Nắng của ngày cùng tháng tận

Minh họa: Nguyễn Xuân Hoàng
Minh họa: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Nắng như là không nắng. Chút vàng vàng âm ấm lóe lên giữa trưa đứng bóng rồi thôi. Còn lại là không gian hanh hao nhợt lạnh se se mù mù, cái nắng của ngày cùng tháng tận. Ấy vậy mà nắng tháng chạp là thứ thôi thúc, dằn vặt, đem đến cho con người nhiều tâm trạng nao lòng rối trí nhất.

> Cái kính của gã bạn trai cũ
> Khu vườn và những đôi mắt

Công việc cứ đẩy ta đi, chân không bén đất, đầu óc như một chiếc máy chạy hết công xuất. Những trang trải cần kíp. Những nghiệm thu cuối kỳ, cuối quý, cuối năm. Những báo cáo thúc giục, hối ngày hối đêm. Những lo toan bộn bề… Tất cả cứ lôi ta ào theo trong cái nhợt lạnh se se mù mù ấy.

Chiếc xe cà tàng của tôi nửa năm rồi chưa được rửa ráy, lớp lớp đất đỏ, sình lầy của bao lần lên bờ xuống ruộng kiếm cái sinh nhai đã cong nứt lắm lần nhưng không kịp bung rơi.

“Tấm thảm” bụi đường bụi đời phủ dày lên chiếc xe tội nghiệp, phủ dày lên cả khổ chủ lầm lụi một nắng hai sương. Cái ăn, cái mặc, con cái học hành, bệnh tật… trăm thứ, thử hỏi tâm trí đâu mà nhìn nắng ngắm mưa. Nhưng rồi trong lúc tưởng chừng không thể dừng lại được ấy lại phải ngồi chờ cả tiếng đồng hồ vì công việc, vì liên quan đến những người đến muộn.

Tôi thả bước sang nhà đối diện để giết thời gian chờ đợi. Tôi ghé trúng nhà ông lão chơi kiểng. Ngôi nhà thấp bé, chẳng màn lan trướng huệ gì nhưng kiểng thế, bonsai, kỳ hoa dị thảo đầy sân, chắc là đang chăm cho kịp chuyến chợ Tết. Tôi chào hỏi vài câu rồi áp vào ngắm những tác phẩm của ông già.

Trả lời nhát gừng ra vẻ lười biếng, chợt ông đưa ngón tay lên miệng: Suỵt! Nhìn kìa! Cái gì bác? Nắng! Tôi định nói “Nắng thì có gì lạ”, chợt kịp sựng lại. Tự dưng lại có một thoáng nắng mật như vầy. Ừ, cũng lạ, thoáng nắng vàng ươm, đằm thắm trong những ngày này đúng là hiếm.

Hèn nào mà mấy chiếc lá đa búp đỏ đằng kia cứ chao qua chao lại hớn hở ra mặt. Tôi đưa mắt ra xung quanh, vẫn một màu mù câm mù đục, chỉ vùng này ửng nắng như vậy.

Tôi khen ông già: Đối với thiên nhiên, bác có cái nhìn thật tinh tế! Ông cười: Đặc tính của nắng tháng này là vậy, chỉ thỉnh thoảng hiện lên, như chợt sống lại thời vàng son xa lắc xa lơ nào đó. Tôi tiếp ý: Vậy nên tháng này lúc nào rảnh là người ta hay nhớ nhà, nhớ thời thơ ấu, nhớ ông bà tổ tiên…

Phải rảnh rang mới nhớ à? Ông già tỏ vẻ khó chịu. “Cũng phải, trẻ thì bán tất cả để lấy tiền để đến già thì bỏ tiền cố gắng mua lại mọi thứ. Nước đổ ra rồi hốt lại được mấy tí đâu cháu ơi.

Âu cũng là quy luật nghiệt ngã. Chỉ tiếc con người bây giờ hơi quá đà, như cái cây kiểng bị thả, bị bỏ hoang, chỗ cần xanh lại không xanh, chỗ không cần nảy chổi lại tua tủa, mập ú, tha hồ phá thế, mất hết cân bằng. Phải cắt. Phải uốn. Phải chăm liên tục mới được”.

Ông già nói một thôi một hồi dường như không phải chỉ nói với tôi, ông nói cả cho chính mình. Im lặng. Cái nắng mật lúc nãy đã biến mất. Ông già lại cúi đầu vào những cây bonsai như là đang trò chuyện với chúng bằng một thứ ngôn ngữ khác.

Tôi chìm đắm vào những suy tư vừa nảy mầm, bao liên tưởng vừa hiện về. Tuổi thơ tôi, nỗi nghèo khổ tủi nhục nhiều hơn niềm vui hạnh phúc nên nắng trong kí ức của tôi là nắng cháy, nắng đốt, nắng lửa, nắng táp, nắng chang chang, nắng dội, nắng rám thành vết hằn trên da thịt cho đến bây giờ vẫn chưa phai, làm sao có sự thư thái để mà buồn mông lung, buồn xa vắng, buồn không tên, buồn lãng mạn với cái nắng vàng, nắng thủy tinh của những đời người ngập tràn hạnh phúc.

Mà đâu riêng gì tôi, người Bình Thuận đi đâu người ta cũng nhận ra liền vì nước da tích nắng, nước da rám nắng, vì cái mùi nắng khét lẹt tỏa ra đậm đặc quanh người.

Vậy nên cái nắng hanh hao chỉ thoáng hực lên một chút rồi thôi của buổi cuối chạp này, tôi nghĩ như trời đất muốn dành riêng cho mình, như một ẩn dụ về cuộc sáng, cuộc trưa, cuộc xế bóng tàn ngày của mình.

Đang miên man tôi chợt giật mình. Tôi chưa dãy mả cho ông bà nội, chắc là cỏ bụi phủ dày lắm rồi.

Tôi chưa chùi lư hương cho bàn thờ ba má tôi, cành hoa héo trên đục bình của lần giỗ trước nào đã dọn được đâu. Tôi chưa quét vôi lại mấy bức tường sập sệ, nứt toác cho căn nhà bớt sớt sơ mà đón Tết.

Các con tôi đang khát thèm chờ một tấm áo mới mà nào dám hé nửa lời… Ánh mắt của chúng là cái nắng tháng chạp se se nhoi nhói trong lòng tôi.

Tôi vội chào ông già rồi ào đi. Biết làm sao được. Tôi phải ào đi cho kịp quay về.

Cứ ngỡ ông già rành việc hơn rành lời, té ra sự uyên thâm được nén chứa trong làn da sậm nâu, nhăn nheo khắc khổ ấy. Tôi hiểu điều ông vừa nói, hiểu tâm trạng, cả ý nghĩa sâu xa và cả vì sao ông già chơi kiểng này lại nhạy cảm với cái nắng tháng chạp đến vậy.

Tản văn của
Nguyễn Hiệp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG