> Thí sinh Vietnam’s Got Talent diễn ảo thuật qua mặt Huy Tuấn
> Sôi động khai mạc lễ hội văn hóa- ẩm thực Việt Hàn 2012
Đại diện Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN thừa nhận, tổ chức dịp cuối năm nên số lượng đoàn và tiết mục tham gia không xôm tụ, do nhiều đoàn tư nhân, nghệ sĩ tự do đi diễn dịp cuối năm.
Rút từ hơn 30 tiết mục xuống còn 13, chia làm hai đêm thi 29 và 30-12. Tiêu chí lấy thu bù chi, các nhà tổ chức nhanh nhạy cho ảo thuật đi kèm với xiếc để bán vé. Những ngày cuối năm trẻ con nhà nào chẳng được đưa đi một điểm giải trí nào đó.
Ảo thuật đứng chung sân khấu với xiếc kể ra cũng thiệt thòi. Thiệt trước hết cho khán giả ngồi phía sau lưng nghệ sĩ. Các màn trình diễn lúc xem được, lúc không.
Bập bõm là thế, nhiều khán giả đành quay ra tạm thích thú: Ngồi ở những hàng ghế ấy lại lật tẩy được các mánh của các ảo thuật gia. Những màn tráo người trong buồng kín, hay thay đổi trang phục cứ lồ lộ trước mắt họ.
Thành thử buổi biểu diễn mất đi vẻ lung linh, huyền bí của ảo thuật. Lại cũng thiệt rất lớn cho nghệ sĩ nữa chứ.
Ban đầu BTC hứa hẹn sẽ ngăn thành sân khấu vuông để diễn ảo thuật. Sau do bộ phận kinh doanh lỡ bán hết cả vé cho khu vực sau, nên đành tặc lưỡi chờ rút kinh nghiệm cho lần sau.
Vẫn chừng ấy tiết mục: Biến khăn thành chim bồ câu, khăn thành hoa, thay trang phục trong chớp mắt, cưa người thành nhiều khúc. Ăn nhau ở cái tài biểu diễn sao cho thuyết phục.
Thêm nữa, cái đánh vào thị giác trước hết là dáng vẻ nhanh nhẹn, ăn vận đẹp mắt của nghệ sĩ- như Tuấn Anh đoàn Quảng Trị là ổn. Một vài học viên, nghệ sĩ khác vận đồ lụng thụng giống như đi mượn vội cho kịp thi.
Đôi khi nữ nghệ sĩ lại mát mẻ quá mức cần thiết, không phục vụ cho trình diễn. Có bộ bikini đỏ rực tung tăng trên sân khấu, hoặc bộ ren đen xuyên thấu. Xem xong các phần trình diễn này, hẳn nhiều ca sĩ đố kị vì họ khốn khổ bị phạt, còn nghệ sĩ xiếc- ảo thuật thì vô sự.
Xưa nay các liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc thường bị lên án là hòa cả làng. Liên hoan lần này cũng tìm ra ba giải vàng: Cánh chim hòa bình của Nguyễn Phan Khánh (Liên đoàn Xiếc VN); Sắc màu dân tộc của Ánh Tuyết và Mỹ Hạnh đoàn Xiếc TPHCM; tiết mục thoát hiểm 24 mũi chông của nghệ sĩ Trần Định đoàn Vũng Tàu.
Ba giải bạc thuộc về các tiết mục: Phương Đông huyền bí đến từ Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; Gậy hoa đổi người của Lê Tuấn Anh ở Quảng Trị; Lồng chim biến thành cô gái của đoàn Vũng Tàu.
Ngoài ra, Huyền bí Ai Cập cổ đại- ảo thuật tổng hợp của các nghệ sĩ Đoàn xiếc Hà Nội nhận giải trình diễn ấn tượng. Riêng phần thi của Đoàn văn công Hải Quân Hải Phòng nhận giải cho đề tài hay và thời sự, do gắn với chiến sĩ hải đảo với Tổ quốc từ âm nhạc, trang phục tới nội dung trình diễn.
Thay trang phục trong chớp mắt hầu như đều có trong các chiêu trò của các đoàn, tuy nhiên hai nghệ sĩ TPHCM lại chinh phục giám khảo NSND Nguyễn Thị Tâm Chính ở chỗ “không chỉ phô diễn được kỹ thuật mà còn mang vào đó âm nhạc, trang phục nhiều dân tộc anh em”.
Còn ảo thuật gia Trần Định đoàn Vũng Tàu cũng bỏ bùa giám khảo, nhờ tài thoát khỏi khóa chân, tay trong 45 giây để khỏi hứng chịu 24 mũi chông bằng inox sập xuống.
Trong số ba giải bạc, tiết mục của Lê Tuấn Anh đoàn Quảng Trị xem ra ấn tượng hơn cả. Thậm chí xứng đáng giải vàng, nhờ tài diễn và thái độ học hỏi rất nghiêm túc của ảo thuật gia trẻ này. Tuấn Anh mang đến màn biểu diễn gậy bay, bàn bay mới mẻ. Trò khăn hoặc tay không biến ra gậy cũng khá ấn tượng.
“Tôi cũng rất thích tiết mục của đoàn Quảng Trị. Họ làm rất đúng từng khúc nhạc, đầu tư bài bản và đặc biệt nghệ sĩ trẻ diễn rất tốt. Đó là ý kiến của mình tôi, còn mỗi giám khảo một con mắt nhìn”, ông Vũ Ngoạn Hợp, thành viên giám khảo nói.
Bốn năm mới có Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần 2, với tiêu chí là vì sự phát triển nên một thành viên ban giám khảo cũng tạm chấp nhận trình độ và kết quả có phần vui vẻ này.