Họ cũng lái xe sang các nước lân cận như Canada, Mexico.
- Chúng tôi nấu ăn đơn giản trên xe. Paolo là người nấu – Lisa nói.
- Thế còn... tắm thì sao? Có nhà tắm trên xe chứ?
- À, tắm thì “thiên nhiên” ở sông, hồ những nơi chúng tôi dừng chân chiếu phim. Hoặc nhờ nhà tắm của các nhà hàng, nhà người dân. Họ rất sẵn lòng!
Để theo đuổi đam mê, Paolo và Lisa chọn một cuộc sống đơn giản đến mức tối đa. Họ sống trong một căn nhà thuê không có tivi ở Los Angeles và làm nhiều việc để kiếm tiền. Lisa tìm kiếm và viết các dự án dạy làm phim để gửi tới các tổ chức nghệ thuật. Có lúc, họ thậm chí kiếm tiền bằng cách bán đồ cũ.
“Chúng tôi không sinh con. Nhưng chúng tôi có bạn bè, thậm chí là “con cái”, ở mỗi nơi mà chúng tôi đi qua. Tôi yêu cuộc sống và công việc hiện tại. Mỗi ngày đều như một món quà!” - Lisa chia sẻ.
Do chưa thể mang chiếc xe bus đi xuyên biên giới tới những nước xa xôi hơn, Paolo đang suy nghĩ tới việc chiếu phim trên... xe đạp.