Đội đặc nhiệm kỳ lạ của triều Nguyễn
> 'Chí Phèo' tiết lộ hậu trường cảnh nóng với 'Thị Nở'
> Tìm thấy “cung điện hoàng đế” trong lăng Tần Thủy Hoàng
Mãnh hổ bị tiêu diệt. Ảnh: tư liệu |
Cùng với việc trấn dẹp nạn thổ phỉ, trộm cướp, chuyện săn bắn ác thú được các vua đầu triều Nguyễn quan tâm, xem đó là biện pháp an dân, củng cố nền móng của vương triều non trẻ.
Thuở ban đầu, việc săn bắn thú dữ được vua Gia Long, vị vua sáng lập triều Nguyễn, cho triển khai nhằm phục vụ cho những nghi thức tế lễ quan trọng như lễ tế Nam Giao, lễ cúng tế các thần linh, lễ tang các vị hoàng thân quốc thích.
Theo gương ấy, việc bắt súc vật làm thịt tế lễ được các vua đời sau tiếp nối. Minh Mạng năm thứ 9 (1828), theo lệnh vua, kho Võ khố làm 100 cây mác bằng sắt và 50 cái nha bằng sắt rồi giao vệ Võng thành (đội quân chuyên săn bắt thú dữ) dùng làm việc săn bắt.
Năm 1841 (Thiệu Trị năm thứ nhất), vua lệnh hàng năm gặp ngày kị (cúng tế) ở các Hưng miếu (miếu tổ tiên) vào những ngày mồng 10 và 14/9, trước đó 12 ngày, đề đốc Kinh thành triển khai cho Bộ Binh phái trên dưới 300 biền binh đi săn bắn thú rừng, mỗi kỳ săn 10 con làm hạn, nếu đủ 10 con thì thưởng cho nửa tháng tiền lương, nếu hơn thế thì được lên bậc, thưởng tháng tiền lương nữa…!
Từ việc săn thú lấy thịt tế lễ, chính sách triều Nguyễn sau đó mở rộng, tập trung vào việc săn trừ mãnh thú để bảo vệ cuộc sống bình yên cho lương dân. Điều này được Nội các triều Nguyễn ghi rõ thành chính sách hẳn hoi.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vua truyền chỉ cho các trấn Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa và Bình Thuận rằng gần đây có giống thú dữ làm hại nên lệnh cho quan địa phương ở những nơi ấy, ở ven đường cái trong hạt tìm phương pháp, hoặc cho một tay thiện xạ, hoặc đặt hố cạm bẫy, phát quang bụi rậm cho thoáng để người qua lại không bị trở ngại.
Một năm sau, trước dồn dập tin thú dữ quấy quá, vua Minh Mạng ban Sắc sai vệ Võng thành kết 40 tấm lưới chuyên dùng vào việc bắt hổ.
Minh Mạng năm thứ 14 (1833), không chấp nhận chuyện thú dữ hại dân ngày càng diễn biến nghiêm trọng, vua ban chỉ cấp súng và thuốc súng để diệt thú dữ: "Dân cư ở các hạt Nam Kỳ về ruộng nương phần nhiều có ác thú làm hại, vậy cho quan địa phương ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên… liệu xem các xã thôn ở miền gần núi rừng thuộc hạt, hoặc phái binh đinh, hoặc sai dân phụ, ai biết bắn súng điểu thương liệu cấp cho mỗi nơi 5-3 khẩu, mỗi khẩu đạn chì kèm 50 phát thuốc để cho bắn giết thú dữ…
Quan địa phương nơi ấy nên nhắc rõ cố cho đều gắng sức thi hành, nếu được thú dữ thì chiếu lệ thưởng cho, về sừng tê, ngà voi thì nộp quan, ngoài ra thì cho mua bán với nhau".
Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vua lại ban dụ rằng ở Kinh trở ra Bắc đến Quảng Bình, trở vào Nam đến các tỉnh Nam Kỳ, các trạm ở đường và nhân dân sở tại nếu ai tình nguyện lĩnh súng điểu thương, súng thần công và thuốc đạn của nhà nước để bắn giết thú rừng đều cho châm chước cấp phát nhưng chiểu theo số thú bắt được mà phân biệt mức thưởng.
Thời Vua Minh Mạng, thú dữ nhiều nên triều đình đã thành lập nhiều đội đặc nhiệm chỉ chuyên làm nhiệm vụ diệt trừ mãnh thú cho lương dân yên tâm làm ăn sinh sống, tập trung vào tiêu diệt chúa sơn lâm. Dụ vua ban cho chọn lấy biền binh ở doanh Hộ vệ Cảnh tất "ai bắn giỏi lấy 15 quân và doanh Thần cơ 15 quân", mỗi "lính đặc nhiệm" này được ưu tiên thưởng trước 3 quan tiền.
Vua cũng lệnh cho Thuỷ sư cấp một chiếc thuyền Ô, kèm Biền binh thủy sư đáp chở "những tên pháo thủ" ấy tới Bình Định, cho lên cạn chia đi các tỉnh lĩnh súng thần công hoặc súng điểu thương và thuốc đạn (mỗi quân lĩnh cơ số thuốc súng đủ bắn 100 phát), rồi chia đi các tỉnh dò tìm thú dữ bắn giết.
"Nếu tên nào có tài tự mình giết được thì cho theo mức thưởng mới định mà cấp thưởng, nếu bắn trượt và không bắn được thì theo số thuốc đạn chi phí nhiều ít đều phân biệt phạt roi", sắc lệnh của vua nêu rõ.
Khi Vua Minh Mạng băng hà (1841) thì triều đại của các đời vua kế nghiệp cũng rất quan tâm đến chuyện diệt trừ thú dữ. Thời Vua Thiệu Trị, thiên tử đã 2 lần ban dụ đốc thúc các trấn thành chuyên tập diệt thú nhằm an dân.
Năm Duy Tân thứ 2 (1908) xảy ra sự kiện hy hữu là vua cho chuẩn dời việc đặt huyện lỵ Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình trước ở xã Vạn Lộc xa đường cái quan vì gặp lúc có công văn khẩn cấp, ban đêm phu trạm sợ cọp không dám mang đi, nay dời tới xã Hoàn Lão.
Chuyện ban thưởng cho những quân dân diệt trừ được thú dữ có từ thời vua Gia Long và các triều vua sau đó. Năm 1804, năm Gia Long thứ ba, trước nạn thú dữ hoành hành ở nhiều địa phương, vua ban lệ cho các thành, doanh, trấn, đạo, đặc biệt lưu ý đến phàm dân ở chân núi có ác thú ra sức đặt bẫy bắt giết hổ dữ mỗi con được thưởng 30 quan tiền.
Triều Minh Mạng, phần thưởng cho người săn được thú dữ được quy định như sau: Nếu bắt được voi đực thì đem nộp ngà (1 đôi hạng lớn từ 50 cân trở lên thưởng 30 quan, hạng nhỏ 20-30 cân thưởng 10 quan), bắt được tê giác thì đem nộp sừng (sừng dài trên dưới 3 tấc thưởng 5 quan tiền, 5-7 tấc trở lên thì thưởng 10 quan tiền), bắt được trâu rừng thì đem nộp sừng (1 đôi thưởng tiền 5 quan), hổ thì đem nộp đuôi, mỗi đuôi thưởng tiền 10 quan".
Chiếu theo các chỉ dụ của vua ban thì thú dữ ở đây gồm hổ, voi, trâu rừng, tê giác… và trong số ấy, hổ là loài gây hại nhiều nhất nên được ưu tiên loại trừ. Cũng vì thế mà mức thưởng cho những ai diệt được hổ được triều đình gia tăng. Năm thứ 19, số tiền thưởng cho mỗi đuôi hổ được nâng lên thành 15 quan. Cũng trong năm này, vua lại ban dụ về việc cấp súng đạn cho ai bắn giết được mãnh thú, đặc biệt là hổ!
Vào thời vua Thành Thái, lệ thưởng cho người bắt được cọp rất cao: "Lệ trước bắt được 1 con cọp chỉ thưởng 30-40 quan, nay chuẩn trở đi phàm xã dân bắt được cọp bất kể đường sá xa gần đều cho đem móng, đuôi và bộ da trình nạp, ai bắt được 1 con cọp thưởng 100 quan".
Năm Thành Thái thứ 5 (1893), dân ấp Dã Khê là Lê Văn Thi nhiều lần bắt được voi rừng dâng nạp, vua chuẩn chiểu lệ áp dụng mức thưởng cho binh đinh dân phu rằng ai bắt được voi rừng hạng lớn cấp tiền 50 quan, hạng vừa cấp tiền 40 quan, hạng nhỏ cấp tiền 30 quan.
Tìm hiểu qua các tư liệu mới thấy chiếu theo thời điểm bấy giờ thì việc ban thưởng của các vua như thế khá trọng hậu. Nhưng có lẽ do thú dữ quá nhiều và quá hung hãn nên dân tình không dám bán mạng săn mãnh thú để được nhận thưởng của triều đình.
Chính vì thế mà trong nhiều thời kỳ, thú dữ hoành hành khắp nơi khiến dân tình bất an, đấng quân vương cũng vì thế mà nhọc tâm lao nghĩ: "Gần đây cứ lời tâu ở tỉnh Bình Định trình bày thì xã dân ở gần chân núi trong đó có nơi, hoặc nhân thú rừng làm hại đến nỗi mất cả làm ăn, thì thú dữ làm hại không phải là nhỏ" (dụ của Vua Minh Mạng năm thứ 9).
Có lẽ vì thấy việc kêu gọi không hiệu quả nên vua Minh Mạng đưa ra nhận xét và lưu ý: "Vì dân trừ hại là trách nhiệm của quan binh". Trên cơ sở đó, vua ban dụ cho khắp Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát các trực tỉnh nếu nghe hạt mình có tin báo về hổ làm hại phải đem binh săn bắt hoặc phái một viên quản vệ quản cơ đến hiệp đồng với viên phủ huyện sở tại đặt cách săn hổ.
Tiếng là trách nhiệm nhưng triều đình cũng có phần thưởng hẳn hoi: "Có ai bắn giết được hổ cũng cho chiếu mỗi con hổ thưởng tiền 10 quan, cốt mong giết nhiều thú dữ để dân ở yên".
Song song đó, thiên tử cũng có chế tài nghiêm khắc: "Nếu quan địa phương nơi ấy coi thản nhiên, để thôn dân sở tại ven núi và người đi qua đường sá còn bị hổ làm hại, tức không biết siêng năng, thương xót cho nỗi khổ của dân cũng khó chối được lỗi".
Trước nghiêm lệnh ấy của đấng chí tôn, phong trào diệt thú dữ diễn ra rộng khắp địa phương nên từ năm Minh Mạng thứ 9 đến năm thứ 19 (1838), nạn thú dữ càn quấy tạm lắng, thiên tử chẳng phải nhọc tâm ban chỉ dụ kêu gọi, đốc thúc quan binh phải nỗ lực tiêu diệt thú hoang hung dữ như mọi năm.
Thế nhưng đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), tình hình nghiêm trọng trở lại và vua Minh Mạng lại ban dụ lệnh cho Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát ở các hạt từ Quảng Bình trở vào Nam nơi nào có nhiều vết qua lại của hổ dữ thì quan tỉnh ấy phải thân hành đem quân, hoặc phái lãnh binh, hoặc phái một viên quản vệ tới hiệp đồng với viên phủ huyện ra sức bắt giết.
Trong dụ, vua lại lưu ý vì dân trừ hại là phận sự của quan thứ mục: "Các địa phương cốt nên ra sức theo lệnh mà làm, cho yên ổn các nơi. Nếu chỉ coi thường như trước để địa phận hạt mình còn có thú dữ làm hại thì trách nhiệm quan địa phương ở đâu phải giao đình thần nghị tội không tha".
Theo ghi chép của Nội các triều Nguyễn, có thời điểm thú dữ ở các tỉnh từ Bình Thuận trở ra Bắc và từ Bình Định trở vào Nam lộng hành quá, vua phẫn nộ lệnh cho các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận phái lãnh binh hoặc một viên quản vệ quản cơ đem biền binh đến 200 người mang theo súng ống thuốc đạn xét nơi núi non nào có nhiều hổ dữ và những thú dữ như voi, tê giác, trâu rừng phải bắt giết "cốt cho được nhiều".
Theo lệnh vua, những "đội đặc nhiệm" này còn phải làm nhiệm vụ "đẵn cắt" những nơi bụi rậm được quang đãng để tiện cho người đi lại mau chóng: "Nếu núi rừng nơi nào rậm rạp, sức lính không xuể cho bắt thêm xã gần đấy, cấp cho mỗi tên tiền 40 đồng, gạo một bát để làm việc săn bắn… Nơi nào con số nhiều thì liệu cho khen thưởng, nơi nào con số ít, vì không bắt được con nào thì đều cho phân biệt để trị tội".
Năm Minh Mạng thứ 21, khi hay tin hạt Thừa Thiên (gần kinh thành) lâu nay thú dữ mất tích bỗng dưng xuất hiện vết hổ ra vào, vua Minh Mạng liền phái phó vệ úy Võng thành đem đến 300 biền binh đi truy lùng hổ dữ với tiền thưởng cao ngất ngưởng, mỗi đuôi hổ được thưởng 30 quan, cao gấp 3 lần phần thưởng năm Minh Mạng thứ 18.
Và để tránh việc đang yên lành nay thú dữ xuất hiện, theo lệnh vua, các tỉnh nổi tiếng về nạn thú dữ hoành hành gồm Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa mỗi tháng một lần hoặc vài tháng một lần thường thay phiên nhau đem biền binh tới các rừng rú thuộc hạt săn bắn rộng rãi nhằm xua hết thú dữ để trừ hại cho dân.
Như những lần ban dụ khác, lần này thiên tử cũng lưu ý: "Nếu coi thường không quan tâm để săn thú rừng, làm cho dân phải lo, trở ngại cho đường ngựa trạm hoặc đến chậm trễ thì chỉ hỏi tội quan tỉnh ấy".
Theo Công An Nhân Dân