Tranh cãi: Phạt ca sĩ hay nhà tổ chức biểu diễn

Tranh cãi: Phạt ca sĩ hay nhà tổ chức biểu diễn
TP - Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa tổ chức tọa đàm về việc bảo vệ quyền lợi chung của ca sĩ và nhạc sĩ trên các lĩnh vực sử dụng âm nhạc- đặc biệt là trên lĩnh vực Internet, lĩnh vực biểu biễn và những triển vọng trong lương lai.

> Phải trả tiền khi tải nhạc trên mạng

Quy định luật pháp cứng nhắc liệu có làm người biểu diễn mất hứng?. Ảnh: N.M.Hà
Quy định luật pháp cứng nhắc liệu có làm người biểu diễn mất hứng?. Ảnh: N.M.Hà.

Được biết sắp tới Trung tâm sẽ phối hợp với một công ty truyền thông tiến hành dự án đòi các đơn vị kinh doanh nhạc số trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ, ca sĩ.

Trung tâm có mời một số ca sĩ thành danh dự tọa đàm chiều 12-10 nhưng đa số bận cả. Chỉ có NSND Quang Thọ và NSƯT Thanh Thanh Hiền cùng một số nghệ sĩ trẻ có mặt và phát biểu.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm là người “chiếm” diễn đàn nhất, nhiều lần nhắc lại nội dung: “Các ca sĩ có trách nhiệm nhắc nhở nhà tổ chức biểu diễn. Trước khi biểu diễn ca sĩ phải hỏi nhà tổ chức đã xin phép tác giả chưa, nếu nghiêm túc thì: Cho tôi xem hợp đồng, chưa xin phép thì tôi không hát nữa…”

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn thêm vào: “Trường hợp không xin phép khi sử dụng tác phẩm, người bị kiện đầu tiên chính là ca sĩ. Nhà tổ chức chỉ có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ca sĩ có thể kiện về sau nhưng trước hết phải giơ mặt trước tòa. Giờ thì chưa nhưng thời gian rất gần đây khi chủ sở hữu tác phẩm quá bức xúc nhờ luật pháp can thiệp, ca sĩ sẽ phải cẩn thận”.

NSND Quang Thọ lên tiếng: “Chúng tôi không làm việc trực tiếp với nhạc sĩ, mà với nhà tổ chức biểu diễn… Nếu các anh nói thế, chúng tôi không dám hát nữa!”

NSƯT Thanh Thanh Hiền: “Tôi không muốn mất tình cảm ‘truyền kiếp’ tốt đẹp giữa ca sĩ và nhạc sĩ. Ca sĩ có quyền lợi thì đương nhiên phải có trách nhiệm, nếu các bên liên quan cứ đùn đẩy cho nhau thì không đi đến đâu. Tôi không ngại đóng tiền bản quyền cho nhạc sĩ. Cá nhân tôi nhiều lúc chạnh lòng khi thấy đời sống còn khó khăn của các nhạc sĩ, mà không biết làm thế nào cho ổn thỏa. Cứ soạn thảo những quy định khúc triết, hợp lý, chúng tôi sẽ vui vẻ thực hiện”.

Nhạc sĩ Huy Thục đứng về phía ca sĩ: “Ở các chương trình lớn tổng đạo diễn “ăn” rất nhiều, không hiểu chia cho nhạc sĩ, diễn viên được bao nhiêu. Nên gõ đầu tổng đạo diễn và nhà tổ chức”.

Ông tiện thể than thở có chương trình bán vé tới 600 nghìn đồng nhưng trả cho ông chỉ 4 triệu/14 bài xong lại trừ 10% thuế.

Nhạc sĩ Văn Dung thì dẫn chứng Mr. Đàm một lần hát 2 bài đòi 100 triệu, và đặt vấn đề có nên trả tác quyền cho ca sĩ theo % thù lao của ca sĩ.

Thắc mắc này được giải đáp nhanh chóng: Người xin phép hát bài của nhạc sĩ thì dù có hát hay hay dở, giàu hay nghèo thì số tiền tác quyền phải trả vẫn là cố định theo luật định.

Luật sư Toàn nhắc lại quan điểm: “Luật quy định rõ, chỉ nhạc sĩ mới có quyền biểu diễn tác phẩm cho công chúng. Ca sĩ hát bài không xin phép là trực tiếp xâm phạm quyền chứ không phải nhà tổ chức.”

Ông Toàn đưa ví dụ: Một người xui một người khác lấy xe máy của người thứ ba, thì khi công an đến bắt thì người đang dắt xe sẽ bị quy tội đầu tiên rồi mới đến người xui.

NSND Quang Thọ bức xúc: “Thế thì còn sinh ra Trung tâm này để làm gì? Chương trình diễn ra sau khi đã được cấp phép biểu diễn. Ca sĩ chỉ biết đến hát thôi”.

Thanh tra Phạm Xuân Phúc phải đứng ra “hòa giải”. Ông Phúc dẫn điều luật: Ai sử dụng tác phẩm với mục đích kinh doanh, thương mại phải xin phép và trả tiền hoặc vật chất cho tác giả.

Theo luật thì đúng là ca sĩ phải có trách nhiệm đầu tiên, nhưng Nhà nước đã ra những quy định phù hợp với thực tế.

Ông khẳng định: “Người tổ chức biểu diễn phải thực hiện nghĩa vụ với tác giả. Không phải tự nhiên mà ca sĩ hát bài của tác giả đó. Ca sĩ còn phải dành thời gian chuẩn bị giọng hát, trang phục, trang điểm… Nên đứng ra thực hiện nghĩa vụ với tác giả phải là nhà tổ chức”.

Ông cũng cho hay sắp tới theo quy định mới, mức phạt tội không xin phép tác giả mà cứ biểu diễn sẽ tăng từ 8 triệu lên tới 50 triệu đối với cá nhân và 100 triệu với tập thể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.