> Đũa thần không còn tác dụng với Rowling
Nhà văn lớn nhất của nền văn học Nhật đương đại từng nói, ông tin vào sức mạnh của những câu chuyện.
Mà trong văn chương, còn gì truyền thống hơn những câu chuyện? Để đến bây giờ, thứ người ta đang muốn “phá”, trong văn chương, cũng chính là cách viết kiểu kể chuyện. Họ muốn tìm những cách viết mới hơn. Văn kể, văn tả, sau rồi văn nghĩ.
Nhưng, có những người không bao giờ sợ cũ. Hết cuốn này đến cuốn khác, Murakami vẫn cứ kể chuyện tình. Mà trên thế giới này, có gì cũ hơn những chuyện tình?
Nhà văn có một kho chất liệu dồi dào đủ để làm mới những câu chuyện cũ. Ít nhất, ông có những thế giới khác. Hai nhân vật chính Aomame và Tengo của 1Q84 sống như thế. Tìm kiếm mình trong những thế giới khác.
Đến đây tôi nên giải thích cái tên 1Q84. Aomame đặt cái tên đó cho cái năm mà cô vừa tìm thấy, thay vì 1984 - cái năm nhàm chán ở thực tại của tất cả mọi người. (Murakami hẳn đã có một năm 1Q84 của riêng mình?)
Dù sao thì, “Q” chính là “question”- câu hỏi, một thế giới khiến người ta không ngừng băn khoăn.
Murakami rất giỏi tung hỏa mù (ông từng nói trên Guardian: “Tôi thích làm cho câu chuyện đơn giản trở nên càng dài và phức tạp càng tốt”). Cuốn sách này, nếu diễn nôm một cách vô duyên, thì sẽ là: Đôi trai gái gặp nhau, chia lìa, tìm lại nhau. Nhưng nếu để người đọc gấp sách lại chỉ nhớ có thế thôi thì người viết nên bỏ nghề.
Trong 1Q84, Murakami tiếp tục với đề tài yêu thích: Tâm lý phụ nữ và những đổ vỡ trong con người nói chung. Thể hiện qua hai yếu tố chính: Tình dục và bạo lực. Ông đã say sưa với nó mấy chục năm rồi nhỉ? Hình như là 30. Thêm vào đó còn có: Bạo hành gia đình (cả Tengo và Aomame đều có trải nghiệm, theo những hình thức khác nhau), bất bình đẳng giới.
Ấy thế mà đó vẫn là những vấn đề nóng hổi trong xã hội thế giới hiện nay. Không bao giờ cũ thì không sợ cũ. Tính muôn thuở của chủ đề và tính thời sự của các chi tiết có vẻ là sự kết hợp ăn ý.
Rất Murakami
Vô tình, khoảng thời gian đọc 1Q84 bản tiếng Việt cũng là lúc tôi suy nghĩ về sự khác biệt và tương đồng của hai thế giới: Toán học và văn chương. Nhưng, “Thứ mình nghĩ mãi mới ra/ Đều là những thứ người ta nghĩ rồi” (thơ Nguyễn Bảo Sinh). Murakami (tất nhiên là) đã đi trước tôi rất nhiều bước.
Ông viết, lồng vào tâm tư của nhân vật Tengo - một thầy giáo dạy toán ôm mộng viết văn: “Toán học là một tòa kiến trúc hư ảo tráng lệ. Toán học không ngừng vươn cao, đối lập với nó, rừng sâu (văn chương - PV) lặng lẽ trải rộng ra vô tận. Bộ rễ kiên cố ăn sâu, vươn khắp trong lòng đất”.
Một bên là cao to, một bên là rộng sâu. Những đặc điểm của hai thế giới mà Tengo muốn trú ngụ. Chính xác là muốn trốn vào. Có ai không đọc văn với mục đích tìm một nơi để trốn? Tôi chỉ không ngờ là, nhiều người học toán cũng với mục đích đó.
Có cảm giác Murakami cũng trốn vào đó từ lâu lắm rồi. Ông/Tengo so sánh: “Khi từ thế giới tiểu thuyết trở về với thế giới hiện thực, anh không phải nếm trải cảm giác hụt hẫng nặng nề như khi trở về từ thế giới toán học… Trong khu rừng chuyện kể, dẫu quan hệ giữa các sự vật hiện tượng có rõ ràng như thế nào, song cũng không thể cho ta một đáp án sáng tỏ. Đây chính là sự khác biệt với toán học. Sứ mệnh của chuyện kể nói chung, chính là biến đổi vấn đề sang một hình thái khác”.
“Một hình thái khác”, diễn nôm (hơi vô duyên) thì là “kể mới”. Nếu như tất cả những gì nhà văn muốn nói đều ở trong tác phẩm, thì câu trên có thể coi là (một trong những) tuyên ngôn văn chương của Murakami.
Trong phim Balzac và cô thợ may Trung Hoa (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Đới Tư Kiệt), nhân vật Mã (Lưu Diệp đóng) nói với bạn sau một đêm thức trắng đọc tiểu thuyết Balzac: “Tớ cảm thấy như thế giới này đã thay đổi. Bầu trời, những ngôi sao, âm thanh, ánh sáng, thậm chí những con lợn cũng không còn giống với trước kia”.
Có lẽ 1Q84 là một cuốn sách như thế, trong rất nhiều cuốn sách như thế, và sẽ làm thay đổi không chỉ những con lợn.
Các nhân vật của Murakami đều thấy đời thực nhỏ hẹp và chật chội. Họ say sưa đánh mất và say sưa tìm kiếm. Trong lúc tìm kiếm, họ không ngại đánh mất chính mình. |